Chuyện dọc đường

Những chuyến xe lan tỏa yêu thương

29/03/2018, 13:25

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, có lẽ chỉ khi người ta bị rơi vào thế cùng quẫn, khó khăn...

anhxx

Cần thêm lắm những chuyến xe nghĩa tình, giúp đỡ người bệnh

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, có lẽ chỉ khi người ta bị rơi vào thế cùng quẫn, khó khăn mới thấm hết câu nói ấy. Và rằng khi hành động thiện nguyện xuất phát từ tâm thì “một nén cũng thơm, một đồng cũng quý”.

Mắc ung thư chẳng khác nào án tử hình treo trên đầu, đó là tâm lý chung của người bệnh. Không chỉ chịu nỗi đau từ bệnh tật, gánh nặng chi phí còn đè lên vai bệnh nhân mà cơ hội được sống cũng trở nên quá mong manh. Đặc biệt, đối với bệnh nhân nghèo tới từ các tỉnh lẻ, việc theo đuổi điều trị ung thư càng thêm khó khăn gấp bội. Ở Việt Nam, đa phần bệnh ung thư đều được phát hiện ở giai đoạn muộn nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém, chủ yếu do những loại thuốc đặc trị cũng như thời gian chữa bệnh kéo dài. Cụ thể, nếu điều trị bằng thuốc Glivec, người bệnh phải trả 500 triệu đồng/năm; thuốc Erlotinib và Sorafenib lần lượt là 40 triệu đồng, 118 triệu đồng hàng tháng. Ngoài ra, bệnh nhân còn được kê thêm một số loại thực phẩm chức năng có tác dụng thải độc sau khi truyền hóa chất, bảo vệ gan, dạ dày, tăng đề kháng, tạo hồng cầu… Đa số những loại thuốc này đều được nhập khẩu nên giá thành tương đối cao. Tiêu tốn hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khiến nhiều người phải bỏ dở lộ trình điều trị vì quá tốn kém so với khả năng chi trả của họ. Theo một kết quả nghiên cứu chi phí chữa trị ung thư tại các nước khu vực Đông Nam Á cho thấy, có tới 55% bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cạn kiệt tài chính và tử vong trong vòng 12 tháng phát hiện bệnh.

Đối với những xe khách tỉnh, lâu nay xã hội quen nhìn họ với những hình ảnh không mấy thiện cảm như: Xập xệ, nhồi nhét, tài xế thô bạo, bắt chẹt khách… Có mấy ai hay, trong suốt thời gian qua, không ít nhà xe tỉnh lẻ đã âm thầm phát những tấm vé miễn phí trọn đời cho bệnh nhân ung thư, chạy thận và những bệnh hiểm nghèo khác. Thậm chí, có những nhà xe hào phóng đến nỗi chỉ cần hành khách xuất trình sổ khám bệnh trên Thủ đô cũng được đi miễn phí. Có những nhà xe không thể nhớ hết đã chở miễn phí bao nhiêu người bệnh, bởi họ tâm niệm: “Đã giúp thì đâu cần kể công”.

Mỗi chiếc vé xe chỉ giá trị từ 50 - 100 nghìn đồng, song với người bệnh khoản phí này cũng giúp họ có thêm một ngày trọ hoặc vài bữa ăn nơi đô thành. Lớn lao hơn, giá trị của những tấm vé miễn phí kia là nguồn động viên, tiếp sức cho người bệnh giữa lúc hoạn nạn”. Đáng nói, điều kiện của nhiều nhà xe tỉnh lẻ cũng không được dư dả, song họ vẫn sẵn lòng làm việc thiện. “Con người ta mỗi người giàu một thứ, người giàu tiền, giàu của, còn đối với bản thân mình thì cố gắng làm giàu bằng lòng nhân ái thôi”, câu nói mộc mạc mà chân tình của chủ xe tuyến Hà Nam - Hà Nội đã nói lên tất cả.

“Cho đi là nhận lại” nhất là khi tình yêu thương được chia sẻ thì hạnh phúc nhân lên bội phần. Đối với bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có thể ngày mai hoặc ngày kia họ không còn sống để đi trên những chuyến xe miễn phí nữa, nhưng tình yêu thương sẽ còn đọng lại và lan tỏa mãi…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.