Xã hội

Những chính sách lao động nào có hiệu lực trong Tết 2016?

08/02/2016, 20:11

Một số chính sách lao động sẽ có hiệu lực trong các ngày thuộc dịp Tết Nguyên Đán 2016.

Thumbnails30102014081043

Nhiều chính sách lao động sẽ có hiệu lực trong dịp Tết Bính Thân 2016.

Theo báo Lao động và website chính thức của CĐ Công thương VN, một số chính sách lao động dưới đây sẽ có hiệu lực trong các ngày thuộc dịp Tết Nguyên Đán 2016.

1. Thủ tục hành chính mới

Quyết định 101/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/02/2016 (mùng 03 Tết).

Theo đó, ban hành mới 02 thủ tục hành chính cấp tỉnh như sau:

- Tiếp nhận đối tượng là người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vào cơ sở trợ giúp trẻ em.

- Đưa đối tượng ra khỏi cơ sở trợ giúp trẻ em.

2. Định mức lao động

Từ ngày 10/02/2016, Quyết định 64/2015/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 42/2012/QĐ-TTg về hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, về áp dụng định mức lao động được quy định như sau:

- Đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng là 05 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị.

- Đơn vị sử dụng lao động được hạch toán 20% định mức lao động chung của đơn vị vào chi phí sản xuất kinh doanh.

3. Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động

Theo Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực ngày 10/02/2016 và thay thế Thông tư 33/2011/TT-BLĐTBXH) - hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng.

- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.

- Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng như sau:

+ Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 64 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ.

+ Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 32 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ.

- Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Ngoài ra, còn hai chính sách liên quan tới lao động nghề giáo đáng chú ý cũng được thay đổi và áp dụng bắt đầu từ tháng 1/2016:

Phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy nghề công lập

Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP  quy định về phụ cấp đặc thù, ưu đãi, trách nhiệm công việc và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thì Quy định mới về phụ cấp đặc thù như sau:

- Đối tượng hưởng phụ cấp là nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

- Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Phụ cấp đặc thù được tính theo số giờ dạy tích hợp, giờ thực hành thực tế; được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không là căn cứ để tính, đóng bảo hiểm xã hội.

Quy định mới về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo:

Theo Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, gồm:

- Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng;

- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu;

- Thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).

Ngoài ra, Thông tư liên tịch này còn sửa đổi quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.