Thời sự

Nhu cầu phong tướng của ta là gì?

07/11/2014, 15:33

"Đối với học viện, như các nhà trường, cái người ta cần là các chức danh liên quan đến Giáo sư, Tiến sĩ, chứ không phải là hàm cấp tướng", ĐB Huỳnh Thành phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 6/11.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh - ảnh TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh - ảnh TTXVN

Không thể để Trung tướng báo cáo Thiếu tướng

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban TVQH, dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng là kế thừa Luật sỹ quan hiện hành. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐND Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị QH cho giữ như dự thảo Luật.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần cân nhắc trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng vì về mặt nhà nước, Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ủy ban TVQH cũng đề nghị QH quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng. Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Đại tá.

Liên quan đến một số ý kiến ĐB, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh giải thích thêm, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và bên dưới Bộ tư lệnh cũng đã có đơn vị cấp sư đoàn trực thuộc. Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị hợp nhất của 3 tổ chức trước đây là Quân khu Thủ đô (đã có trần quân hàm Trung tướng từ lâu); Bộ CHQS TP Hà Nội, Bộ CHQS tỉnh Hà Tây, do đó đề nghị quân hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng là hợp lý.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh chỉ là đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7. Nếu đề nghị quân hàm cao nhất là Trung tướng thì lại tương đương với Bộ tư lệnh Quân khu 7. Điều này không phù hợp với quy định là quân hàm cấp trên phải cao hơn quân hàm cấp dưới.

“Không thể để Phó tư lệnh Quân khu đi kiểm tra Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh rồi xếp hàng để ông Trung tướng chào báo cáo ông Thiếu tướng”, Bộ trưởng nói.

Với những ý kiến về các nhà trường, học viện trong quân đội, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, những đơn vị này nhiệm vụ ngày cành nặng nề, vừa nghiên cứu khoa học vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do đó nếu hạ quân hàm xuống là không hợp lý. Bộ trưởng đề nghị, đối với Học Viên Quốc phòng, Chủ nhiệm khoa Mác Lê Nin; khoa Quân chủng, Binh Chủng, nên để trần quân hàm thiếu tướng vì đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Tăng số lượng cấp tướng có tăng sức mạnh quân đội

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban TVQH. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc phong quân hàm cấp tướng cần được xem xét thật cụ thể, bởi hiện nay nhiều ý kiến của nhân dân không đồng tình với số lượng cấp tướng quá nhiều như hiện nay.

Liên quan đến đề xuất phong hàm Thượng tướng cho Chính ủy Học viện Quốc phòng, hay Thiếu tướng cho một số khoa thuộc học viện, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng, đối với học viện, cũng như các nhà trường, cái người ta cần là các chức danh liên quan đến Giáo sư, Tiến sĩ, người có khả năng sư phạm, có kiến thức cao về an ninh quốc phòng chứ không phải là hàm cấp tướng. "Hàm cấp tướng cũng cần, nhưng không phải tuyệt đối. Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải là Ủy viên Bộ chính chị", ông Thành nêu ý kiến.

ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền - ảnh antv.vn
ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền - Ảnh: antv.vn

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kể: Có cử tri hỏi tôi, vì sao chúng ta phong tướng nhiều thế? Khi giải phóng miền Nam, chúng ta chỉ có 36 tướng nhưng đánh tan đế quốc. Nay thời bình nhưng tướng được phong nhiều hơn cả thời chiến. "Vậy nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn và để lãnh đạo tốt hơn?", ông Thuyền nói.

Cũng theo ông Thuyền, sức mạnh của quân đội cơ bản do lòng dân, chứ còn phong nhiều tướng quá thì thực sự là người dân chưa đồng tình. "Xác định phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, yêu cầu xây dựng quân đội. Nếu tăng số lượng cấp tướng liệu có tăng được sức mạnh của quân đội hay không? Còn nếu xác định phong tướng để giải quyết chế độ chính sách thì nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm thì tốt hơn", ĐB tỉnh Lâm Đồng đề nghị.

Kiểm soát xuất nhập cảnh ở cửa khẩu do công an thực hiện?

Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (CAND, sửa đổi), ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, quy định như tại khoản 3, Điều 5 của dự thảo Luật (Hoạt động của CAND phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân) là chưa phù hợp. Bởi như vậy có thể hiểu sau này việc kiểm soát xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu sẽ do công an thực hiện. Nếu như vậy, tới đây Bộ Công an sẽ phải thành lập các đơn vị, các đồn, trạm để thực hiện nhiệm vụ.

"Nước ta có 26 cửa khẩu quốc tế, 23 cửa khẩu quốc gia, 72 cửa khẩu trên bộ, 34 cửa khẩu ở các cảng biển. Như vậy là tổng số 155 cửa khẩu. Bình quân mỗi đồn, trạm khoảng 50 người, thậm chí nơi nhiều có thể hơn trăm người. Chắc chắn số lượng biên chế sẽ tăng lên. Và bất cập nữa là vành đai biên giới của chúng ta sẽ bị cắt khúc. Khúc này do bộ đội biên phòng kiểm soát, khúc kia thuộc trách nhiệm của công an. Sẽ nảy sinh vấn đề phối hợp. Hiện nay chúng tôi thấy việc phối hợp rất tốt và lực lương biên phòng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh ở cửa khẩu. Nếu quy định như dự thảo luật chắc chắn sự phối hợp sẽ không tốt như hiện nay", ông Sơn nói và đề nghị nên giữ nguyên quy định như hiện nay, tức là giao cho bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm chính. Còn nếu có gì chưa tốt thì bổ sung, hoàn thiện.

Tiến Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.