Chất lượng sống

Những nhịp cầu dân sinh đem xuân về, xóa thế “ốc đảo”

20/02/2018, 08:50

Những cây cầu dân sinh bê tông cốt thép khang trang được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp Tết Nguyên đán...

119

Có cây cầu mới đang xây (bên phải), người dân sẽ thoát cảnh vác hàng hóa đi bộ gần hết cầu mới dám lên xe

Niềm vui cầu mới, Tết về

Những ngày cuối năm, anh Hoàng Văn Dìn, xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên đang khẩn trương hoàn thiện nốt bức tường và trụ cổng mới, rồi sửa sang nhà cửa đón Tết. Sở dĩ phải xây lại tường và cổng mới, là vì khi khởi công cây cầu dân sinh Đồng Niềng, gia đình anh Dìn đã hiến đất để làm đường lên cầu, trong đó có bức tường bao quanh nhà và cổng ngõ. “Mất đất, phải xây lại cổng, cửa mới, nhưng cả nhà tôi đều vui lắm. Năm nay gia đình nhất định ăn Tết to hơn, vì giờ nhà đã ra sát mặt đường dẫn lên cầu, ô tô đã có thể chạy vào tận sân nhà rồi”, anh Dìn cười nói.

Cầu Đồng Niềng cơ bản hoàn thành sau gần 6 tháng khởi công với quy mô cầu cứng, tuổi thọ 75 năm, cầu gồm 3 nhịp 14m, mặt cắt ngang 3,5m, tải trọng 0,65HL93 và chiều dài đường kết nối hai đầu cầu từ 50-100m, trong đó có 10m tiếp giáp cầu được đổ bê tông xi măng, đã biến ước mơ bao đời của người dân nơi đây thành hiện thực. Chỉ tay vào cây cầu cũ dùng chung với mương dẫn nước chỉ vừa cho 1 xe máy/xe đạp đi qua, anh Dìn nói, cây cầu cũ mỗi khi 1 chiếc xe máy chạy qua mặt cầu đã rung lên bần bật. Do mặt cầu hẹp khi chở hàng hóa nhiều, cồng kềnh chút là vướng hai thành cầu, nên phải dỡ hàng hóa ra, tách thành những khối lượng nhỏ để bê vác qua. “Xưa xây được bức tường như thế này phải mất nửa ngày chở gạch qua sông, cứ mang xe máy ra mỗi chuyến chở được vài chục viên. Giờ ô tô tải cũng chạy bon bon chở hàng hóa qua cầu, đúng là cầu đường thông thì mọi sự hanh thông, phát triển”, anh Dìn phấn khởi.

Năm 2017, thực hiện dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án Lramp), Ban Quản lý dự án 3 triển khai được 218 cây cầu dân sinh tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Năm 2018, tiếp tục thực hiện dự án này, Ban QLDA 3 sẽ triển khai thêm khoảng 273 cây cầu dân sinh trên địa bàn 16 tỉnh. 

Ông Hoàng Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, trong năm 2017, huyện Phú Lương được xây mới 4 cầu dân sinh từ nguồn vốn của dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án Lramp). Những khu vực chọn xây cầu dân sinh đều là vùng khó khăn, mà một trong những lý do khó khăn là giao thông bao năm qua cách trở vì thiếu cầu, thiếu đường. “Vì vậy, có những cây cầu dân sinh bê tông cốt thép chắc chắn, khang trang sẽ kết nối giao thông, phát triển KT-XH cho địa phương”, ông Hưng cho hay.

Vừa chạy xe máy ra chợ huyện sắm hàng Tết trở về, ông Nông Văn Chương, Phó chủ tịch xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai dừng xe lại ở cây cầu dân sinh Chợ Chậu đã hoàn thành, khuôn mặt rạng rỡ ngắm cây cầu trong hàng chục phút. Ông Chương kể, vị trí xây cầu Chợ Chậu 2 vốn có một ngầm tràn nhưng mặt ngầm thấp, nên mỗi đợt mưa lũ nước dâng vượt mặt ngầm cả mét, người dân không thể đi lại. “Mỗi năm nước lũ dâng 4-5 đợt, phía bên kia sông là 3 thôn của xã với khoảng 200 hộ dân và một nhà máy chè luôn bị chia cắt, trẻ con cũng không thể tới trường vì đây là con đường độc đạo duy nhất. Nhiều người cố băng qua ngầm tràn thời điểm mưa lũ đã bị cuốn trôi cả người và xe. Giờ có cây cầu dân sinh vững chắc, to đẹp như thế này rồi, đi lại thuận lợi, an toàn như tạo ra sức sống, diện mạo mới cho vùng quê này đổi đời, có cơ hội thoát nghèo”, ông Chương nói.

Chung tâm trạng, ông Trương Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Trắng, xã Đồng Trắng, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho hay, cây cầu dân sinh Đồng Trắng hoàn thành và đi vào hoạt động đã hiện thực hóa ước mơ ngàn đời có cầu vững chắc qua sông của người dân nơi đây. “Năm 2010, UBND huyện Lục Ngạn đầu tư xây dựng một cây cầu ngầm bắc qua sông Lục Ngạn ở vị trí thôn Đồng Trắng. Nhưng năm 2013, lũ lụt thiên tai, cơn bão số 5 đã làm cây cầu hư hỏng một phần, khiến xe máy qua cầu cũng khó khăn; hơn nữa vị trí cầu ngầm nằm thấp nên mùa mưa nước ngập băng mặt cầu không thể qua lại. Đã có nhiều vụ tai nạn xe lao xuống cầu vì cầu không có lan can, có mấy em học sinh lội nước băng qua cầu bị cuốn trôi, may mà cứu được. Nay có cầu mới, bà con nơi đây an tâm ăn Tết, phát triển kinh tế”, ông Minh phấn khởi.

Ông Dương Thanh Mậu, Bí thư Đảng uỷ xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn bày tỏ tâm trạng vui mừng của chính quyền và nhân dân địa phương khi trên địa bàn xã sắp có 5 cây cầu dân sinh mới, kiên cố. “Từ bao đời nay, vị trí sắp xây các cây cầu dân sinh này chỉ là những cây cầu tạm bợ được nhân dân góp công sức, vật liệu làm nên. Do đó, cầu chỉ là tre, gỗ bắc qua, không có lan can, xe ô tô không thể đi qua. Vào mùa mưa lũ, nước dâng ngập những cây cầu dân tự làm, cuốn phăng mặt cầu và thậm chí cả trụ cầu. Hết mưa lũ, dân lại góp sức tu sửa, cố làm lại cây cầu tạm bợ lấy đường đi, nhưng việc đi lại rất vất vả và mất an toàn. Nay những cây cầu mơ ước bao đời đã thành hiện thực sẽ giúp bà con đi lại thuận lợi, an toàn, phát triển KT-XH cho địa phương”, ông Mậu chia sẻ.

120

Sau khi hiến đất để xây cầu, anh Hoàng Dìn Ký phấn khởi xây lại cổng, tường nhà để đón cây cầu dân sinh Đồng Niềng sắp khánh thành

Tiết giảm chi phí, rút ngắn tiến độ

Theo ông Đỗ Văn Đức, Phó trưởng phòng Dự án 2, Ban QLDA 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT), cầu dân sinh Chợ Chậu 2 hoàn thành chỉ sau 4 tháng thi công, cũng như nhiều công trình cầu dân sinh khác mà Ban QLDA3 triển khai, là một sự nỗ lực lớn của chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân. “Chính quyền và người dân đã hỗ trợ dự án bằng cách đồng lòng hiến đất, GPMB cho dự án. Còn đơn vị chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu... đã nỗ lực phối hợp, triển khai thi công công trình đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ”, ông Đức nói.

Ông Mai Trịnh Tuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CIENCO Thành Đạt, đơn vị thi công một số cây cầu dân sinh trên địa bàn Bắc Kạn cho biết, ngay khi bắt tay vào thi công, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương và người dân về công tác giải phóng mặt bằng. Cùng đó là sự sát sao, hỗ trợ kịp thời từ đơn vị chủ đầu tư dự án là Ban QLDA3, sự giám sát của đơn vị tư vấn, giám sát. “Đáp lại sự hỗ trợ, tình cảm nhiệt tình đó, chúng tôi đã huy động nhân lực, thiết bị, vật liệu triển khai đồng loạt các mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, sớm đưa các cây cầu dân sinh vào khai thác”, ông Tuyên cho biết.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA3, dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án Lramp) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 nhằm xây dựng các cầu dân sinh có tính cấp thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa bàn các tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT, tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn.

“Đây là những dự án có ý nghĩa thiết thực, nên Ban và các đơn vị liên quan đều nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường nhân lực, vật tư thiết bị, triển khai nhiều mũi thi công, đồng thời tăng ca kíp để sớm hoàn thiện các cây cầu đảm bảo chất lượng, đạt và vượt tiến độ, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con”, ông Trường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.