Làm báo cùng Giao thông

Những cú đấm trong mơ

12/11/2016, 14:11

Với đa số chúng ta, cú đấm giải tỏa ẩn ức chỉ có trong mơ.

16

Những cú đấm trong mơ - Ảnh minh họa

Trên đường Đê La Thành (Hà Nội) có hai bệnh viện lúc nào cũng đông nghịt người ra vào. Một là Viện Nhi Trung ương, hai là Viện Phụ sản Hà Nội. Vì đông quá nên người ta phải cấm ô tô một chiều.

Tôi lái xe từ Cầu Giấy về Giảng Võ, có việc phải đi qua đây giờ tan tầm, lòng lo ngay ngáy. Sợ tắc đường thì lỡ việc. Y như rằng, đi được nửa phố thì ùn tắc, ô tô nối đuôi nhau bò nhanh hơn đi bộ tí. Lạ thay, phía đường ngược chiều vẫn chưa bị tắc, nhìn đám xe máy phóng qua mặt mà sốt hết cả ruột. Đoán làn đường bên mình có tai nạn, theo thói quen, tôi bám xe phía trước, nhích từng chút một. Không dám lấn sang làn đường đối diện.

nguyen bich hang 3

Nguyễn Bích Hằng

Đi được 15 phút thì phát hiện phía trước hàng chục xe đang xếp hàng trên đường Đê La Thành chờ rẽ xuống ngõ vào cổng Viện Nhi Trung ương. Bất thình lình một chiếc ô tô lách sang bên trái, chiếm lĩnh khoảng đường còn chút thông thoáng phóng vút đi. Hai xe khác nối đuôi ngay. Hỡi ôi, chưa kịp thoát khỏi điểm nóng, cả ba xe đã đấu đầu với một chiếc xe buýt kềnh càng đi ngược lại theo quyền ưu tiên. Ngay lập tức, đoạn đường tắc toàn diện. Nửa tiếng sau, phải chật vật lắm tôi mới thoát được đám đông rối bời này, chứng kiến người lái xe lấn làn kia mở cửa xuống đôi co gì đó với tài xế xe buýt. Lúc đó, nghĩ đến cuộc hẹn phải hủy, tôi đã ước gì có thể đấm tay lái xe ngu xuẩn kia một cú thật mạnh.

Tất nhiên, với đa số chúng ta, cú đấm giải tỏa ẩn ức chỉ có thể xảy ra trong mơ. Vì đánh người không dễ, thứ nhất chưa chắc đã đánh được, chưa nói đến đánh thắng người khác. Thứ hai, có ti tỉ những thứ ràng buộc khiến một người tử tế không thể cứ cáu giận, cứ thích là đánh người.

Nhưng có vẻ với nhiều người khác, việc bỏ qua các quy tắc chung, hễ thấy cái gì tiện cho mình thì làm, tranh giành bằng được cái lợi về mình là việc hiển nhiên. Như lấn làn cướp đường, chen lên trên một tí, vượt đèn đỏ một tí là việc bình thường hàng ngày. Lằng nhằng cản trở hoặc nhắc nhở họ có khi lại bị ăn đòn.

Chả nói đâu xa, hôm kia thôi, báo chí đưa tin một cán bộ Sở Ngoại vụ bị công an mời lên làm rõ việc anh này hành hung một thày giáo già sau khi xảy ra va chạm giao thông trên đường. Rồi tháng trước, hai thanh niên trong đó có một thanh tra giao thông kẻ giữ cổ, kẻ đập liên tiếp vào đầu một cô gái trẻ ở sân bay Nội Bài vì tội dám quay lại hình ảnh hai người này đang gây mất trật tự. Trước đó nữa, một cán bộ văn phòng Bộ Y tế cũng làm ngành này mất mặt khi uống rượu, va quệt ô tô lại còn sỉ vả người bị tai nạn.

Anh bạn tôi sau khi quyết định đưa cả gia đình từ Mỹ về Việt Nam sinh sống, theo đuổi một dự án đầu tư lớn trong nước từng tâm sự anh lo nhất bọn trẻ không thể thích nghi ngay được với tình hình giao thông. Không dám mua xe cho con tự đi trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa hoàn thiện, nếu bố trí người đưa đón đi học, đi chơi thì rất tốn kém, mà bọn trẻ cũng mất tự do.

Cái lo thứ hai, theo anh là văn hóa ứng xử. Ở đâu cũng vậy, chỉ cần ra đường sẽ thấy một phần bộ mặt của xã hội. Nhìn cái cách người ta đi lại tùy tiện, chen lấn, cách người ta nạt nộ, cãi nhau trên đường sẽ thấy mức độ văn minh của thành phố đó. Tôi nghe anh nói, thấy buồn.

img

Vụ đánh nhân viên hàng không: Một thanh tra bị sa thải

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.