Xã hội

Những người “luồn sâu, đánh hiểm” trên biển

20/02/2018, 07:47

Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân được coi là đơn vị “đặc biệt tinh nhuệ” của Quân chủng Hải quân Việt Nam.

67

Nữ quân nhân Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 thành thạo các động tác võ thuật - Ảnh: T.N

Với lối đánh “luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều”, trong kháng chiến và trong thời bình, những người lính đặc công “mình đồng da sắt” ấy đã lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Những chiến công huyền thoại

Doanh trại của Lữ đoàn Đặc công 126 ở vùng cửa biển Hải Phòng có một tượng đài Chiến sĩ Đặc công Hải quân cao 30m, với khối tượng đài trung tâm gồm hình ảnh 5 chiến sỹ đặc công: Người chỉ huy, đặc công nước, đặc công đặc nhiệm chống khủng bố và đặc công người nhái. Trong số 5 hình mẫu ở tượng đài, có 2 nguyên mẫu của hai cán bộ cấp tướng của quân đội, đồng thời là những người có đóng góp rất lớn đối với lực lượng đặc công Hải quân là Thiếu tướng Nguyễn Mai Năng và Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Năng là một trong những người “khai sinh” ra Đoàn Đặc công 126 Hải quân. Người con thành phố Cảng này được mệnh danh là “Dũng sĩ Cát Bi số 1” bởi thành tích chỉ huy trận đánh vào sân bay Cát Bi, tiêu diệt 59 máy bay địch. Sau đó, ông Năng được điều động về lực lượng Hải quân, gắn bó với Đoàn Đặc công 126 Hải quân chỉ huy góp phần đánh chìm, đánh hỏng hơn 300 tàu chiến, tàu vận tải quân sự của địch; chỉ huy giải phóng quần đảo Trường Sa; tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam, tham gia đội quân làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, rồi biên giới phía Bắc. Trưởng thành từ Đoàn 126 Đặc công Hải quân, ông Năng trở thành Tư lệnh Binh chủng Đặc công.

Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã lập nên nhiều chiến công hiển hách: Chỉ trong vòng 7 năm, 1 đơn vị cấp trung, lữ đoàn đã tiêu diệt gần 400 tàu chiến, tàu vận tải quân sự của địch; là đơn vị chủ lực giải phóng Trường Sa năm 1975. Rèn luyện công phu, trong thời bình, những người lính Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân đang hàng ngày viết tiếp truyền thống của đơn vị đặc biệt tinh nhuệ trong lực lượng Hải quân Việt Nam góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Năng nhớ lại: “Đoàn 126 thành lập ngày 13/4/1966, được tung vào chiến trường Bắc Quảng Trị trong thời kỳ chiến trường này đặc biệt nóng bỏng. Để tiếp tế cho hơn 3 vạn quân Mỹ và hàng vạn quân Ngụy đang bị giam chân ở mặt trận đường 9 - Khe Sanh, địch coi tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà là “cái dạ dày” cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm của chúng. Đoàn 126 được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ lực, tấn công làm tắc nghẽn tuyến giao thông trọng yếu này của địch”.

Gần 7 năm bám trụ ở chiến trường Quảng Trị (năm 1967 - 1972), với phương thức tác chiến độc đáo “luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều”, Đoàn 126 Hải quân đánh chìm 339 tàu chiến, tàu vận tải của địch, ngoài ra còn đánh hỏng 33 chiếc khác, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch”. Những trận đánh liên tiếp của Đoàn Đặc công 126 Hải quân khiến địch thất điên bát đảo, chúng phải thốt lên: “Hiện nay tàu bè đi lại trên thủy lộ sông Cửa Việt đang bị thủy lôi của Cộng sản đe dọa nghiêm trọng” (trích tài liệu Lực lượng hải quân Bắc Việt của phòng Nhì hải quân Ngụy).

Chiến công oanh liệt nhất trong giai đoạn này của Đoàn 126 Hải quân là trận đánh tàu dầu trọng tải 15 nghìn tấn của Mỹ ngày 9/9/1969. Sự kiện tàu dầu 15 nghìn tấn của Mỹ bị đánh đắm được hơn 70 tờ báo của các nước đưa tin, bình luận với những dòng tít “kinh hoàng”, “ngoài sức tưởng tượng”. Nhiều tờ báo đặt câu hỏi: “Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà rađa trên tàu quét 24/24h và thiết bị theo dõi có thể nhìn thấy từng con cá dưới biển?”.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước những người lính đặc công Hải quân đã lập nên chiến công xuất sắc là giải phóng quần đảo Trường Sa. Thiếu tướng Nguyễn Mai Năng, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng Trường Sa kể, tháng 4/1975, khi các cánh quân trên bộ thực hiện đợt tổng công kích giải phóng miền Nam mang tên  Chiến dịch Hồ Chí Minh thì Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu: “Tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước”. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lực lượng nào khác vào đánh chiếm đảo trước ta”.

Trên quần đảo Trường Sa vào thời điểm năm 1975, 11 đảo có người ở, trong đó quân ngụy Sài Gòn đóng giữ 5 đảo gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Năm 1975, ông Năng lúc đó đang là Trung đoàn trưởng đặc công hải quân, nhận lệnh vào Đà Nẵng chỉ huy đơn vị hợp thành gồm lực lượng đặc công hải quân, một bộ phận Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 và biên đội tàu gồm ba tàu: 673, 674 và 675 của Đoàn 125 (đoàn tàu không số) ra giải phóng Trường Sa. Sau nhiều ngày hành quân trên biển, đơn vị hợp thành, trong đó chủ lực là đặc công hải quân đã chiến đấu dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa - “núm ruột” xa xôi nhất của Tổ quốc.

68

Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành vận chuyển thủy lôi năm 1968 - Ảnh tư liệu: Quân chủng Hải quân

Những người lính “mình đồng da sắt”

Giữa tháng 12/2017, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Lễ khánh thành cầu cảng và đón nhận đội tàu, xuồng đặc nhiệm. Đây là sự kiện đặc biệt đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình hiện đại hóa, chủ động phương tiện thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt của Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân.

Luôn được coi là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, những người lính đặc công hải quân được tuyển chọn chặt chẽ, huấn luyện với những khoa mục khắt khe nhất để đủ sức chiến đấu trong những môi trường đặc biệt. Họ được đào tạo để có thể bơi hàng chục km, có thể “thả trôi” - nổi trên mặt biển vài ngày và lặn sâu dưới hàng chục mét nước. Huấn luyện đặc công hải quân còn bao gồm rèn thể lực để có thể mang vác vũ khí, khí tài nặng di chuyển bí mật. Rèn luyện võ thuật là điều không thể thiếu đối với người lính đặc công. Kỹ thuật hóa trang yêu cầu người lính có thể ém quân, nằm giấu mình trên cát, dưới bờ sông, kênh rạch cả ngày, ngay trước mặt nhiều người mà không bị phát hiện. Đó còn là các chiến thuật đột nhập, vượt qua các chốt canh phòng của đối phương mà không bị phát hiện, hay vượt các chướng ngại vật như dây thép gai, bãi mìn…

Thượng tá Kiều Văn Thịnh, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn cho biết: “Lữ đoàn cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ huấn luyện thành các tiêu chí cơ bản như: “Bơi lặn giỏi, võ giỏi, bắn giỏi, giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ và nghĩa tình đồng đội keo sơn”. Với nhiều bài tập công phu từ bơi dai sức đường dài, bơi bí mật có vũ khí, trang bị; lặn xa và sâu, lặn khí tài bắt mục tiêu, khắc phục vật cản dưới nước, vượt kè chắn sóng, dong kéo vũ khí trang bị, mìn, khối nổ áp sát mục tiêu, các bài võ chiến đấu bộ binh, võ chiến đấu đặc công được những người lính Lữ đoàn 126 Hải quân nghiên cứu, phát triển để vận dụng vào các tình huống đối kháng một cách thuần thục, điêu luyện ở trên tàu, giàn khoan, cầu cảng và dưới nước… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.