Thông tin doanh nghiệp

Những bước tiến dài của Cầu 17

28/02/2015, 14:33

Xí nghiệp Cầu 17 đã có bước phát triển mạnh mẽ để khẳng định vị thế của một trong những đơn vị thi công...

771
Xí nghiệp Cầu 17 thi công cầu Việt Trì

Dù là đơn vị mới được thành lập của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), song Xí nghiệp Cầu 17 đã có bước phát triển mạnh mẽ để khẳng định vị thế của một trong những đơn vị thi công hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng giao thông.

Bước chuyển từ cầu Đông Trù

Những ngày đầu thành lập vào cuối năm 2009, Xí nghiệp Cầu 17 (Cầu 17) chỉ có vài chục kỹ sư, công nhân viên dưới sự chèo lái của vị “thuyền trưởng” trẻ Đào Việt Tiến, Giám đốc Xí nghiệp. Thời điểm đó, thị trường xây dựng cơ bản trong nước gặp muôn vàn khó khăn, nhiều đơn vị thi công trong ngành Giao thông đang phải vật lộn với những cơn “bão giá”, nợ thanh toán…  Trước hoàn cảnh ấy, những người thợ Cầu 17 với nòng cốt là các kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản mang trong mình đầy nhiệt huyết, hoài bão, khát khao cống hiến được xem là nhân tố chủ chốt để đem lại thành công cho đơn vị.

Ông Đào Việt Tiến cho biết, gói thầu số 13 của dự án cầu Đông Trù thi công hai trụ P12 và P13, một trong những trụ cầu lớn nhất Việt Nam có giá trị khoảng 200 tỷ đồng là gói thầu đầu tiên Xí nghiệp đảm nhận. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của đơn vị. “Hai trụ cầu này nằm giữa sông Đuống, nước chảy xiết gây khó khăn cho công tác thi công. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo tổng công ty, sự phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị bạn, Cầu 17 đã hoàn thành công trình chỉ trong vòng 18 tháng”, ông Tiến nói.

Sau thành công của gói thầu 13, dự án xây dựng cầu Đông Trù, một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, Xí nghiệp Cầu 17 đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, uy tín và thương hiệu của đơn vị ngày càng được khẳng định. Từ đây, Xí nghiệp đã tham gia xây dựng hàng loạt dự án quan trọng trên cả nước: Cầu Vĩnh Thịnh, cầu Xuân Tảo, cầu Vàm Cống, cầu Việt Trì… Đặc biệt, Xí nghiệp Cầu 17 cùng với Công ty Thi công cơ giới 1 đã thực hiện thành công những hạng mục quan trọng tại hai dự án lớn ở TP Đà Nẵng là cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng.

772

Cầu Sekong (CHDCND Lào) - Một trong những công trình do Xí nghiệp Cầu 17 thi công

Những dấu ấn đậm nét

Cầu Rồng là một công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, khi xây dựng xong đã trở thành biểu tượng mới của Đà Nẵng thời kỳ hội nhập và phát triển. Thiết kế của cầu Rồng có nhiều điểm đặc biệt như: Khối lượng bê tông bịt đáy, khối lượng bê tông khối đỉnh trụ rất lớn, kết cấu nhịp phức tạp lần đầu tiên thi công tại Việt Nam.

Để đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình, Xí nghiệp Cầu 17 và Công ty Thi công cơ giới 1 đã đưa ra nhiều công nghệ thi công như: Công nghệ thi công bịt đáy hố móng tới 6.700 m3 bê tông đổ liên tục ở độ sâu 20 m, công nghệ gia công dầm thép, vòm thép, công nghệ lắp ráp dầm thép bằng bu lông cường độ cao; công nghệ lắp dựng dầm, vòm thép bằng hệ long môn di động sức nâng 200 tấn có thể thay đổi chiều cao tới 32 m. Đây là công nghệ lắp vòm lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và là một sáng tạo đặc biệt của các kỹ sư Xí nghiệp Cầu 17 và Cienco1.

Giá trị sản lượng của Xí nghiệp Cầu 17 liên tục có sự bứt phá ngoạn mục theo từng năm. Năm 2014, giá trị sản lượng của xí nghiệp đạt 711,5 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013 (615 tỷ đồng), gấp hơn ba lần so với sản lượng của năm 2010 (210 tỷ đồng). Thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng đều sau các năm: Năm 2012 đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng, 2013 (7,2 triệu đồng/người/tháng), 2014 (8,1 triệu đồng/người/tháng).

“Giải pháp dùng hệ long môn di động giúp nhà thầu chủ động về vật tư thiết bị, thời gian thi công, tiết kiệm chi phí do không phải nhập khẩu công nghệ hoặc thuê thiết bị từ nước ngoài. Đây là bước đi đầu tiên tiến tới việc làm chủ công nghệ thi công cầu vòm thép”, ông Tiến cho hay.

Trong khi đó, cầu Trần Thị Lý gồm 12 nhịp với tổng chiều dài các nhịp 670 m, tổng chiều dài toàn cầu 731 m. Cây cầu được thiết kế độc đáo với trụ tháp cao 145 m so với mực nước sông Hàn, nghiêng 12 độ  về phía Tây gồm ba mặt phẳng dây, vị trí của trụ tháp được bố trí để nhịp chính dài 230 m trùng với đoạn sâu nhất của sông Hàn.

Tại dự án này, Cầu 17 đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật vật tư thiết bị của Tổng Công ty và Công ty Thi công cơ giới 1 triển khai thành công công nghệ đà giáo đẩy nặng 1.100 tấn cho nhịp dẫn, công nghệ xe đúc chạy dưới đổ bê tông, đồng thời toàn mặt cắt dầm rộng 34,5 m kết cấu thành mỏng cho phần dầm chính một mặt phẳng dây.

“Nhờ áp dụng các sáng kiến trong công nghệ thi công mà hai dự án xây dựng cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đã về đích đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/2013), vượt tiến độ gần bốn tháng so với kế hoạch đề ra”, ông Tiến nói và cho biết, tại lễ vinh danh những công trình chất lượng cao năm 2014 do Bộ Xây dựng tổ chức (26/12/2014), Cienco1 đã vinh dự nhận được hai giải thưởng công trình chất lượng cao cho hai công trình này.

Trải qua hơn 5 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Xí nghiệp Cầu 17 đã không ngừng lớn mạnh cả về thế và lực. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư và những người thợ cầu của xí nghiệp đã làm chủ hầu hết các công nghệ thi công cầu hiện đại như thi công cọc khoan nhồi đường kính lớn, khoan đá, thi công hố móng sâu, thi công dầm đúc hẫng, dầm thép… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.