Xã hội

Nhọc nhằn đời “phu mía” đất Tây Nguyên

24/01/2016, 19:10

Dọc đường Trường Sơn Đông qua huyện Kông Chro (Gia Lai) có những “chòm” lán trại tạm bợ bằng bạt của những phu mía...

14
Những căn lều chật chội của “phu mía” miền Trung lên Tây Nguyên làm thuê

Dọc đường Trường Sơn Đông qua huyện Kông Chro (Gia Lai) có những “chòm” lán trại tạm bợ bằng bạt của những phu mía di cư từ miền Trung lên làm nghề chặt mía thuê. Những căn lều tạm bợ cao không quá đầu người, bên trong có một vài chiếc võng để nghỉ ngơi trong hàng tháng liền chặt mía vất vả.

Làm cực, sống khổ

Xe chúng tôi dừng lại bên chiếc xe máy chở hàng bán thức ăn quanh những căn chòi của phu mía tại xã An Trung, huyện Kông Chro (Gia Lai). Một phụ nữ nói giọng Phú Yên đang kỳ kèo với người bán mớ cá đã ươn chỉ khoảng 15 nghìn đồng/kg. Vui mừng khi mua được mớ thức ăn rẻ, chị đi vào “bếp” cạnh căn lều. Gọi là “bếp” chứ thực chất là ba cục đá kê bên một gốc cây to ngoài trời.

Trong câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Thuyết (43 tuổi, trú tại xã Định Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) buồn rầu, cho biết: “Nhà tui ở đây cũng được vài tháng rồi. Đầu mùa mía năm nay, có người cùng quê điện thoại nói cần khoảng 40 người lên chặt mía ở Gia Lai. Rứa là vợ chồng bàn nhau rồi chạy xe máy lên. Hàng nghìn người lên đây chặt mía thuê, không có chỗ ở nên phải dựng lều ngoài vườn của chủ nhà để ở…”.

Chị Thuyết kể, nhà ở quê nghèo lắm, hai vợ chồng chỉ có vài sào ruộng, quanh năm không đủ no. Ngoài mùa lúa thì đa số thời gian đều rời xứ đi làm thuê, hết hái cà phê rồi chặt mía, làm phụ hồ. “Trung bình, hai vợ chồng mỗi ngày vừa chặt vừa bốc vác chất lên xe khoảng 200 - 300 bó mía, mỗi bó người ta trả 1.200 đồng. Chặt nhiều thì hưởng nhiều thôi”.

Túp lều của gia đình chị Thuyết gọi là “sang” nhất, bên cạnh còn có những người đi một mình nên góp lại làm lều chung. Lều thì chật mà phải hơn chục chiếc võng. Không mùng mền gì, phu mía sau một ngày làm việc, về ăn xong là leo lên võng ngủ vùi mê mệt.

Cao nguyên ngày nắng cháy, nhưng đêm thì tù mù trong cái lạnh. Tại thôn 8, xã An Trung, một vài căn lều của phu mía vẫn còn ánh đèn leo lét. Lều chật ních, mùi mồ hôi, mùi phân bò từ chuồng bò bên cạnh cứ ngai ngái.

Khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ mệt sau một ngày lao động, chị Tống Thị Mai (26 tuổi, quê Tuy Hòa) vẫn còn ngồi ngoài lều nói chuyện điện thoại với đứa con trai 5 tuổi đang gửi bà nội ở quê. Giọng con thơ léo nhéo trong điện thoại đòi ba má về, không cầm lòng được, chị Mai đành buông máy. “Hai tháng rồi tui chưa về thăm cháu. Tui hẹn nó tuần vừa rồi về quê, nhưng chồng cảm sốt nên không về được. Từ nay đến Tết cũng gần hết mùa mía, thôi gắng ở lại làm thêm chứ về rồi lại mất công lên xuống, tốn tiền…”, người đàn bà rơm rớm nước mắt.

Cách căn lều chị Mai không xa, căn lều của bà Nguyễn Thị Chín (63 tuổi, quê xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên) cùng con trai là Biện Văn Hoàng (24 tuổi) đang sáng đèn để ăn cơm tối. Tôi hỏi bà Chín sao ăn cơm muộn vậy? Bà nói: “Thằng Hoàng chặt mía từ chiều, nhưng chờ xe tải lên chất xong mới về. Hắn về đến nhà là 9h tối nên ăn mới muộn”. Tôi hỏi bà Chín, sao già rồi mà còn đi chặt mía thuê? “Ngó tui già chứ ngày chặt được trăm bó đó”. Anh Hoàng tiếp lời mẹ: “Nhà có hai mẹ con, mình đi lên đây làm thuê nên đưa má lên cùng để má con có nhau. Má mệt thì ở nhà nấu ăn. Còn làm được chừng nào hay chừng đó”.

Tết… đắng

Thấy người lạ vào khu “nhà ổ chuột” của phu mía, nhiều người trong lán trại nghi ngờ tưởng là công an nên đến để xin phép. Ông Trần Quốc Khá (55 tuổi, trú tại An Nhơn, tỉnh Bình Định) đến khẩn khoản: “Các chú thông cảm, tụi tui ở Bình Định lên làm thuê kiếm đồng về tiêu Tết. Ngày làm ngoài ruộng, tối về ngủ thôi chứ tuyệt đối không uống rượu quậy phá. Mấy chú đừng lo”.

Khi biết là phóng viên, mọi người mới thở phào. “Tụi tui đang nhậu lai rai, thấy xe máy tự nhiên chạy vào nên tưởng… công an. Tụi tui giấu rượu vô bụi cây. Mấy chú làm tụi tui hoảng hồn. Anh em mất vui rồi, mấy chú phải đền mấy gói mì tôm làm mồi đó nha”, ông Khá vỗ đùi cười đắc ý.

Giữa căn lều chật chội có tới chục người ngồi quanh chai rượu trắng, vài con cá khô nướng bị cháy và một chiếc lá chuối lật úp, trên là vài gói mì tôm để làm mồi. Câu chuyện đang rôm rả thì tôi đề cập đến chuyện Tết sắp đến, mọi người như trùng xuống. Ông Khá nhìn tôi nói: “Cháu nhắc tôi mới nhớ… gần đến Tết rồi. Chu choa, phận làm thuê, làm mướn như tui thì Tết nhất chi. Chỉ cần một năm có cái gặp mặt ở nhà là vui rồi. Làng tui đi làm thuê hết, chỉ chờ có Tết mới có dịp gặp nhau thôi…”. Bỗng một người trong bàn nhậu cầm ly rượu đưa lên rồi nói với giọng tiếu lâm: “Ngày mô xe mía cùng vô đều như hôm nay thì tha mồ mà sắm Tết. Hợp lý không để tui cạn chén ni”. Ai trong bàn cũng cười khà khà: “Hợp lý”.

Chúng tôi rời những căn lều của phu mía trong tiết trời lành lạnh. Đâu đó giữa cánh đồng mía rộng lớn là tiếng dế kêu rả rích, những ánh đèn leo lét còn sót lại giữa mêng mông trời đất cao nguyên. Ở đó có những phận người phu mía vắt kiệt sức mình vì cuộc sống mưu sinh vất vả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.