Xã hội

Những dấu ấn không thể quên về thầy Văn Như Cương

09/10/2017, 10:31

Thầy Văn Như Cương qua đời, song những lời nói, hình ảnh của ông vẫn còn đọng mãi với rất nhiều người...

thay-van-nhu-cuong

Hình ảnh thầy Văn Như Cương mặc áo cờ đỏ sao vàng để lại dấu ấn rất riêng tại lễ khai giảng của Trường Lương Thế Vinh

Nhà giáo Văn Như Cương sinh năm 1937, tại Quỳnh Lôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông từng chia sẻ, ở cái làng nhỏ của mình, nhiều người đỗ đạt nên dường như một điều mặc định, cứ hễ là đàn ông thì đa phần sống bằng nghề "gõ đầu trẻ" còn phụ nữ quanh năm dệt vải.

Nghiệp dạy đã gắn liền với gia đình ông qua nhiều thế hệ, không ai bảo ai nhưng tất cả dường như đều chọn chung một nghề. Ông kể, ông cụ thân sinh trước cũng là giáo viên trường làng, bốn trong sáu anh chị em của ông đều nối bước cha đứng trên bục giảng. Sau này ba cô con gái và cháu ngoại của ông cũng là nhà giáo.

Nhớ về quãng đời học sinh của mình, thầy Văn Như Cương cho hay: “Trường học cấp 3 xa nhà đến 60 cây số, tôi phải tự nấu ăn, nhiều khi đứt bữa vì hết gạo hết tiền, đành ăn ngô rang đi học. Tôi nhớ hồi ấy suốt năm học tôi chỉ có hai cái quần, một mới và một cũ, cái quần mới thì đã cũ, còn cái quần cũ thì đã rách... Tuy vậy, cuộc đời học sinh vẫn rất vui tươi và đầy mộng ước”…Rồi khi bước chân vào Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được cử làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô cũ. "3 năm làm nghiên cứu sinh ở Nga, tôi đã để râu. Lúc về nước, bộ râu này cực kỳ có hại. Vợ tôi không đồng ý. Mẹ tôi không đồng ý. Nhiều lần, tôi đang lim dim ngủ, mẹ tôi bàn với vợ tôi là: "Mẹ lên mẹ cắt cái bộ râu của nó, để nó phải cạo đi. Ai lại để râu như thế, trông không hợp tí nào". Đúng là lúc ấy, để râu là có vấn đề. Hoặc là bất mãn hoặc là gì đó, nhất là để râu hoặc cạo tóc”.

Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, đồng lương Phó tiến sỹ khi ấy của PGS Văn Như Cương chẳng đủ ăn. Vì thế, gia đình ông đã quyết định cải thiện cuộc sống bằng cách nuôi lợn. Nói là làm, ông cho quây một góc sân nhà tập thể lại để làm chuồng. Do mát tay nên lợn ông nuôi lớn nhanh như thổi. Sau mỗi lần xuất chuồng thì kiếm thêm được 70 đồng bằng đúng số tiền lương của một phó tiến sỹ thời đó, nên ông thường nói vui: “Trong nhà có hai phó tiến sỹ. Một phó tiến sỹ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn”.

Năm 1989, thầy Văn Như Cương mở Trường PTTH Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới. Chính nơi đây, với cương vị vừa là một nhà giáo chuẩn mực, vừa nhà quản lý tâm huyết, nghiêm khắc và gần gũi, thầy Văn Như Cương luôn chiếm được niềm tin yêu, khâm phục của học trò. Ông vẫn thường dạy học trò: Làm gì thì làm, trước hết phải là người tử tế! “Tôi vẫn căn dặn các trò, hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu”, người thầy đáng kính từng chia sẻ.

Lương Thế Vinh cũng là ngôi trường nổi tiếng bởi chủ trương: “Dạy thật, học thật”, do chính thầy Văn Như Cương đề ra. “Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công", PGS Văn Như Cương từng nói. Ngay cả khi đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe đã yếu, dù đã lui về công việc viết sách, ông vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy tại trường Lương Thế Vinh để có thời gian gần gũi học trò…

Không chỉ được biết tới là một nhà giáo tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, PGS Văn Như Cương còn khiến bao người cảm động rơi nước mắt khi đọc bài thơ “Cõng mẹ đi chơi” của ông. Vị PGS kể, đó là năm 1994, cũng là Tết cuối cùng ông được về với mẹ ở quê nhà. “Trước đó trời mưa, đường làng không phải như bây giờ, còn là đường đất thịt rất trơn và lầy. Mùng 1 Tết theo lệ thường chúng tôi vẫn ra nhà thờ họ, đến chúc Tết láng giềng. Do đường trơn, mẹ không đi được, vì vậy tôi đã cõng mẹ tôi. Mẹ bảo “con buồn cười, để mẹ đi cũng được” bởi tôi trước đó bị đâm xe máy gãy chân phải bó bột. Nhưng điều ngạc nhiên khi tôi cõng mẹ là bà nhẹ quá. Mẹ tuy không ốm đau gì nhưng rất nhẹ. Tôi kêu lại “trời ơi! Sao tự nhiên mẹ nhẹ bỗng đi thế này”. Mẹ nói “người già chỉ có da và xương thì phải nhẹ chứ con lo gì. Mẹ chỉ sợ chân con còn đau không đi xe máy được thôi”.

Sau đó ông đã làm bài thơ:

"Con sáu mươi cõng mẹ chín tư

Mẹ ơi mẹ nhẹ thế này ư!

Thôi con đừng có lo cho mẹ

Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.