Thế giới giao thông

Những yếu tố giúp đường sắt Trung Quốc phát triển thần kỳ

28/11/2016, 15:05
image

Đến cuối năm 2016, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành hơn 3.200km đường sắt mới.

Mạng lưới đường sắt Trung Quốc phát triển thần kỳ

Mạng lưới đường sắt Trung Quốc phát triển thần kỳ nhờ chính sách đầu tư vốn và học hỏi công nghệ.

Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRC) cho biết, đến cuối năm 2016, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành hơn 3.200km đường sắt mới, từng bước hoàn thiện tham vọng đưa mạng lưới đường sắt kết nối khắp các tỉnh, thành nước này.

Hết năm 2016, hoàn thành 3.200km đường sắt

Đến cuối tháng 10/2016, 22 dự án thuộc tuyến đường sắt cao tốc có chiều dài hơn 1.200km nối TP Trịnh Châu, Hà Nam với Từ Châu, Giang Tô đã đi vào vận hành. Còn lại 35 dự án khác với hơn 2.000km đường sắt được đầu tư xây dựng mới cũng sẽ hoàn thành trước cuối năm nay, trong đó có những tuyến đường quan trọng như đoạn Quý Dương (Quý Châu) - Côn Minh (Vân Nam) trên tuyến đường sắt cao tốc Thượng Hải - Côn Minh, đoạn Bách Sắc - Côn Minh trên tuyến Quảng Tây - Vân Nam… Với 3.200km đường sắt mới, CRC hy vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2017 lên 7,5%, theo Reuters

Sự phát triển này theo đúng kế hoạch phát triển tới năm 2020 được công bố hồi tháng 7 vừa rồi. Theo đó, Trung Quốc dự kiến mở rộng hệ thống đường sắt lên 150.000km tính đến năm 2020 bao gồm 30.000km đường sắt cao tốc. So sánh với năm 2015 (tổng 121.000km đường sắt, bao gồm 19.000km đường sắt cao tốc), trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tăng 24% chiều dài hệ thống đường sắt nói chung và 58% tổng km đường sắt cao tốc nói riêng.

Để làm được điều này, Trung Quốc đã thành công trong 5 yếu tố: Nhân lực lớn, vốn đầu tư dồi dào, khả năng thu hồi, giải phóng mặt bằng nhanh, học hỏi công nghệ nhanh chóng và cuối cùng là đề ra, bám sát kế hoạch theo từng giai đoạn. Trong đó, kinh nghiệm hút vốn đầu tư dồi dào và phát triển công nghệ nhanh chóng là hai yếu tố nhiều nước cần học hỏi.

Nguồn vốn dồi dào

Theo tờ Shanghai Daily, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã và đang đi đúng hướng để hoàn thiện mục tiêu đầu tư đường sắt năm 2016; Trong đó, 3 quý đầu năm đầu tư 524,3 tỷ NDT (80,1 tỷ USD), tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là đầu tư Nhà nước (517,1 tỷ NDT, tăng 12%). Nhiều người trong ngành cho biết, ngay từ đầu năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến sự nở rộ trong ngành xây dựng đường sắt nên lượng vốn đầu tư vào ngành này năm nay có thể vượt chỉ tiêu 800 tỷ NDT.

Sở dĩ, Bắc Kinh mạnh tay đầu tư vì họ coi việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng trong các lĩnh vực cấp bách là nhân tố quan trọng giúp phát triển kinh tế. “Bất chấp việc kinh tế thế giới phục hồi chậm, đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển. Đối với Trung Quốc, đầu tư sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong duy trì phát triển kinh tế quốc gia”, nhà phân tích Li Kun đến từ Công ty chứng khoản Pingan nhận định.

Ông Hu Zucai, Phó giám đốc Ủy ban Cải cách và phát triển Trung Quốc cho rằng: Sự đổi mới trong đầu tư và cơ chế tài chính là yếu tố quan trọng để phát triển đường sắt bền vững, trong đó nên chú trọng vào cộng tác cả hai bên cùng có lợi, chẳng hạn: Xây dựng đường sắt đô thị giúp tăng giá trị đất dọc tuyến đường ray, qua đó hiệu ứng lan tỏa từ bất động sản sẽ hỗ trợ cho hoạt động của đường sắt đô thị. Cơ chế đầu tư hiện nay của Trung Quốc là kết hợp hài hòa giữa cơ chế kiểm soát và điều chỉnh đầu tư; Thiết lập hệ thống đánh giá hoạt động ngân sách tài chính để quản lý hiệu quả quỹ công…

Bắc Kinh cũng định nghĩa rõ các mục đầu tư của Chính phủ và cho phép tư nhân quyền đầu tư độc lập. Không chỉ vậy, nước này thành lập hệ thống để điều tra rõ trách nhiệm người đưa ra quyết định đối với mỗi khoản đầu tư.

Từ liên doanh đến nắm bắt công nghệ

Ngoài yếu tố vốn đầu tư, sự phát triển thần tốc về đường sắt phần lớn nhờ sự học hỏi và phát triển công nghệ nhanh chóng mặt. Chỉ trong hơn 10 năm (kể từ năm 2004), khi Bắc Kinh công bố chương trình phát triển đường sắt cao tốc; Lúc đó, Bộ Đường sắt kêu gọi đầu tư xây một đường sắt tốc độ cao (200km/h, tối đa 350km/h). Trung Quốc đã mời các công ty nước ngoài bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki (Nhật), Bombardier (Canada), Siemens (Đức) và Alstom (Pháp) để thành lập một doanh nghiệp liên doanh cùng các đối tác Trung Quốc. Tại đây, các bên được yêu cầu cùng chia sẻ công nghệ.

Ba năm sau, lần đầu tiên Trung Quốc ra mắt đường sắt tốc độ cao CRH1A, với tốc độ tối đa đạt 250km/h. Kể từ đó tới nay, các công ty Trung Quốc nắm bắt công nghệ nước ngoài, biến thành công nghệ của riêng mình, thậm chí còn xuất khẩu công nghệ đường sắt ra các nước trên thế giới (Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Thái Lan, Nga…).

Không dừng lại đó, dựa trên nền tảng công nghệ học hỏi từ nước khác, Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư sáng tạo công nghệ đường sắt mới như nghiên cứu hệ thống sức đẩy lai (có thể vừa hoạt động nhờ pin điện và động cơ diesel). Trung Quốc đang ấp ủ thử nghiệm tàu siêu tốc thế hệ mới với tốc độ lên tới 600km/h.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.