Giao thông

Những chú “ong thợ” cần mẫn trên mặt trận GTVT

29/08/2018, 08:01

Trong hơn 200 gương điển hình xuất sắc, đa số là những công nhân lao động trực tiếp trên công trường...

8

Lái xe Đỗ Xuân Thành (Công đoàn GTVT VN) nhiều năm kinh nghiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển máy móc, thiết bị bằng xe siêu trường siêu trọng phục vụ thi công công trình

Đã thành truyền thống hàng năm, Hội nghị Biểu dương công nhân lao động xuất sắc, tiêu biểu ngành GTVT năm nay được tổ chức ngày 29/8/2018 tại Hà Nội, tôn vinh 233 cá nhân, đại diện cho gần 20 vạn cán bộ, CNVC-LĐ ngành GTVT. 

Đảm bảo an toàn trên những cung đường

Anh Đỗ Xuân Thành, lái xe siêu trường siêu trọng, Công đoàn Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Công đoàn GTVT VN). Mười mấy năm gắn bó với nghề lái xe, 10 năm điều khiển “xe phooc”, anh không nhớ đã bao chuyến xe vận chuyển các thiết bị, xe máy thi công và vật tư như máy xúc, máy ủi, trạm trộn bê tông... đến các công trường trên mọi miền đất nước. Để điều khiển xe này chẳng dễ gì, xe thì kềnh càng, tải trọng lại lớn nên chủ yếu phải chạy ban đêm. Làm thế nào để di chuyển cả khối xe như tòa nhà được an toàn, nhanh chóng và đáp ứng tiến độ công trình đòi hỏi người lái xe vừa phải thật tập trung vừa phải rất khéo léo, giàu kinh nghiệm.

“Xe nặng, đường vào công trường lại khó đi, bên suối, bên đá cuội nên rất vất vả. Nhưng cũng không thể để anh em trên công trường chờ máy, chờ vật tư, thiết bị, chậm một ngày thi công là lãng phí bao công sức, tiền của. Anh em tài xế chúng tôi bảo nhau cố gắng, từng bước đưa xe vào đến tận nơi”, anh Thành chia sẻ. Với tinh thần trách nhiệm ấy, anh Thành đã được lãnh đạo công ty tin tưởng giao kèm cặp, hướng dẫn nhiều phụ lái trưởng thành trong nghề. Năm 2017, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Trong phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo năm 2017, toàn ngành GTVT đã có 1.557 đề tài, giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng, làm lợi hơn 110 tỷ đồng; Hơn 300 công trình, sản phẩm đăng ký được công nhận đem lại giá trị hàng trăm tỷ đồng. Qua các phong trào thi đua xuất hiện nhiều tấm gương sáng, điển hình tiên tiến, xuất sắc, được Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng: 16 tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng Huân chương các hạng; 37 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 11 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp ngành, hơn 1.000 tập thể, cá nhân được Bộ GTVT tặng Bằng khen; gần 300 tập thể, cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen...

Nếu anh Thành là “vô lăng vàng” trên những cung đường thì anh Phan Duy Cương, trực ban chạy tàu ga Nam Định, Công đoàn Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thanh (Công đoàn Đường sắt VN) lại là “người chỉ huy trưởng” trong một ban sản xuất sao cho mọi việc được nhịp nhàng và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu đi, đến và công tác dồn dịch toa xe trong nhà ga. Vì trực ban chạy tàu là đầu mối của mọi công việc, mỗi khi tàu đến, tàu đi, phải báo cho các bộ phận trong ga để tác nghiệp, báo cho chắn đường ngang để đón tàu qua an toàn, phát thanh thông báo tới hành khách, rồi ra ke ga đón, tiễn tàu. Chừng nào lái tàu, trưởng tàu chưa nhận được tín hiệu an toàn của trực ban chạy tàu, tàu chưa thể xuất phát. Một ban 12 giờ, ban ngày khoảng 14-16 chuyến tàu, ban đêm cao điểm đến 24 chuyến tàu, nghĩa là từng ấy thao tác được lặp đi, lặp lại nhưng phải thật chuẩn xác theo đúng quy trình quy phạm của ngành Đường sắt và quy tắc kĩ thuật riêng của ga.

“Nghề này đòi hỏi tập trung cao độ, chỉ một phút lơ là như báo tàu cho chắn đường ngang không đúng quy trình là có thể xảy ra tai nạn. Chính vì vậy, dù thế nào, chúng tôi cũng phải cố gắng”, anh Cương nói.

Với vai trò là Bí thư Chi đoàn ga, anh Cương luôn chủ động phối hợp với chuyên môn, các chi đoàn bạn tổ chức các hoạt động trong liên hiệp lao động khu ga một cách thiết thực, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT đường sắt, thực hiện xây dựng đơn vị Chính quy - Văn hóa - An toàn. Năm 2017, anh đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; đoạt Giải B Hội thi trực ban chạy tàu Tổng công ty Đường sắt VN; bằng khen của Đoàn Thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên.

9

Anh Ngô Viết Hải (phải), Tổ trưởng sản xuất Tổ sắt hàn Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Công đoàn TCT Công nghiệp Tàu thủy VN) luôn trăn trở tìm các giải pháp, cải tiến để giảm vất vả trong lao động, tăng năng suất

Trăn trở sáng tạo, cải tiến để tiết kiệm chi phí

Không chỉ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, biết bao người thợ, người kĩ sư luôn trăn trở tìm kiếm, nghiên cứu cải tiến, sáng tạo những sản phẩm mới nhằm giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc cho anh em đồng nghiệp và đơn vị.

Anh Ngô Viết Hải, Tổ trưởng sản xuất Tổ Sắt hàn 7, Phòng Vỏ 2, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng (Công đoàn TCT Công nghiệp tàu thủy VN) là một người như vậy. Xuất phát điểm là thợ sắt được đào tạo bài bản, chỉ sau 2 năm làm việc tại nhà máy, với tinh thần cầu thị, luôn tự trau dồi tay nghề, kinh nghiệm và học hỏi các lớp thợ đi trước, anh đã được tín nhiệm giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ sản xuất.

“Quan trọng là làm thế nào để anh em làm việc đỡ vất vả, tiết kiệm thời gian”, tâm niệm như vậy nên anh luôn trăn trở tìm kiếm, nghĩ cách cải tiến trong công việc và nhiều sáng kiến của anh được công ty ghi nhận, áp dụng trong thực tế. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, 3 năm liền, anh có sáng kiến cải tiến được công ty khen thưởng. Đặc biệt, năm 2017, sáng kiến “Thay đổi phương án đấu đà block 104 - tàu BS02” của anh đã giúp rút ngắn thời gian thi công sản phẩm, tăng năng suất, dễ dàng thao tác thực hiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế cháy sơn khi đấu đà. Cũng năm 2017, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đoàn viên công đoàn xuất sắc, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen.

Cả ngày cặm cụi với ổ bi, trục bánh xe… đầy dầu mỡ, anh Nguyễn Quyết, Tổ trưởng sửa chữa máy cảng Tân Vũ, Công ty CP Cảng Hải Phòng (Công đoàn Hàng hải VN) lại mày mò tìm giải pháp khắc phục sự cố, hư hỏng, đưa phương tiện thiết bị phục vụ khai thác sản xuất kịp thời. Anh chia sẻ, phương tiện, thiết bị được đầu tư tại đơn vị đa số có công nghệ điều khiển hiện đại nên khi có sự cố, hư hỏng việc sửa chữa khá khó khăn. Anh đã cùng anh em trong tổ nghiên cứu tài liệu, đồng thời đưa ra các sáng kiến, giải pháp để có thể khắc phục những sự cố tương tự một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Từ năm 2015 đến nay, anh đã đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến thiết thực, đem lại hiệu quả cao, đó là giải pháp “Gia công phục hồi kích thước bề mặt ống dẫn hướng chốt cẩu xe nâng hàng Reachstacker”, giải pháp “Gia công căn lót bộ phớt thủy lực cổ trục Bolt lái xe nâng hàng Forklift” và sáng kiến “Gia công hoán cải mắt thăm dầu phanh xe nâng hàng Reachstacker”. Với thành tích hoàn thành xuất sắc công việc được giao, 3 năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Còn anh Phạm Anh Tuấn, Phó quản đốc phân xưởng, Trung tâm Bảo dưỡng thiết bị Hà Nội, Công ty  TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (Công đoàn Tổng công ty Hàng không VN) lại đặc biệt đam mê nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến kĩ thuật táo bạo. Xuất phát từ thực tế công việc hàng ngày, làm thế nào để giảm bớt vất vả cho anh em, giảm chi phí mà hiệu quả công việc lại cao, anh đã đề xuất các ý tưởng và chia sẻ với anh em đồng nghiệp để nhận được sự đóng góp ý kiến, sự hỗ trợ, từ đó có thể áp dụng hiệu quả.

Nhiều sáng kiến, giải pháp của anh đã tiết kiệm chi phí cho đơn vị hàng tỷ đồng. Như từ giữa năm 2017 đến đầu năm 2018, anh cùng với các đồng nghiệp khác đã thực hiện thành công “Sáng kiến chế tạo máy phun hạt tẩy sơn tang trống trong nước”. Sáng kiến này của anh và đồng nghiệp đã giúp tiết kiệm chi phí mua hóa chất tẩy sơn, hạn chế xả thải hóa chất, nâng cao chất lượng và hiệu quả tẩy sơn, đồng thời cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu tác động xấu của hóa chất đến sức khỏe người lao động, rút ngắn thời gian đại tu tang trống bánh máy bay. Đặc biệt, tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu khoảng 4,5 tỷ đồng cho đơn vị.

“Nghề sửa chữa, bảo dưỡng máy bay rất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và chất lượng sản phẩm công việc rất cao, đồng thời chi phí cho vật tư, máy móc cũng rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng, đề tài để đem lại hiệu suất công việc cao hơn, giảm chi phí hơn là cần thiết, cần được nhân rộng”, anh Tuấn tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.