Thế giới giao thông

Nhức nhối tấn công tình dục trên máy bay

26/12/2017, 13:00

Thời gian gần đây, cư dân mạng Ấn Độ và thế giới sôi sục vì nhiều vụ tấn công tình dục trên máy bay.

11

Nữ diễn viên Ấn Độ - người tố cáo bị tấn công tình dục trên máy bay

Thời gian gần đây, cư dân mạng Ấn Độ và thế giới sôi sục vì nhiều vụ tấn công tình dục trên máy bay. Những vụ việc này đã phản ánh một góc khuất trong ngành hàng không thế giới, vốn tồn tại từ rất lâu nhưng bị che giấu hoặc bị lờ đi và cần sự vào cuộc quyết liệt của các hãng hàng không.

Vấn đề nhức nhối âm thầm

Mới đây, nữ diễn viên trong giới Bollywood của Ấn Độ, 17 tuổi đã chia sẻ qua mạng xã hội, tố cáo một người đàn ông tấn công tình dục cô trên chuyến bay nội địa của hãng hàng không Vistara.

Trước đó vài ngày, dư luận thế giới cũng sôi sục với câu chuyện của chị gái người sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg, cô Randi - một giám đốc điều hành làm việc tại Thung lũng Silicon.

Chia sẻ qua mạng xã hội, cô Randi cho biết, bản thân là nạn nhân của một vụ quấy rối tình dục trên chuyến bay của hãng hàng không Alaska. Những sự việc tố cáo tấn công tình dục liên tiếp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các hãng hàng không về những nguy hiểm thường trực trên máy bay.

Sàm sỡ, quấy rối, tấn công tình dục là những hành vi thường xuyên xảy ra trên tàu bay. Nhưng, theo phần lớn các nạn nhân (bao gồm cả hành khách, thành viên phi hành đoàn) hay các liên đoàn tiếp viên hoặc các nhà tư vấn đào tạo hàng không, những sự việc này đều không được báo cáo.

Năm ngoái, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) các hãng hàng không trên toàn cầu chỉ báo cáo khoảng 211 trường hợp tấn công tình dục. Trong một thông báo, IATA cho biết, chưa đến một nửa số vụ lạm dụng trên được trình báo tới cơ quan chức năng và đó chính là lý do vì sao có rất ít vụ việc cảnh sát vào cuộc điều tra.

Theo Reuters, trong số hàng chục hãng hàng không lớn mà hãng tin này liên lạc, chỉ duy nhất hãng Japan Airlines (Nhật Bản) đưa ra con số thực tế về những sự việc tấn công trên máy bay: Khoảng 10-20 vụ/năm. Trong đó, cảnh sát đã tham gia xử lý một số vụ.

Cô Suhaila Hassan, tiếp viên trưởng tại hãng hàng không giá rẻ AirAsia Bhd (có trụ sở tại Malaysia) chia sẻ, hãng này chưa nhận được thông tin về các vụ khách tấn công tình dục khách bao giờ nhưng có một số lần họ nhận được thông tin về việc tiếp viên hàng không bị quấy rối.

Theo Hassan, có lẽ một số vụ việc đã không được trình báo với hãng, “một phần vì vấn đề văn hóa. Mọi người thường cảm thấy ngại ngùng hoặc xấu hổ nếu tiết lộ những sự việc như vậy”, Hassan nói.

Không riêng tại Malaysia đây còn là văn hóa chung tại châu Á - ông Jason Tan, một cựu tiếp viên hàng không của hãng Singapore Airlines, từng làm công việc đào tạo phi hành đoàn tại châu Á và Trung Đông. “Các nạn nhân đều có xu hướng chịu đựng trong im lặng”, ông Tan nói.

Cô ElsaMarie D‘Silva, cựu tiếp viên hàng không tại Jet Airways, hiện đang điều hành một trang web tìm giải pháp giải quyết các trường hợp tấn công và lạm dụng tình dục cho biết, tại Ấn Độ, các nạn nhân không dám hé răng về những sự việc như vậy vì họ xấu hổ, phần khác vì văn hóa tại đây buộc các nạn nhân phải có trách nhiệm chứng minh các cáo buộc. Đây là lúc hàng không Ấn Độ phải giải quyết nghiêm túc vấn đề này”, cô D‘Silva nhận định.

Cần các hãng hàng không vào cuộc

Giống quan điểm của cô D‘Silva, nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, để giải quyết vấn đề này, các hãng hãng không cần phải là lực lượng tiên phong hành động mạnh mẽ để giải quyết triệt để vấn đề, thay vì chỉ chống chế mỗi khi sự việc tấn công tình dục vỡ lẽ trước dư luận và ảnh hưởng tới nhãn hiệu, danh tiếng của họ.

Nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Hàng không Chiến lược có trụ sở tại London, cô Saj Ahmad cho biết: “Đây là vấn đề toàn cầu và tất cả các nước đều phải chung tay giải quyết.

Hãy chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết những mối lo ngại của hành khách hơn là chỉ phản ứng khi một sự kiện rầm rộ trên mạng xã hội nổ ra. Nếu làm được vậy, các hãng mới có thể giải quyết tận gốc các vấn đề đáng ngại”.

Bên cạnh đó, mặc dù đến thời điểm này, hầu hết các hãng hàng không đều đào tạo tiếp viên hàng không đối phó với những sự việc “hành khách thô lỗ” từ lạm dụng thân thể, có hành vi khiêu dâm và can thiệp bằng các thiết bị máy bay.

Tuy nhiên, các chuyên gia như ông Philip Baum, Giám đốc quản lý Green Light - công ty tư vấn và đào tạo an ninh hàng không cho biết: “Quy mô đào tạo tiếp viên khá hạn chế. Hầu hết các khóa học an ninh cho tiếp viên trên toàn thế giới đều chỉ diễn ra trong một ngày, cùng lắm là 2 ngày. Trong khi thực tế có thể xảy ra rất nhiều trường hợp với những hành vi thô lỗ muôn hình vạn trạng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.