Kinh tế

Những ai đang kinh doanh trong sân bay?

11/08/2014, 18:45

Các Cty kinh doanh chủ chốt tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là SASCO, liên doanh Autogrill VFS F&B, Sóng Việt, Cty VFS F&B...

Đã có rất nhiều ý kiến kêu ca về giá cả và dịch vụ trong các sân bay ở Việt Nam, và cũng đã có phản hồi rằng chi phí mặt bằng cao nên giá phải cao.

Để có được một mặt bằng kinh doanh trong sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), doanh nghiệp (DN) không phải trải qua một cuộc đấu thầu chọn chỗ mà “làm đơn xin”, khi đáp ứng được một số tiêu chí của đơn vị quản lý sân bay này mới được phê duyệt...

Ai đang kinh doanh trong sân bay?

Các doanh nghiệp được hỏi đều có chung nhận định rằng, kinh doanh trong sân bay rất hấp dẫn nhưng khó tiếp cận. Tạm bỏ qua nguồn thu từ các dịch vụ liên quan đến hàng không, nguồn thu từ lĩnh vực phi hàng không là rất lớn.

Khách đến sân bay Tân Sơn Nhất than phiền giá cả quá cao trong khi phần họ nhận lại không tương xứng.
Khách đến sân bay Tân Sơn Nhất than phiền giá cả quá cao trong khi phần họ nhận lại không tương xứng.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết các dịch vụ phi hàng không đang kinh doanh tại đây gồm phòng phục vụ khách hạng C, F, hàng miễn thuế, ăn uống, sách báo, đồ lưu niệm, massage, ngân hàng, đổi tiền, ATM, bưu điện, điện thoại, cho thuê ôtô, dịch vụ khách sạn, quảng cáo, đóng gói hành lý, giữ chỗ máy bay, y tế...

Ông Đặng Tuấn Tú, giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết giá thuê các dịch vụ phi hàng không trong sân bay đều công khai và được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, công khai đến mức độ nào thì chúng tôi không có được câu trả lời. Trên trang web của đơn vị này không công bố loại thông tin về dịch vụ phi hàng không. Ông Đặng Tuấn Tú xác nhận chưa áp dụng hình thức đấu thầu để lựa chọn DN vào kinh doanh trong sân bay.

Các công ty kinh doanh chủ chốt tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là công ty TNHH một thành viên Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, liên doanh Autogrill VFS F&B, Sóng Việt, Công ty VFS F&B (thuộc Tập đoàn Imex Pan Pacific)...

Theo ông Tú, ngoài những công ty trên còn nhiều DN nhỏ khác. Chỉ cần vào trang web của SASCO, ai cũng có thể hiểu vai trò của DN này ở sân bay Tân Sơn Nhất: kinh doanh hàng miễn thuế, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhà hàng thủy sản, quần áo may sẵn, vàng bạc đá quý, trang sức... thông qua các cửa hàng tại nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, các dịch vụ sân bay của SASCO còn có dịch vụ phòng khách, massage, spa, dịch vụ trợ giúp hành khách, đặt vé máy bay, thu đổi ngoại tệ, limousine, đón khách VIP... Không kể các công ty khác kinh doanh tại sân bay Tân Sơn Nhất mà SASCO có góp vốn, trên trang web của SASCO cũng cho thấy một loạt nhà hàng: Kaisha (Nhật Bản), Prima (Singapore), Café Espressamente Illy (Nhật Bản) đều là đơn vị liên doanh của SASCO tại sân bay. Chưa kể, tại nhà ga quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất, SASCO còn có một liên doanh với Autogrill.

Nên đấu thầu công khai

Câu chuyện Đà Nẵng

Ông Tô Ngọc Hải, phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cho biết: “Trong năm 2013, doanh thu từ dịch vụ phi hàng không của sân bay này chiếm hơn 40% trên tổng doanh thu. Với dịch vụ bán hàng miễn thuế, khi mới thực hiện liên doanh chúng tôi chỉ kỳ vọng năm 2012 đạt khoảng 500.000 USD, nhưng không thể ngờ rằng doanh thu năm 2013 đã đạt đến mức 7 triệu USD, chúng tôi được chia 20% trên tổng doanh thu này".

Ông Bùi Minh Đăng, phó phòng vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam, cho biết cục tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tư nhân, liên doanh tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ từ cao cấp đến trung bình và bình dân trong các nhà ga cảng hàng không quốc tế và cả nội địa để hành khách có thể tự quyết định sử dụng loại hình dịch vụ nào phù hợp.

Nhưng tạo điều kiện như thế nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều doanh nghiệp có nhu cầu. Ông Đặng Tuấn Tú cho biết giá thuê các dịch vụ phi hàng không trong sân bay đều công khai và được tính toán căn cứ trên giá mặt bằng chung của các trung tâm thương mại ở TP.HCM sao cho thật cạnh tranh.

Giải thích việc không lựa chọn hình thức đấu thầu, ông Tú nói: “Nếu đấu giá sẽ theo nguyên tắc ai trả giá cao nhất được trúng thầu. Như vậy sẽ dẫn đến giá kinh doanh dịch vụ, sản phẩm cao, không có lợi cho hành khách”.

Theo ông Tú, hiện chỉ có Sasco là DN nhà nước tham gia kinh doanh loại hình phi hàng không bên trong sân bay, còn lại là các thành phần kinh tế khác. Theo ông Đặng Tuấn Tú, khác với các cảng hàng không quốc tế khác, cảng hàng không Tân Sơn Nhất “nhượng quyền khai thác diện tích nhà ga quốc tế và quốc nội”, đơn giản là cho các đơn vị thuê diện tích.

“Tùy vào loại hình đầu tư và số vốn đầu tư của DN mà thời gian thuê có thể kéo dài 2-3 năm, còn thông thường một năm sẽ phải ký kết lại hợp đồng cho thuê. Chúng tôi muốn đa dạng hóa các thành phần cung cấp dịch vụ hàng hóa bên trong nhà ga để hành khách có thể tùy vào nhu cầu, tài chính, khẩu vị mà chi trả. Cao cấp có, bình dân có nhưng tất cả đều niêm yết giá công khai, ngay cả tô phở ngoài giá cả cũng phải trưng bày ra cho khách hàng xem giá bán này thì tô phở của cửa hàng cung cấp có những món gì...”, ông Tú lý giải.

Trong câu chuyện, ông Tú cho rằng có vấn đề lịch sử trong hoạt động tại sân bay. Trước kia khi chưa tách riêng các hoạt động dịch vụ hàng không, phi hàng không, hãng hàng không... thì Sasco đã đảm nhiệm việc cung cấp các loại hình dịch vụ phi hàng không ở sân bay này. Sau này Sasco thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, một DN nhà nước, và cùng nhau chia sẻ việc khai thác dịch vụ phi hàng không với các DN nhà nước khác, các DN tư nhân, cổ phần và cả các liên doanh và công ty nước ngoài.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, để tối ưu hóa lợi nhuận cho sân bay Tân Sơn Nhất và hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước cần cho đấu thầu lựa chọn DN kinh doanh phi hàng không trong sân bay.

Theo Tuổi trẻ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.