Xã hội

Những cột mốc xung quanh dự án 8B Lê Trực

20/08/2017, 10:05
image

Xoay quanh câu chuyện về điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng đối với dự án 8B phố Lê Trực, Hà Nội.

20938912_10207641060703040_1783211406_n

Câu chuyện về điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng đối với dự án 8B phố Lê Trực (Ba Đình - Hà Nội) đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian qua.

Mặc dù vụ 8B Lê Trực đã được xử lý dứt điểm phá dỡ tầng 20 kỹ thuật và tầng 19 cùng toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột của tòa nhà từ tháng 10 năm 2016. Tuy nhiên, việc phá dỡ vẫn chưa dừng lại ở đó mà tiếp tục hoàn tất phương án phá dỡ giai đoạn 2. Thế nhưng, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu Thành phố sẽ giải quyết thế nào đối với dự án 8B Lê Trực cho thỏa đáng để ai cũng phải tâm phục, khẩu phục.

Dự án 8B Lê Trực, những dấu mốc?

Ngày 5/12/2008, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2452/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu L30, địa điểm số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Cụ thể, theo quyết định này, dự án được phê duyệt có quy mô 20 tầng và chiều cao công trình không quá 70m (theo đúng chiều cao tĩnh không đã được Bộ Quốc phòng cho phép).

Ngày 16/03/2009, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và Phương án thiết kế kiến trúc kèm theo Văn bản số 499/QHKT-P3 với các chỉ tiêu quy hoạch: 4 tầng hầm, 20 tầng nổi với chiều cao công trình là 69,1m.

Ngày 07/04/2009, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản số 2154/SXD kết quả thậm định thiết kế cơ sở công trình thuộc dự án với quy mô công trình 4 tầng hầm, 20 tầng nổi với chiều cao công trình là 69,1m.

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và Hồ sơ thiết kế chi tiết bản vẽ thi công được công ty Tư vấn Đại học Xây dựng thiết kế với quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng và đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm tra năm 2010. Cho thấy, dự án này đã được phê duyệt thực hiện từ 2008 và khu đất này nằm ngoài Trung tâm chính trị Ba đình theo Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy họach chi tiết khu hành chính Ba đình có tỷ lệ 1/2000.

Sau khi Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết và hoàn thành các thủ tục, đủ điều kiện thi công, Công ty cổ phần May Lê Trực và Nhà thầu từ năm 2010 đã thi công xong cọc khoan nhồi, tường vây, 4 tầng hầm đến mặt đất cos 0,00m theo kết cấu có quy mô công trình 4 tầng hầm, 20 tầng nổi với chiều cao công trình là 69,1m; Nhưng điều đáng nói ở đây khi công trình đang xây dựng dở dang đã xong 4 tầng hầm thì bất ngờ lại bị yêu cầu điều chỉnh chỉ được thi công xây dựng 18 tầng và chiều cao công trình chỉ còn 53m (giảm đi 2 tầng nhưng chiều cao lại giảm đi tới 17m – tương đương hơn 5 tầng nhà.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp giấy phép xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của UBND thành phố Hà Nội (cho đến thời điểm hiện nay quy hoạch chi tiết này vẫn là duy nhất và đang có hiệu lực thi hành) với quy mô chiều cao công trình chỉ còn 53m và 18 tầng với chiều cao bình quân các tầng là 2,94m (53m : 18 tầng = 2,94m), trong khi chiều dày bê tông, dầm sàn, trần đã chiếm tới 0,6m. Như vậy, chiều cao thông thuỷ mỗi tầng chỉ còn lại 2,4m. Điều bất cập thể hiện rõ nhất là tầng 1 chỉ cấp phép cao 2,6m, sau khi trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần thì chiều cao thông thủy chỉ còn 1,9m - có nghĩa là người đi lại trong tầng nhà có thể sờ tay được vào trần nhà và đường dây điện...

Một nội dung vô cùng quan trọng là tại Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/03/2009 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã yêu cầu Công ty cổ phần May Lê Trực liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng theo Quyết định 79/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007. Tuy nhiên, nếu áp dụng điểm e, khoản 2, Điều 3, Quyết định 79 thì công trình tại số 8B phố Lê Trực thuộc trường hợp không phải xin phép xây dựng. Điều này cũng được thể hiện rõ ở Công văn số 280/TTr-TCD của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Xử lý sao cho hợp tình?

Về dự án 8B Lê Trực, với những bất cập trong quá trình thực hiện dự án giữa quy hoạch chi tiết được phê duyệt và giấy phép xây dựng được cấp và đã phải trả giá cho điều ấy bằng việc phá dỡ tầng 20 kỹ thuật và tầng 19, cùng toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột của tòa nhà. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật chỉ quy định xử lý số tầng, không quy định xử lý chiều cao. Vì vậy, tầng 18 của dự án 8B Lê Trực là có trong giấy phép xây dựng và phù hợp với quy hoạch chi tiết hiện nay với quy mô 20 tầng và chiều cao công trình không quá 70m (chiều cao tĩnh không được Bộ quốc phòng cho phép).

Nhiều ý kiến chuyên gia kỹ thuật xây dựng cho rằng, nếu tiếp tục phá dỡ tầng 18 và 17 thì kết cấu Công trình này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng toàn bộ tòa nhà, gây nguy hiểm cho cư dân và những người sống quanh công trình, cũng như những người tham gia giao thông trên đường Trần Phú kéo dài.

Hơn nữa việc phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực vô cùng khó khăn bởi tòa nhà có dầm chuyển chịu lực chính tại mái tầng 18, kết cấu phức tạp. Nếu không có phương án phá dỡ khả thi, người thẩm định, thẩm tra có lương tâm và chuyên môn kỹ thuật cao thì nguy cơ mất an toàn cho tòa nhà là rất cao.

Bởi vậy, hiện nay người mua nhà đang khẩn thiết kêu cứu tới các cơ quan quản lý vì muốn được về ở tại căn hộ mà chủ đầu tư đã bàn giao. Nhưng sẽ thế nào nếu như công trình tiếp tục đắp chiếu và chờ ngày phá dỡ trong khi công trình đã hoàn thiện, những người dân phải gánh chịu mọi thiệt hại, nhiều cảnh ngộ đi thuê nhà tạm bợ?

Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị được giao phá dỡ vi phạm tại 8B Lê Trực giai đoạn 1) đã có công văn gửi các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội và các sở, ngành chức năng đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm này.

Còn theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, đối với công trình xây dựng sai phép, không phép thì: hành vi xây dựng sai phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Theo tìm hiểu, tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, hiện không có bất kỳ quy định pháp luật, hoặc chế tài xử lý về việc xây dựng sai chiều cao tầng như công trình này từ 3m, xây dựng thành 3,3m. Việc xử lý vi phạm phải theo qui định của pháp luật, thực tế chưa có trường hợp nào bị xử xử lý riêng chiều cao tầng hoặc xử lý bằng hình thức cộng lũy kế các tầng vi phạm để xử lý đối trừ vào một tầng trên cùng.

Đặc biệt là, các tầng 17, 18 tại toà nhà này lại có trong giấy phép xây dựng số 11/GPXD ngày 24/3/2014 do sở xây dựng Hà Nội cấp; Việc chủ đầu tư tăng chiều cao mỗi tầng từ 3m thành 3,3m là việc làm bất khả kháng, phù hợp với quy hoạch chi tiết và tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, đảm bảo công năng sử dụng và quyền lợi cho người mua nhà?

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.