Thời sự

Những câu chuyện của lòng nhân ái

29/01/2018, 08:09

Trong hành trình phát triển tờ báo, người làm Báo Giao thông đã viết lên những câu chuyện của lòng nhân ái...

17

Báo Giao thông trao quà cho gia đình 6 cháu nhỏ có bố mẹ tử vong vì TNGT ở Bắc Giang

72 năm qua, ngành GTVT với sứ mệnh “Đi trước mở đường” đã mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trên mọi miền Tổ quốc. Và trong hành trình lịch sử nhọc nhằn, hiểm nguy nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào đó, 55 năm qua Báo Giao thông đã đồng hành, gắn bó và thắp lửa cùng ngành GTVT. 

Những ân tình an lòng người đi

Những ngày cuối năm, hoàn tất khóa học cắt tóc, trang điểm tại Hà Nội, Yến đang chuẩn bị đồ đạc để về nhà ở làng Nguyễn, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Cô bé 18 tuổi muốn mở một cửa hàng cắt tóc, trang điểm cô dâu tại nhà. “Báo Giao thông đã tài trợ ăn học cho em suốt những năm học phổ thông và vẫn có người hảo tâm sẵn sàng tài trợ em học tiếp đại học. Nhưng bà nội em già rồi, 5 em của em còn nhỏ dại quá, nên em quyết định học nghề để phụ bà nuôi em”, Yến nói.

Hai năm sau ngày con trai và con dâu lần lượt ra đi, giờ cụ Đào Thị Đoàn (84 tuổi), bà nội Yến mới móm mém cười trở lại. “Khi mẹ các cháu bị TNGT mất tháng 2/2016, 23 ngày sau bố các cháu đột tử trong đêm khuya, lúc ấy cái Yến lớn nhất 15 tuổi, cháu thứ hai là Mai 12 tuổi, cháu Ánh 10 tuổi, cháu Linh 6 tuổi, cháu Đạt 4 tuổi và cháu Dương 14 tháng tuổi. Tôi tưởng rằng 7 bà cháu chỉ còn cách ôm nhau mà chết dần; hoặc phải xé lẻ bầy trẻ, cho các nhà làm con nuôi, gửi vào trại trẻ mồ côi. Bởi họ hàng, làng xóm đều nghèo, chỉ cho được vài chục bạc, rồi cân gạo, chục trứng, mà cũng chả cho mãi được”, cụ Đoàn nói.

Ông Nguyễn Hữu Phóng, bác ruột Yến kể, Báo Giao thông là một trong những tờ báo đầu tiên có mặt, thăm hỏi, trích 20 triệu đồng từ Quỹ Chung tay vì ATGT ủng hộ các cháu; kêu gọi nhà tài trợ nuôi cháu Yến ăn học. Sau đó, Báo Giao thông viết bài kêu gọi cộng đồng chung sức, đến nay số tiền hỗ trợ lên tới 900 triệu đồng. “Mất người không gì bù đắp được, nhưng nhìn sự sẻ chia của cộng đồng với số tiền lớn đến vậy, họ hàng chúng tôi cũng mừng cho các cháu, mừng mà rớt nước mắt”, ông Phóng nói.

Tương tự, tại Hộ Vệ, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, cuộc sống của bốn bà cháu bà Nguyễn Thị Minh (61 tuổi) so với ba năm trước đã đổi thay nhiều.

Cả con trai và con dâu cùng mất trong một vụ TNGT, ba đứa con để lại cho bà với khoản nợ xây nhà còn chưa trả xong. Đứa lớn nhất mới 5 tuổi, đứa bé nhất mới 5 tháng tuổi còn nhớ sữa mẹ. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đến sống thôi cũng đã không biết có cố gắng lần hồi qua được hay không, bà Minh nghẹn lời.

Rất may cho mấy bà cháu, ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp cùng Quỹ Ford hỗ trợ mỗi bé một sổ tiết kiệm trị giá 60 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban cũng hỗ trợ ba cháu 10 triệu đồng. Báo Giao thông cũng trao 10 triệu đồng trích từ Quỹ Chung tay vì ATGT cho gia đình và viết bài kêu gọi các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ bốn bà cháu.

“Nhiều người ủng hộ lắm, giờ ngôi nhà dở dang bố mẹ cháu để lại đã được lát gạch, lắp cửa với tay vịn cầu thang, quét vôi mới. Cả khoảng sân cạnh nhà cũng đã được trát xi măng sạch sẽ. Con bé Dung từng được các bà, các chị đến xếp hàng cho bú trực đã chạy tung tăng trong sân nhà, miệng bập bẹ gọi bà, gọi chị. Anh chị của Dung vẫn được đến trường. Nhờ những ân tình ấy, các con tôi có thể an lòng nơi chín suối”, bà Minh xúc động.

Hải Quỳnh

18

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (thứ hai từ phải qua) và lãnh đạo Báo Giao thông tại buổi trao tặng căn nhà cho ba chị em Sáng

Ngôi nhà mới và tâm sự của cô bé hiến tạng mẹ cứu người

Ngày Tết Dương lịch vừa qua, Nguyễn Thị Sáng - cô gái có quyết định hiến tạng mẹ cứu bốn người được Chủ tịch nước viết thư khen chính thức làm lễ đưa di ảnh mẹ về nhà mới.

Sau khi giúp các cháu của mình thắp nén hương lên bàn thờ mẹ, anh Nguyễn Tiến Đường (cậu ruột em Sáng) ôm chầm lấy ba đứa cháu khóc: “Vậy là từ nay các cháu đã có ngôi nhà của riêng mình rồi”.

Ngôi nhà Báo Giao thông xây tặng gia đình em Sáng rộng 100m2, là nhà ống kiểu hiện đại, bằng bê tông cốt thép, đổ mái bằng. Ngôi nhà có 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp ăn và khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh riêng, khép kín có thể đáp ứng cho cuộc sống của cả ba chị em vài chục năm nữa. Phía trước nhà còn có sân rộng.

Tuyệt vời hơn, ngôi nhà nằm ngay sát trường mầm non và chợ, cách trụ sở UBND xã khoảng 2km, gần ngay trục đường chính lên UBND huyện và TP Hà Tĩnh, rất tiện cho các em có kế sinh sống sau này.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cho biết, hoàn cảnh của ba chị em Sáng rất đáng thương. Khi mẹ các cháu là chị Nguyễn Thị Liễu (SN 1976) không may mất vì TNGT, 19 tuổi Sáng trở thành trụ cột cho hai em nhỏ Nguyễn Thị Lương (SN 2000) và Nguyễn Thị Ngọc Thùy (SN 2015). Do không có nhà nên ba chị em phải nương tựa nhà cậu ruột cũng chật chội, xuống cấp. Chính quyền xã đã tạo mọi điều kiện để ba chị em được chuyển khẩu về quê, được cấp đất miễn phí hoàn toàn… nhưng do ngân sách địa phương có hạn, gia đình cậu lại quá nghèo nên không có điều kiện dựng nhà cho ba chị em.

Ngày ba chị em về nhà mới, Thứ trưởng Nguyễn Nhật, TBT Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên, Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Lương Phan Kỳ đã về thăm, tặng quà. Lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương cũng về chia vui với các em. Người cho tiền, người tặng ti vi, chăn ấm, người giúp các em vài cân gạo... căn nhà bỗng chốc trở nên đủ đầy tình thương yêu.

Trong không khí đầm ấm ấy, Thứ trưởng Nguyễn Nhật mong muốn ba chị em sẽ tiếp tục đùm bọc yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Ngôi nhà do Báo Giao thông và các nhà hảo tâm xây tặng không chỉ là chỗ che mưa, che nắng cho ba chị em mà sẽ là mái ấm, nơi chắp cánh cho các em thực hiện tiếp những ước mơ của mình.

Không quen trả lời phỏng vấn, khi được hỏi em nghĩ gì khi đưa ra quyết định hệ trọng ấy, Sáng chỉ nói: “Bác sỹ nói quyết định của em có thể cứu được rất nhiều người khác. Mẹ thì không cứu được nữa, nhưng nhiều gia đình khác sẽ được hạnh phúc. Em nghĩ mẹ biết tất cả, mẹ ở trên kia đang mỉm cười nhìn ba chị em”.

Văn Thanh

19

Nhờ có sổ tiết kiệm bạn đọc Báo Giao thông tặng, chị Hàng Thị La yên tâm nuôi con ăn học, gây dựng kinh tế gia đình

Những cuốn sổ tiết kiệm ở Chu Va

Gần bốn năm sau vụ tai nạn khủng khiếp, gia đình của các nạn nhân trong vụ lật cầu treo Chu Va 6 tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã dần ổn định đời sống. Nhiều người trong số họ đã vượt qua được tai họa nhờ những cuốn sổ tiết kiệm được trợ giúp từ sự chia sẻ của cộng đồng.

Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, tổng số tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm lên tới 3 tỷ đồng, trong đó Quỹ Xã hội từ thiện của Công đoàn GTVT VN và bạn đọc Báo Giao thông hỗ trợ sớm nhất với số tiền lên tới 900 triệu đồng. Số tiền này được UBND huyện, xã hướng dẫn bà con đầu tư sản xuất, tích lũy vốn làm ăn, mua con giống, cây trồng và các công cụ sản xuất khác. Một số hộ đến hôm nay vẫn để dành được tiền trong sổ tiết kiệm để nuôi con ăn học.

Gặp lại phóng viên, ông Vàng A Hồ, Chủ tịch xã Sơn Bình vẫn nhớ như in thời khắc 9h30 ngày 24/4/2014 khi gia đình và người thân tổ chức đưa ma anh Chang A Súa. Đoàn hơn 40 người đang đi trên cầu treo Chu Va 6, bỗng mặt cầu chao đảo rồi lật nghiêng, nhiều người rơi xuống suối, 8 người chết, hơn 30 người bị thương. Tang thương phủ kín các hộ gia đình. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con trẻ thành mồ côi, tương lai mù mịt…

Nhưng giờ đây khác rồi, Chủ tịch xã Vàng A Hồ phấn khởi: “Sau tai nạn, cầu Chu Va mới được Bộ GTVT và chính quyền địa phương làm lại. Cầu rộng 2m, chắc chắn hơn, đẹp hơn cầu cũ nhiều. Các tuyến đường tại bản Chu Va 6 và Chu Va 8 đã được bê tông hóa sạch đẹp, bà con có nhiều cơ hội làm ăn kinh tế hơn”.

Chúng tôi gặp ông Chang Páo Sử, Trưởng bản Chu Va 8 bên cây cầu Chu Va mới. Bị gãy cột sống, đi cà nhắc và không làm được những việc nặng nhọc, ông cho mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Nếu không được hỗ trợ kinh phí để chữa trị kịp thời thì giờ đây phải nằm liệt giường. Ông Sử thường xuyên ra cầu Chu Va 6 kiểm tra và vặn lại ốc các khớp nối, bảo đảm an toàn cho dân bản đi lại trên cầu.

Chồng mất trong vụ lật cầu Chu Va 6, chị Hàng Thị La (37 tuổi), dân tộc Mông ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình vẫn một mình một bóng, vất vả chăm lo cho ba người con nhỏ ăn học. Khoe với phóng viên cuốn sổ tiết kiệm do bạn đọc Báo Giao thông tặng, chị nói, lo hậu sự cho chồng xong, lo cho các con, xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vẫn để dành được 60 triệu đồng.

Chị La chia sẻ, chị sẽ không đi bước nữa, ở vậy nuôi con trưởng thành. Gia đình có ruộng, nương thảo quả và chăn nuôi lợn, gà, có sổ tiết kiệm nên yên tâm rồi.

Khi chúng tôi rời Chu Va, trong cái giá lạnh mùa đông nơi vùng cao, bên hiên nhà của đồng bào dân tộc Mông đã có những cây đào rêu phong nở hoa sớm.

Việt Hoàng

20

Ba bố con anh Huy khỏe mạnh trong căn nhà mới khang trang

Muốn trả ơn cuộc đời

Ba năm trước, một phụ nữ sắp lâm bồn bị xe cán làm thai nhi văng ra khỏi bụng mẹ. Người mẹ từ trần, người bố mất một chân, còn đứa bé vẫn sống như điều kỳ diệu của tạo hóa, dù bị đứt cả ống chân.

Ba năm sau, cậu bé ấy đã lớn khôn trong mái nhà mà người cha phải kiêm luôn vai trò người mẹ chăm nom, dạy dỗ hai đứa con thơ dại.

Trong cái se lạnh của những cơn mưa do ảnh hưởng bão Tembin, chúng tôi tìm về ngôi nhà của 3 bố con anh Nam ở số 237, tổ 7, ấp An Thới, xã Hội An (Chợ Mới, An Giang). Bên trong ngôi nhà được xây từ tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ, là không khí ấm áp tình cảm gia đình.

Dù chúng tôi ghé thăm bất ngờ nhưng ngôi nhà sạch, gọn và quần áo của hai trẻ tinh tươm cho thấy người bố rất siêng năng, chu đáo. Anh Nam đang dạy con gái đầu lòng - bé Kim Huyền học bài. Bé Quốc Huy giờ đã là cậu bé kháu khỉnh. Ngồi trong lòng cha, thỉnh thoảng Huy ngước đôi mắt sáng nhìn vào người đàn ông nói: “Con thương ba”.

Anh Nam chia sẻ: “Nó đeo ba như sam. Mấy hôm trước, tôi đi đồng sạ lúa, nó cũng đòi theo cho bằng được”.

Năm nay cháu Huyền đang học lớp 3, sắp thi học kỳ nên anh Nam phải kèm thêm. Còn Quốc Huy, mới hơn 3 tuổi, lại có 1 chân nên phải chăm sóc thật nhiều. “Con thiếu mẹ, nên mình phải bù đắp để con không thiệt thòi tình thương”, anh Nam nói.

Ngay sau khi ôn tập xong, Huyền và Huy kéo nhau ra sân nô đùa. Nhìn bé Huy đá bóng, chạy xe đạp với cái chân giả, rồi nghe câu chuyện năm nào bé Huyền cũng nhận giấy khen, tôi hiểu rằng: Để có được điều này, người cha - nạn nhân của vụ TNGT năm ấy đã phải trả giá bằng mồ hôi và cả nước mắt.

Ba cha con với bốn cái chân, đối với nhiều người nó giống như vành trăng khuyết, nhưng nhìn ba gương mặt rạng rỡ nụ cười, tôi lại thấy trong đó cả một trời hạnh phúc.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 25/10/2015, trên đường chở vợ (chị Ngọc) ra bệnh viện sinh, chiếc mô tô của anh Nam bị xe bồn di chuyển cùng chiều trên QL91 va vào. Vụ tai nạn khiến anh giập nát một phần chân phải, còn người vợ chết tại chỗ sau khi thai nhi văng ra khỏi bụng. Nhờ bác sĩ BV TP HCM tận tình cứu chữa, hai cha con anh Nam đều sống, nhưng phải mang chân giả. Sau vụ tai nạn thương tâm, bạn đọc khắp nơi ủng hộ cha, con anh khoảng 6 tỷ đồng. Sẵn được mẹ ruột cho nền đất ở xã Hội An, sau khi dùng toàn bộ số tiền mua 7,3ha đất ruộng ở Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất – Kiên Giang) theo ý nguyện sinh thời của vợ - tậu đất làm ruộng, nuôi con ăn học thành tài, anh đã cất ngôi nhà để ba cha con chung sống.

“Giờ cuộc sống gia đình ổn định, tôi luôn mang ơn, ghi nhớ tấm lòng bạn đọc gần xa, nhất là bạn đọc Báo Giao thông đã sớm có mặt động viên, an ủi (Báo Giao thông đã trích Quỹ Chung tay Vì ATGT trao tặng bố con anh Nam 200 triệu đồng - PV). Tôi phải trả bằng cách sống thật tốt”, người đàn ông chân chất nói.

Hãy còn quá sớm, nhưng anh Nam mong ước sau này Quốc Huy trở thành kỹ sư công nghệ. “Điều này phù hợp với thể trạng của cháu... và trong thâm tâm, tôi muốn con trai mình có thể làm ra một phần mềm gì đó cảnh báo tai nạn, để giảm được những cái chết tức tưởi trên đường. Để không còn những điều khổ đau như gia đình tôi đã trải qua. Tôi mong Huy làm được điều gì đó hữu ích... để trả ơn cuộc đời”, anh Nam nói.

Người đàn ông đang “gà trống nuôi con” muốn gửi một lời nhắn nhủ đến mọi người: “Hãy cẩn trọng khi tham gia giao thông. Bởi, không phải ai cũng may mắn như cha con tôi”.

Lục Tùng

21

Bé Dương Lê Văn năm đầu tiên đi học ở Trường Mầm non Vinschool

Sẽ nối tiếp ước mơ người lính phi công

Phạm Trần Bảo Anh, vợ Trung tá phi công Dương Lê Minh tử nạn khi làm nhiệm vụ tại Vũng Tàu chưa bao giờ nghĩ cuộc đời cô có những bước ngoặt như ngày hôm nay.

Kể từ khi chồng gặp tai nạn, ba mẹ con cùng bà ngoại đã đổi nhà nhiều lần.

Dù được gia đình, bạn bè đồng nghiệp chia sẻ nhưng sự ra đi mãi mãi của người đàn ông trụ cột trong nhà không dễ gì bù đắp được. Nhất là khi hai đứa con còn quá nhỏ. Một bé mới vài tháng tuổi, một bé hơn năm.

Tai họa ập đến, Bảo Anh cũng gắng gượng đối diện. Hàng ngày nuôi dậy, chơi đùa với hai đứa nhỏ, cô vẫn hình dung ra gương mặt chồng – người lính phi công can trường, tốt bụng. Cô mong con mau lớn, sau này nối nghiệp cha và ông. Lại dang rộng cánh bay trên bầu trời, viết tiếp ước mơ của ba chúng còn dang dở.

Khi được hỏi, cả ông và cha hai đứa nhỏ đều anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ, vì sao Bảo Anh vẫn muốn con làm phi công? Cô nói sẽ kể cho con mỗi ngày về hai người lính phi công anh hùng trong gia đình. “Ông cháu đã hy sinh ở Nha Trang sau một nỗ lực lái máy bay gặp sự cố lao tránh khu du lịch. Bố cháu cũng đã không rời máy bay đến giây phút cuối cùng trên vùng biển Vũng Tàu. Họ là những anh hùng”, Bảo Anh xúc động.

“Muốn con nối nghiệp cha bảo vệ bầu trời Tổ quốc là tâm nguyện của anh Minh, tôi sẽ cố gắng thực hiện”, người vợ lính rắn rỏi nói nhưng không giấu được những lo lắng trong ánh mắt.

Làm vợ lính phải mạnh mẽ, kiên cường nhưng trách nhiệm nuôi dạy hai con cho tới lúc chúng trưởng thành dồn lên vai người vợ trẻ 29 tuổi có lúc khiến cô chới với. Nhưng cuộc sống luôn là sự sẻ chia,. Trung tá Dương Lê Minh đã hiến dâng cho bầu trời Tổ quốc cuộc sống của mình và có những vòng tay đã không ngại ngần chăm lo cho những đứa con người lính tới trường.

Ngay sau vụ tai nạn, thông qua Báo Giao thông, Tập đoàn Vingroup đã nhận tài trợ tiền học phí cho hai cậu con trai của Bảo Anh tới năm 18 tuổi.

Năm nay, bé Dương Lê Văn đã bắt đầu đi học tại trường Vinschool ở Tân Cảng. Cậu bé rất yêu trường, yêu lớp. Nhìn con trai rạng rỡ mỗi ngày, Phạm Trần Bảo Anh thêm nhẹ lòng. Nỗi lo lắng lớn nhất về chi phí học hành của các con đã không còn là gánh nặng trên vai người vợ lính.

Bích Ngọc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.