Bạn cần biết

Những biểu hiện không đáng lo của trẻ dậy thì

25/02/2017, 16:05

Nhiều cha mẹ hoảng hốt trước những bất thường trong quá trình phát triển của bé gái, tuy nhiên không phải sự bất thường...

19

Trẻ dậy thì sớm cần được theo dõi và điều trị kịp thời (ảnh minh họa)

“Ty tụt”, phải làm sao?

Nhiều lần tắm cho con, chị Nguyễn Mai Hoa (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nghe cô con gái lên 5 tuổi thắc mắc “Ty con đâu?”. Theo lời chị Hoa, từ khi còn bé, mỗi lần chăm con chị thấy có sự bất thường ở vùng ngực của con, hai đầu vú không lộ lên mà tạo thành 2 hố lõm nhỏ trên ngực. Ban đầu, chị Hoa vẫn nghĩ rằng, khi lớn núm vú của con sẽ phát triển, nhô lên như tất cả các bạn bè khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chị vẫn chưa thấy có sự chuyển biến. Đưa con đi khám, chị nhận được lời khuyên tiếp tục theo dõi đến khi trẻ trưởng thành. “Nếu con bé không phát lộ núm vú thì ít nữa có con phải làm thế nào?”, chị Hoa lo lắng cho biết.

Thực tế, không hiếm trẻ gái nhỏ cũng có dấu hiệu tương tự. Có trẻ, núm vú ẩn sâu bên trong tạo thành nốt lõm trên vị trí nhũ hoa, thậm chí có trẻ không có. Theo các bác sĩ nhi khoa, nguyên nhân là do cấu tạo của trẻ, hoặc là khiếm khuyết cơ thể chứ không phải là bệnh.

Trao đổi với Báo Giao thông, B.S Dương Ngọc Vân, khoa Sản, BV Medlatec cho hay, thông thường ở nhiều bé gái chưa trưởng thành, tuyến sữa chưa phát triển xuất hiện tình trạng núm vú tụt vào trong. Nhưng sẽ trở lên bình thường sau khi trẻ lớn, hoặc sau khi dùng các biện pháp can thiệp như hút, nặn. Tuy nhiên, có trường hợp dù can thiệp đầu ty cũng không lộ lên trên như người bình thường.

Cũng theo BS. Vân, trong quá trình khám chữa bệnh, nhiều trường hợp nữ trưởng thành đến khám về vấn đề này. Có nhiều bạn nữ đến khám, cơ thể đã phát triển tương đối toàn diện nhưng đầu nhũ hoa không nổi lên mà lại lõm xuống. Theo phân tích của BS. Vân, nếu như đầu vú có nhưng chỉ nhô lên một chút có thể có hi vọng bằng việc tự kéo ra hàng ngày, đặc biệt khi phụ nữ có thai và cho con bú sẽ thay đổi đầu vú. Còn nếu như núm vú lõm xuống so với mặt đầu ngực thì được xác định là 1 dị tật. Tuy nhiên, dị tật này không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ gây hạn chế bất tiện không thể cho con bú.

Theo khuyến cáo của BS. Lê Thị Kim Dung, khoa Sản, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội), nếu thấy đầu vú bị tụt vào trong, chị em nên đi khám để xác định nguyên nhân và mức độ tụt. Từ đó, sẽ có cách xử trí phù hợp. “Bệnh nhân cũng không nên lo lắng quá, vì đây chỉ là một sự khác biệt về cấu tạo núi đôi, không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe, ngoài hạn chế trong quá trình nuôi con”, BS. Dung cho biết.

Cần can thiệp với trẻ dậy thì sớm

Con mới lên 5, chị Trần Thị Thanh (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã nhận thấy con có sự phát triển bất thường với vòng một vượt trội hơn so với những đứa trẻ khác. Khi được đưa đến viện khám, con chị được bác sĩ chẩn đoán dậy thì sớm cần can thiệp.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoàn, nguyên trưởng Khoa Nội tiết, BV Nhi T.Ư, hầu hết trẻ dậy thì sớm được đưa đến viện khi đã có những biểu hiện khá rõ rệt như bé gái phát triển ngực, có kinh; Bé trai có ria mép, lông mu, tinh trùng... khiến việc điều trị khó khăn. Bệnh dậy thì sớm được phân thành hai loại là dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả. Dậy thì sớm thật có sự kích hoạt của não, nguyên nhân do u não, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận... dễ dẫn đến tử vong, cần lập tức tiến hành phẫu thuật. Còn dậy thì sớm giả hay còn gọi là vô căn do hormon sinh dục. Ở bé gái là u nang buồng trứng, bé trai là do tăng sản thượng thận bẩm sinh, cần điều trị bằng thuốc.

Theo BS. Hoàn, dậy thì sớm được coi là bệnh phát triển trước độ tuổi lên 8 ở trẻ nữ và lên 9 ở trẻ nam với các dấu hiệu bất thường như: Trẻ trai ăn khỏe, cơ bắp phát triển, hiếu động, nghịch bộ phận sinh dục; trẻ gái có núm vú to, thủ dâm...

“Dù ở thể dậy thì sớm thật hay giả, cha mẹ cũng cần đưa con đi khám, điều trị kịp thời ngay khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu phát triển bất thường. Việc phát hiện và điều trị sớm trước 5 tuổi cho trẻ có biểu hiện dậy thì sớm sẽ mang lại hiệu quả cao”, BS. Hoàn khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.