Bạn cần biết

Những người tù oan ở Bắc Giang Tết này ra sao?

17/02/2018, 14:18

Thật khó có từ nào tả nổi niềm vui của những người ở tù được minh oan trở về với gia đình, cộng đồng...

34

Ông Hàn Đức Long với nỗi lo Tết không trọn vẹn khi không lo được cho vợ, con và các cháu

Tết thanh thản ở... “suối vàng”

Là người đồng hành “cõng đơn oan” cùng chồng trong gần 30 năm, bà Vi Thị Cú (61 tuổi, thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cuối cùng cũng đã nở nụ cười hạnh phúc khi di nguyện cuối đời của người chồng quá cố đã thành hiện thực.

Đứng trước nấm mộ của ông Mưu Quý Sường (SN 1944, đã mất năm 2013), bà Cú nghẹn lời khấn: “Nỗi oan của ông đã được giải, ông ra đi thanh thản và mỉm cười nơi chín suối. Tôi và các con vẫn khỏe. Tết này ông về sum vầy cùng nhé…”. Vuốt nhẹ di ảnh của chồng, bà Cú đốt gửi tờ quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự cho ông Sường.

Lật giở từng mẩu đơn kêu oan, bà Cú cho biết, bà là vợ thứ hai, người vợ đầu là bà Hoàng Thị Múi - người gắn với án oan giết vợ của ông Sường. Năm 1988, sau khi chịu án oan 11 năm 4 tháng tù giam, ông Sường trở về nhà với đôi bàn tay trắng và sự xa lánh, đay nghiến của người thân, hàng xóm. Nhiều lần nhìn thấy ông Sường khóc và tủi nhục khi kể về nỗi oan ức của mình, bà đồng cảm và tin nỗi hàm oan của chồng là thật. Mủi lòng vì người đàn ông chất phác, hiền lành, cảnh “gà trống” nuôi hai con nhỏ, bà lại đang trong cảnh góa bụa vì chồng mất sớm, để lại bốn đứa con thơ dại nên cả hai quyết định đến với nhau để cùng nương tựa. “Năm 1989, chúng tôi sinh con trai đầu là Mưu Văn Lợi, năm 1990 sinh thêm con gái là Mưu Thị Thìn. Vậy là gia đình có cả thảy 8 người con”, bà Cú kể.

Lộ phí cho hành trình kêu oan giết vợ cùng với gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai của hai vợ chồng nghèo khiến nhiều lúc gia đình bà Cú rơi vào cảnh chỉ biết húp cháo, nhịn đói qua ngày. Ròng rã gần 30 năm trời, cuối cùng cũng đến ngày được minh oan. Chỉ tiếc ông đã ra đi cách đây 5 năm.

Anh Lợi cho biết: “Thuở còn sống, ông vẫn chịu điều tiếng mưu sát vợ nên mọi người cô lập, ông buồn, khép mình và cũng chả có ai đến nhà chơi. Cả gia đình cũng không bao giờ có niềm vui trọn vẹn, kể cả ngày Tết. Chỉ mong Tết nhanh qua, cơ quan chức năng làm việc để tiếp tục gửi đơn. Nhưng năm nay khác rồi, bố đã được minh oan, Tết này sẽ ăn to, chắc chắn là mổ lợn”.

Tết vui nhưng chưa trọn vẹn

Ngày 20/12/2016, ông Hàn Đức Long (60 tuổi, thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang) được trả tự do sau 11 năm, 2 tháng, 2 ngày tù oan. Thời điểm trở về, ông may mắn được đón cái Tết đầu tiên cùng gia đình sau hơn một thế kỷ ngồi chờ tử hình.

Lúc này, ông Long cùng vợ con tất bật chuẩn bị Tết. Ông tự bắc ghế lau dọn nhà cửa, tự tay trải từng tấm lá và đùm từng chiếc bánh chưng đón Tết. Đôi bàn tay gày yếu của ông bắt đầu đan từng tấm lá, rắc bát gạo nếp, nhẹ nhàng cho nhân thịt vào chiếc bánh một cách quen thuộc. Trong gian bếp nhỏ, hai vợ chồng ông Hàn Đức Long người đẩy củi, người nhấc vung kiểm tra nồi bánh chưng vừa gói.

Ngồi trước hiên nhà, rít một hơi thuốc lá, ông Long thở dài: “Buổi xin lỗi của TAND Cấp cao tại Hà Nội về oan sai của tôi (ngày 25/4/2017) đã không thành khi người nhà nạn nhân gây náo loạn, tôi đã không được trả lại danh dự đầy đủ. Việc bồi thường cũng chưa được thực hiện khiến gia đình tôi rơi vào cảnh kiệt quệ, nợ nần thêm chồng chất, Tết này xem như không trọn vẹn nếu không muốn nói là mất Tết”.

Ông Long buồn bã nói: “Số tiền vợ con vay để làm phí kêu oan cho tôi đã ngốn hơn 1 tỷ đồng. Năm hết, Tết đến, ai cũng đến đòi mà thấy tủi nhục. Cứ ngỡ trong năm sẽ được nhận đền bù để trả nợ, sớm ổn định cuộc sống mà không thành. Mấy hôm nay tôi không ngủ được, trằn trọc nghĩ cách gì để có tiền sắm Tết mà không ra. Tôi định qua Tết này bán ngôi nhà đi để trả đỡ nợ nhưng không đành, chỉ thương vợ, con thêm khổ”.

Khép mình trong góc nhà, bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Long nói: “Di chứng sau những ngày ngồi tù khiến sức khỏe của ông ấy ngày càng yếu dần, không thể làm gì phụ giúp gia đình. Để có tiền đong gạo, mua đồ ăn, tôi phải đi đổ bê tông đường từ 6h đến 19h mà chỉ được trả công 200 nghìn đồng. Đứa con trai 29 tuổi cật lực làm thuê kiếm tiền cũng để dành hết cho việc trả nợ. Con dâu thì bị bệnh tan máu, không nơi nào nhận làm. Cháu nhỏ nheo nhóc, đến tuổi đi học cũng không được đi. Tiền không có thì Tết năm nay chả dám màng đến”.

Cần một cái Tết bình an

Không phải là cái Tết đầu tiên được hít thở hương vị của tự do, cũng không còn là cái Tết viên mãn nhất ở thời điểm năm 2017 khi ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) nhận được tiền bồi thường, có một ngôi nhà mới khang trang và đón cô con gái thứ hai sau nhiều năm sống chui lủi bên Đài Loan đã trở về cưới chồng.

Bà Chiến (vợ ông Chấn) cho biết: “Tôi vừa mới từ Bệnh viện Bạch Mai về, cứ nghĩ mình sẽ chết vì bị bệnh lụt não (chảy máu não - PV), may mắn được các bác sỹ cứu chữa kịp thời. Nhưng giờ tôi bị mắc chứng hay quên, chỉ vài tiếng sau là sẽ không biết mình nói gì, làm gì nữa. Với tình hình này chắc qua Tết phải bỏ quán vì toàn bán nhầm”.

Ngồi bóp đầu cho con dâu, cụ Vỵ (77 tuổi) nói: “Tưởng nó “ăn đất”, may mà thoát nạn. Số khổ, chồng đã bị di chứng về thần kinh sau khi ngồi tù oan giờ thì đến lượt vợ. Coi như năm nay Tết không vui”.

Ngồi kế bên vợ, ông Nguyễn Thanh Chấn cặm cụi đấm bóp tay chân cho vợ. Ông cho biết: “Bà ấy đã khổ vì tôi mấy chục năm nay, giờ đến ngày an nhàn lại mắc bệnh. Giờ việc sắm sửa Tết cũng không quan trọng nữa, cốt yếu là chăm sóc cho vợ khỏe lại. Dù năm nay gia đình có chuyện buồn nhưng Tết này vẫn phải luôn đầm ấm, con cái về sum vầy và chăm sóc mẹ tận tình là hạnh phúc lắm rồi”.

Khoảng 6h ngày 2/11/1977, Công an huyện Lục Ngạn, Ty Công an Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) nhận tin báo về việc bà Hoàng Thị Múi (vợ ông Sường) chết dưới suối thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu. Ty Công an Hà Bắc tiến hành khám nghiệm tử thi. Nghi ông Sường là người giết vợ nên Công an huyện Lục Ngạn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Sường.

Ngày 30/12/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định đình chỉ vụ án vì hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Sường về tội Giết người.

Ngày 26/6/2005 ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án một cháu bé 5 tuổi bị hiếp giết, rồi vứt xác ngoài cánh đồng. Hai mẹ con một gia đình ở thôn này có đơn tố cáo từng bị ông Hàn Đức Long hiếp dâm. Cơ quan điều tra bắt ông Long và ông Long khai nhận từng hiếp dâm hai mẹ con, thú nhận thêm là hung thủ vụ giết hại cháu bé. HĐXX tuyên bị cáo Long tử hình.

Nhờ gia đình và luật sư bào chữa liên tục kêu oan nên các bản án đã nhiều lần bị hủy bỏ để yêu cầu điều tra lại. Ngày 20/12/2016, VKSND tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Hàn Đức Long.

Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Sau hơn một tháng, ông Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố, tạm giam về tội Giết người. Tháng 7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung. Tháng 10, Chung ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Hoan hòng cướp tài sản.

Ngày 25/1/2014, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đọc quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.