Giao thông

Những bất cập BOT giao thông đã được xử lý ra sao?

04/06/2018, 06:05

Bộ GTVT đã nghiêm túc, cầu thị và từng bước xử lý các bất cập tại các dự án BOT đường bộ.

1

Dự án cầu Rạch Miễu trên QL60 tỉnh Bến Tre được điều chỉnh giảm thời gian thu tiền hoàn vốn xuống còn 13 năm 6 tháng so với thời gian tạm tính ban đầu là 22 năm 7 tháng - Ảnh: Tạ Tôn

Thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, xử lý những vấn đề còn tồn tại, bất cập tại các dự án BOT giao thông trên cả nước một cách trực diện, quyết liệt, cầu thị theo đúng tinh thần Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dừng 14 dự án BOT đường độc đạo, kiểm soát chặt chi phí đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, thực hiện Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2018, Bộ GTVT đã nghiêm túc, cầu thị và từng bước xử lý các bất cập tại các dự án BOT đường bộ trong cả nước.

“Bộ GTVT đã rà roát và dừng triển khai 14 dự án cải tạo nâng cấp theo hình thức BOT trên đường hiện hữu, gồm: 4 dự án đã ký hợp đồng BOT và 10 dự án đã phê duyệt, đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”, Thứ trưởng Nhật thông tin.

“Quản lý chặt chi phí đầu tư của các dự án BOT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đã quy định rõ trong hợp đồng, giá trị quyết toán sẽ là giá trị cuối cùng để tính toán thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho biết thêm: Quy trình quản lý chi phí các dự án BOT được thực hiện theo 4 bước: Phê duyệt tổng mức đầu tư; kiểm soát dự toán thông qua thẩm định giá trị dự toán trước khi nhà đầu tư phê duyệt; kiểm toán; quyết toán.

Nghiên cứu đổi tên “trạm thu giá BOT”

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “trạm thu giá”.  Trước đó, tại văn bản báo cáo Chính phủ về việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ cơ chế phí sang giá BOT, Bộ GTVT khẳng định tiếp thu các ý kiến của người dân, các cơ quan báo chí và sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi phù hợp.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã mời Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán các dự án trước khi quyết toán, chủ động thanh tra và phối hợp với các đoàn thanh tra của các bộ, Thanh tra Chính phủ để phát hiện các tồn tại, sai sót nhằm kịp thời điều chỉnh, khắc phục. “Đến nay, đã có 46/56 dự án được kiểm toán và 108 kết luận thanh tra, kiểm toán tại các dự án BOT giao thông”, Thứ trưởng chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV hôm 22/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự băn khoăn về thông tin Kiểm toán Nhà nước công bố qua kiểm toán 40 dự án BOT trong năm 2017, kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm tài chính hơn 1.460 tỷ đồng. Theo ông Dũng, thông tin này dễ tạo dư luận có cái nhìn không đúng về BOT trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nêu lại quy trình, Bộ trưởng Dũng khẳng định, phương án tài chính ban đầu với một dự án BOT chưa phải để thực hiện ngay mà phải kiểm toán, kiểm toán xong các cơ quan Nhà nước phê duyệt quyết toán công trình để đưa ra mức đầu tư thực tế và từ đó mới tính được số năm thu phí, mức thu phí từng năm. “Nếu quy trình làm đúng như thế, việc kiểm toán là bình thường và việc giảm số năm tính toán so với dự toán ban đầu là đúng. Từ kiểm toán như vậy mới ra số quyết toán và ra số năm, số phí phải thu trong cả giai đoạn cũng như từng năm”, Bộ trưởng Dũng phân tích.

Thông tin thêm về công tác quyết toán các dự án BOT, ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, tính đến cuối tháng 5, Bộ GTVT đã chấp thuận quyết toán 56/58 dự án BOT hoàn thành, đưa vào khai thác. Đây là kết quả sau một thời gian nỗ lực tối đa của các cơ quan, đơn vị chức năng Bộ GTVT nhằm minh bạch tổng vốn đầu tư thực tế của các dự án BOT giao thông để người dân và xã hội theo dõi, giám sát.

“Chưa bao giờ công tác quyết toán dự án, nhất là những dự án BOT được lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo sát sao như thời gian vừa qua. Đặc biệt, tại các cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT hàng tháng, công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành luôn là nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận và kiểm điểm”, ông Hiếu nói và cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã quyết toán toàn bộ hoặc một phần của 56 dự án BOT hoàn thành, đưa vào khai thác. Thông qua quyết toán sẽ xác định được chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình, làm cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, giá trị quyết toán của các dự án BOT luôn nhỏ hơn hoặc bằng giá trị được thanh tra, kiểm toán. Trên cơ sở giá trị quyết toán, lưu lượng thực tế, Bộ GTVT đã tính toán và điều chỉnh lại thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đa số các dự án giá đều giảm so với hợp đồng, một số dự án phải kéo dài thời gian thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự báo. Nguyên nhân chính khiến các dự án BOT giảm chi phí chủ yếu do tại thời điểm lập dự án, chỉ số trượt giá và lãi suất ngân hàng công bố ở mức cao.

Trong quá trình thực hiện, nhờ chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ tốt nên lãi suất ngân hàng và chỉ số trượt giá giảm mạnh. Đồng thời, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các tỉnh, thành phố nên công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn vừa qua được rút ngắn dẫn tới thời gian thi công các dự án cũng được rút ngắn, tiết kiệm chi phí lãi vay, trượt giá.

2

Dự án QL10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu tạm tính ban đầu 21 năm 4 tháng, xuống còn 10 năm 4 tháng (Trong ảnh: Trạm BOT cầu Tân Đệ) - Ảnh: Tạ Tôn

Đấu thầu công khai, điều chỉnh giảm giá vé hàng chục dự án

Đề cập đến việc xử lý bất cập về mức giá dịch vụ đường bộ tại các trạm BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 44 dự án đối với các phương tiện vận tải loại 4 và loại 5. Cụ thể, đối với các xe xe loại 4 (xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 200.000 đồng/lượt xuống còn 180.000 đồng/lượt tại các dự án như: QL1 đoạn Km 1063+877 - Km 1092+577, tỉnh Quảng Ngãi; dự án QL1 đoạn tránh TP Đồng Hới; Dự án QL1 đoạn Km 672+600-Km 704+900, tỉnh Quảng Bình…; 13 dự án có mức giá được xác định từ đầu thấp và hai dự án cao tốc, không ảnh hưởng đến chi phí của các doanh nghiệp; 5 dự án do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nếu giảm giá, phương án tài chính không khả thi.

Năm 2019, tất cả các trạm phải sử dụng hình thức thu tự động không dừng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, để quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch công tác thu dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư 49 ngày 30/12/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm BOT đường bộ. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu tất cả các dự án BOT trên cả nước sẽ phải áp dụng công nghệ thu dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng vào năm 2019.

“Với các giải pháp đồng bộ này, việc kiểm soát doanh thu tài chính của dự án sẽ đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, tốc độ lưu thông qua các trạm BOT sẽ được cải thiện”, Thứ trưởng Nhật nói.

Tương tự, đối với 56 dự án BOT đã có giá trị thỏa thuận quyết toán, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã rà soát tính khả thi phương án tài chính của các dự án để xem xét việc giảm giá chung và giảm giá đối với các phương tiện xung quanh trạm. “Đến nay, đã có 39 dự án đã tiến hành rà soát và đàm phán giảm giá chung, giảm giá xung quanh trạm cho các phương tiện như: BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ giảm 25% giá vé;  BOT Cai Lậy giảm 60% giá vé,… miễn giảm giá vé cho các phương tiện tại các trạm thu giá: BOT cầu Bến Thủy, QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình…; 5 dự án có giá vé thấp không ảnh hưởng đến tác động chi phí vận tải nên không điều chỉnh giảm giá; 5 dự án cầu xây dựng mới không bất cập nên không phải điều chỉnh giảm giá vé”.

Cũng theo Thứ trưởng, một dự án hầm đường bộ không phải điều chỉnh giảm giá do người dân có sự lựa chọn qua đèo; 2 dự án đường đang nghiên cứu phương án di dời trạm để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét nên chưa điều chỉnh giảm; 3 dự án cao tốc thu vé kín có sự lựa chọn cho người dân, còn lại một dự án nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi. Về giải pháp xử lý bất cập vị trí trạm BOT, đối với những trạm đặt trong phạm vi dự án, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND các tỉnh có các giải pháp miễn, giảm giá vé cho các phương tiện quanh trạm và cơ bản đã giải quyết xong. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đưa ra giải pháp xử lý cụ thể đối với từng trạm có bất cập về vị trí.

Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư tại các dự án BOT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trên cơ sở tổng kết năm 2016, Bộ GTVT đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và kiến nghị dừng toàn bộ hình thức chỉ định thầu, kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh tại tất cả dự án. “Tuy nhiên, cần phải nói thêm, hành lang pháp lý để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng còn nhiều bất cập, tồn tại như dự án đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, để có thể tổ chức đấu thầu, Chính phủ đã phải trình Quốc hội cho phép quyết định khung mức giá từng thời kỳ mới có cơ sở xác định giá trị gói thầu”, Thứ trưởng Nhật nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.