Tài chính

Nợ xấu ngân hàng vẫn chưa bớt xấu

29/08/2018, 06:57

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn cao hơn...

13

Tổng mức nợ xấu trong hệ thống Tổ chức tín dụng vẫn còn ở mức cao - Ảnh: Tạ Tôn

Một năm, xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) từ 15/8/2017 - 30/6/2018 theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg là 138,29 nghìn tỷ đồng (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các TCTD) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

"Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tạo tiền đề quan trọng thực hiện các chỉ tiêu về xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD mà Quốc hội giao. Tuy nhiên, vẫn còn 54/63 tỉnh, thành phố và 8/12 bộ, ngành chưa có chương trình hành động thực hiện, có nơi đùn đẩy trách nhiệm cho ngành Ngân hàng”.

Ông Nguyễn Hồng Vân
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Về thoái vốn, năm 2017, các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước đã bán cổ phần tại 8 doanh nghiệp và tổ chức khác, thu về hơn 1.290 tỷ đồng. Tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát. Số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống còn 1 cặp vào thời điểm 30/6/2018. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và DN thời điểm 30/6/2018 còn tại 2 NHTM cổ phần với 2 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), công tác xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. “Tuy đến thời điểm 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ giảm còn 2,09% thấp hơn so với cuối năm 2016 (là 2,46%), nhưng lại cao hơn so với cuối năm 2017 (1,99%)”, ông Du nhận định và cho biết thêm: “Tổng nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu tuy đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, hiện đang ở mức 468 nghìn tỷ đồng so với tổng cho vay đầu tư vào nền kinh tế, chiếm khoảng 6,67%”.

Bên cạnh đó, đại diện NHNN cũng thừa nhận việc thực hiện các giải pháp xử lý, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, các thương vụ lớn chưa thực sự phát sinh nhiều. Vướng mắc còn ở việc thực hiện nội dung liên quan đến vấn đề xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản còn dở dang; trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp; quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…

Không để xử lý nợ xấu chậm lại

Về những khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 42, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC, kiến nghị cần điều chỉnh một số quy định pháp lý. Đơn cử, trong Nghị quyết 42 quy định khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo và trong hợp đồng đảm bảo hầu hết đều quy định các khách hàng sẽ bàn giao tài sản đảm bảo nếu không trả được nợ, nhưng lại không quy định đồng ý cho TCTD được thu giữ. “Dù đã có quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo và xử lý tài sản bảo đảm nhưng thực tế qua theo dõi hơn 2.000 vụ việc tại các tòa án thì chưa có vụ nào được xử theo hình thức này. Đây là một bất cập trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42”, ông Đông nêu vấn đề.

Để tháo gỡ các vướng mắc, đại diện VAMC đề xuất cần có thêm nguồn lực về vốn và nhân lực. “VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các TCTD đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này”, ông Đông nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị, thời gian tới, NHNN, các bộ, ngành, địa phương và hệ thống TCTD xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống TCTD về mức an toàn theo thông lệ quốc tế. “Từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu. “Nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất thường. Do vậy, chúng ta càng phải nỗ lực không để xử lý nợ xấu bị chậm lại”, Phó Thủ tướng yêu cầu. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.