Xã hội

Nở rộ phát ấn đền Trần: “Nếu dòng họ nào cũng phát ấn thì… loạn”

19/02/2019, 15:39

Ngoài đền Trần tại Nam Định còn có 5 địa phương khác cũng có hình thức khai phát ấn.

img
Ngoài đền Trần tại Nam Định còn có 5 địa phương khác cũng có hình thức khai phát ấn

Đêm qua, rạng sáng nay 19/2 (Rằm tháng Giêng Kỷ Hợi), hàng nghìn du khách thập phương chen chân dự lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định). Khác với những năm trước, việc trèo rào, đè người, cưỡi cổ để "cướp" được ấn đã không còn diễn ra nhưng tình trạng chen lấn vẫn còn.

Cao điểm nhất vào khoảng 23h55', khi cổng chính đền Trần mở để người dân vào lễ, cảnh xô đẩy chen lấn đã xảy ra, trong khi loa từ phía Ban tổ chức liên tục phát đi thông tin du khách cần cẩn trọng với tài sản của mình, tránh trường hợp bị kẻ gian đánh cắp.

Cùng thời điểm này, tại Đền thờ Trần Hưng Đạo, xã Hà Dương, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cũng tổ chức lễ khai ấn và phát khoảng 10.000 lá ấn đầu năm cho người dân và khách thập phương.

img
Đền Trần tại Thanh Hóa phát ấn cho người dân và du khách

Ngoài ra còn có 4 đền thờ nhà Trần khác cũng có có nghi thức phát ấn gồm: Đền Trần ở Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam).

Theo GS Lương Ngọc Huỳnh, lễ phát ấn đền Trần đang nở rộ khắp nơi và có thể sẽ lan toả trên hầu hết các đền Trần. “Ấn vua là tối thượng, việc phát ấn không đúng danh phận, lại gây nên nạn cướp ấn... làm giảm tính uy nghi, uy quyền của vua Trần là không nên.

Nước ta do Vua Hùng dựng nước và bách gia trăm họ cùng chung tay xây dựng, nhà Trần cũng chỉ là một triều đại như: Đinh, Lý, Lê, Mạc, Hồ, Trịnh, Nguyễn... không nhất thiết phải làm như vậy. Nếu các họ khác cũng tổ chức phát ấn thì ...loạn”, ông Huỳnh phân tích.

Được biết, lịch sử nhà Trần chỉ có một lần định công phạt tội vào tháng 4/1289 sau khi đại thắng quân Nguyên Mông do vua Trần Nhân Tông tổ chức tại Thăng Long. Sau đó không có bất kỳ lễ phát ấn thưởng công nào của các đời vua sau. Lịch sử Việt Nam cũng không ghi chép về việc này.

Từ năm 2000, tỉnh Nam Định bắt đầu tổ chức khai ấn ở phạm vi hẹp không phổ biến, chủ yếu phát ấn cho một vài người là con em Nam Định với cầu mong các vua Trần ban lộc cho học hành đỗ đạt thăng quan tiến chức góp phần làm rạng danh quê hương. Sau đó, tin đồn về một cá nhân tới xin ấn tại đền Trần lên làm quan to được lan truyền nhanh chóng. Tuy nhiên, theo các sử gia, ấn đền Trần có ý nghĩa "Tích phúc vô cương", không hề liên quan đến việc thăng quan tiến chức. Hơn nữa, chiếc ấn này cũng không phải ấn vua.

"Những người đi xin ấn và mua ấn bằng được, thậm chí chen lấn giành giật ấn, cũng bởi lòng tham muốn thăng quan tiến chức, tham quyền cố vị. Vô hình trung việc này đã trở thành nhạo báng anh linh tổ tiên, phạm nghiệp lớn...”, ông Huỳnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.