Giao thông

Nóng: Phở, cơm, bún, mì... tại Tân Sơn Nhất giảm giá từ 17/7

14/07/2014, 16:39

Chậm nhất đến 16h ngày thứ năm (17/7), tại sân bay Tân Sơn Nhất, 5 mặt hàng thông dụng là nước uống, phở, cơm, bún, mì... sẽ phải giảm giá.

Sáng nay (14/7), Cục Hàng không Việt Nam ủy quyền cho Cảng vụ Hàng không miền Nam (HKMN) chủ trì hội nghị hiệp thương bàn phương án giảm giá dịch vụ phi hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN).

Đại diện Cảng vụ cho biết, chậm nhất đến 16h ngày thứ năm (17/7), tại sân bay Tân Sơn Nhất, 5 mặt hàng thông dụng là nước uống, phở, cơm, bún, mì... sẽ phải giảm giá.

Cảng vụ HKMN chủ trì hiệp thương giảm giá dịch vụ ăn uống tại TSN
Cảng vụ HKMN chủ trì hiệp thương giảm giá dịch vụ ăn uống tại TSN

Tại hội nghị, bà Trần Thụy Minh – Giám đốc Cảng vụ HKMN cho biết, năm 2013 các doanh nghiệp cũng đã hiệp thương lần 2, niêm yết và bán đúng giá, có nhiều cố gắng nhưng chỉ giảm được 5.000đ một bát phở, từ 90.000đ xuống còn 85.000đ. Như vậy vẫn còn cao, cung cách phục vụ có lúc làm khách chưa hài lòng.

Theo bà Minh, hàng không giá rẻ ngày càng phát triển, khách hàng bình dân khá nhiều nhưng không còn doanh nghiệp nào mặn mà bán đồ ăn thông dụng như mì gói vì theo họ không có lãi mà lại tốn nhân công, điện nước, chỗ ngồi. Lưu lại sân bay vài tiếng, hành khách không có sự chọn lựa và buộc phải sử dụng dịch vụ ăn uống tại sân bay vốn có giá cao so với mặt bằng chung.

Nếu các doanh nghiệp không tự giác xem xét giảm giá hợp lý, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu đấu thầu công khai, xây dựng khung giá, chủng loại hàng hóa và áp giá trần, bà Minh khẳng định.

Lý giải việc kinh doanh dịch vụ ăn uống (phi hàng không) tại TSN giá cao, ông Semon Stansfield – Tổng giám đốc Công ty TNHH Autogrill VFS F&B cho biết luôn phải duy trì chất lượng sản phẩm, thường xuyên huấn luyện nhân viên phục vụ…  Giá cả cũng được tham khảo từ nhiều sân bay trong và ngoài nước, các nhà hàng lân cận. Theo ông, sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp nếu bán chỉ duy nhất một loại nước giá rẻ hay tô mì gói vì không có lợi nhuận. 

Công ty này cũng đưa ra tính toán cho giá một bán phở (bò nội) 85.000đ, trong đó giá vốn chiếm 50%, 20-22% là tiền mặt bằng, rồi đến đầu tư thiết bị cao cấp, chi phí điện (giá điện 3 pha cao), nước, nhân công… và cho rằng lợi nhuận chỉ còn hơn 10%.

Giám đốc Trung tâm thương mại của Sasco khẳng định, giá của đơn vị đưa ra là hợp lý mặt bằng chung,  chủ trương của công ty là nuôi dưỡng khách hàng lâu dài với dịch vụ phù hợp. Ngay sau cuộc họp này, công ty sẽ xem xét bổ sung các đồ ăn thông dụng vào thực đơn.

Đại diện công ty cổ phần Sóng Việt cũng thanh minh, 89.000đ/tô bún bò tại nhà hàng Confetti thì giá vốn đã 65%, rằng khu vực ga quốc tế nên mọi thứ đều phải tăng, so với các sân bay trong khu vực là khá hợp lý.

Không đồng tình với giải thích của các doanh nghiệp, kết luận tại Hội nghị hiệp thương, Cảng vụ HKMN yêu cầu chậm nhất là đến 16h ngày thứ 5  (17/7) các doanh nghiệp kinh doanh phi hàng không phải giảm giá ngay 5 mặt hàng thông dụng là nước uống, phở, cơm, bún, mì.

Cảng vụ yêu cầu Tổng công ty cảng HKVN (ACV) tổ chức, xem xét lại toàn bộ giá cả tại Tân Sơn Nhất và các Cảng HKMN; xem xét điều chỉnh theo hướng giảm giá mặt bằng cho thuê trong khi kinh tế chung đang gặp khó khăn, từ đó doanh nghiệp phi hàng không sẽ giảm được giá bán ra.

Đồng thời, doanh nghiệp phi hàng không phải đảm bảo bán hàng ăn uống phục vụ khách theo chuyến bay, bay bị chậm giờ, xem xét lắp đặt các trụ nước uống miễn phí nơi công cộng cho hành khách. Riêng ga quốc tế đã có đầu tư hai trụ nước miễn phí.

Cảng vụ và TSN phối hợp để tăng cường dán thêm số điện thoại đường dây nóng ở các vị trí dễ thấy cho hành khách phản ánh .

Ông Nguyễn Nam Tiến – Phó giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết sẽ triển khai sớm và báo cáo kết quả lên cảng vụ. Tuy nhiên, hiện nhà ga quốc nội đang cải tạo, trong khi lượng khách luôn quá tải nên rất mong được khách hàng cùng cảm thông và chia sẻ.

Minh Nghĩa

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.