Thời sự

Nóng: Xăng ethanol có gây ì, hại động cơ xe không?

10/01/2018, 09:00

Buổi Tọa đàm giải đáp những câu hỏi nóng về ảnh hưởng của nhiên liệu ethanol đối với các dòng xe.

Phong xang E5

 

Từ 1/2018, cả nước chính thức dừng sử dụng xăng RON 92, thay thế bằng xăng Ethanol (E5). Tuy nhiên, hiện nay, không ít người sử dụng ô tô, xe máy còn lưỡng lự khi đứng trước sự lựa chọn loại nhiên liệu mới. E5 có gây hại tới động cơ xe, có tiêu hao nhiều hơn xăng khoáng thông thường? Cần lưu ý gì đặc biệt khi sử dụng?...

Tọa đàm trực tuyến Để người dân không còn e dè với xăng ethanol sẽ là cơ hội để độc giả gửi các câu hỏi cần giải đáp tới các khách mời.

Khách mời tham gia buổi Tọa đàm gồm có: ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương); Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách  Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH-CN); Ông Nguyễn Văn Phương - Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam); Ông Nguyễn Quang Huy, Chuyên viên Vụ KHCN (Bộ GTVT); PGS. TS Phạm Hữu Tuyến – Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong – Viện Cơ khí động lực – ĐH BKHN; Ông Đỗ Hữu Tạo, Trưởng phòng Kỹ thuật xăng dầu Petrolimex; Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA; Ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký VAMA...

Thay anh toan canh (1)

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Trước hết, xin hỏi ông Nguyễn Phú Cường, cơ sở nào để Bộ Công thương trình Chính phủ lộ trình thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 như vừa qua?

Nguyen Phu Cuong

Ông Nguyễn Phú Cường

Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương): Khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định 53 về tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã nêu rõ từ 1/12/2014 sẽ thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 trên 7 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu; 1/12/2015 sẽ thay thế trên phạm vi cả nước. Theo lộ trình đó, đến thời điểm này, chúng ta đã chậm 2 năm 1 tháng so với Quyết định 53.

Tôi muốn nói rằng, lộ trình này không phải mới mà đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ở Việt Nam, những nghiên cứu nhỏ lẻ về sử dụng nhiên liệu sinh học đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trước đó, từ năm 70 Brazil đã phổ cập. Năm 2003, ở Thái Lan đã thay thế xăng E5 ở tất cả các đô thị. Tại Việt Nam, chúng ta là nước thứ 60 có sử dụng Ethanol là một thành phần (ít nhất là 5%).

Xuất phát từ mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm môi trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, các nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Philippines… đều ban hành luật, sắc lệnh về sử dụng nhiên liệu sinh học. Lúc đó, các quốc gia đều phải tìm kiếm nhiên liệu thay thế để góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.

Đầu những năm 2000, Việt Nam bắt đầu có nghiên cứu ở quy mô lớn hơn khi chúng ta, cũng như rất nhiều nước trên thế giới chịu sức ép giá dầu cao trên 100 USD/thùng, Thủ Tướng Chính phủ đã giao Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công thương nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Lúc đó, Bộ Công nghiệp đánh giá tổng thể (bắt đầu từ năm 2005) về khả năng cung ứng, thói quen tiêu dùng. Đến năm 2007, sau khi Bộ Công nghiệp trình Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025, Thủ tướng đã phê duyệt.

Từ 2007 – 2012, sau khi các cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học trong nước đã được sản xuất, cùng đó, kinh nghiệm của các nước được cập nhật. Trên cơ sở tính toán khả năng cung cầu, thử nghiệm trên các loại động cơ có kết quả, Bộ Công thương đã cùng với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu lớn cũng như lấy ý kiến của VAMA, các cơ sở sản xuất chế tạo phương tiện động cơ để đưa ra Lộ trình áp dụng tỷ lệ nhiên liệu phối trộn. Nếu đúng tinh thần của quyết định này, kể cả xăng RON 95 và RON 92 đều phải trộn ít nhất 5%.

Như vậy, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình và đã có thời gian chuẩn bị khá kỹ lưỡng, từ năm 2007. Các đơn vị cũng có hơn 2 năm chuẩn bị triển khai. Ngày 25/6/2017, dựa trên tất cả các kết quả thử nghiệm triển khai ở Đà Nẵng, Quang Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ đã thay thế 100% xăng 92 bằng xăng E5, không xảy ra phàn nàn nào của người tiêu dùng về chất lượng. Trên cơ sở tính toán, kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đã tổng hợp, lấy ý kiến tất cả các Bộ, ngành và Thủ tướng đã kết luận từ 1/1/2018 sẽ thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5. Xăng E5 có nghĩa là trong thành phần của xăng 92 có 5% Ethanol.

Như vậy, từ lúc xuất phát, với nền tảng kinh nghiệm của rất nhiều nước trên thế giới có sử dụng loại nhiên liệu này, chúng ta đã đi những bước rất thận trọng. Hiện chúng ta mới tiến hành thay thế 100% với xăng RON 92.

Theo lộ trình này, xăng RON 95 bao giờ sẽ được phối trộn E5, thưa ông?

Việc chỉ mới thay thế RON 92 bằng xăng E5 mà chưa thay xăng RON 95 thể hiện sự thận trọng của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng chưa đưa ra lộ trình thay thế xăng RON 95. Hiện vẫn còn những ý kiến, luồng dư luận chưa hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của loại nhiên liệu này.

Thận trọng là như thế nào thưa ông, khi nào Việt Nam sẽ áp dụng xăng E10?

Ông Nguyễn Phú Cường: Mục tiêu đầu tiên của việc thay thế xăng RON 92 bằng E5 là góp phần bảo vệ an toàn năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo đầu ra cho nông sản.

Theo lộ trình, chúng ta phải thực hiện E10 từ năm 2016, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo 255 yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành, các nhà sản xuất ô tô… đánh giá tổng thể lại để báo cáo Thủ tướng phê duyệt lộ trình điều chỉnh cho phù hợp.

Một độc giả hỏi: Việt Nam đã đi sau thế giới hàng chục năm về sử dụng xăng nhiên liệu, thực tế đã chậm hơn lộ trình của chính mình đặt ra. Thời điểm hiện tại, giá dầu đã giảm, nhiều nước không còn đi theo xu hướng tăng cường sản xuất xăng E5 nữa. Bộ Công thương có cập nhật tình hình này báo cáo Thủ tướng?

Ông Nguyễn Phú Cường: Trên thế giới hiện nhiên liệu E5 đã hiếm sử dụng. Độc giả này đúng một phần. Định nghĩa E5 là không sử dụng nữa vì tỷ lệ 5% phối trộn chỉ được coi là phụ gia, không gọi là nhiên liệu sinh học (vì nhiên liệu sinh học được hưởng ưu đãi).

Thứ hai, dù thị trường dầu thế giới có thể đã xuống, nhưng xu thế tìm kiếm một loại nhiên liệu có khả năng tái tạo, bảo vệ môi trường là tất yếu. Tất nhiên, có thể không chỉ là nhiên liệu sinh học mà động cơ điện… Tuỳ từng hoàn cảnh của từng quốc gia, từng khu vực, họ có chính sách định hướng khác nhau. Mục tiêu của chúng ta là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. An ninh năng lượng cũng không khác an ninh quốc gia. Mất cân đối năng lượng khó mà ổn định phát triển; Ngoài ra còn bảo vệ môi trường, tạo đầu ra cho nông sản.

Trước khi dùng xăng E5 thay thế RON92 trên toàn quốc, Bộ Công thương cho biết đã có khảo sát và nghiên cứu tác động của xăng này với các loại xe, xin hỏi Đại học Bách khoa đã có nghiên cứu gì về tác động của xăng E5 với các dòng xe cũ?

Pham Huu Tuyen

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến, Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong – Viện Cơ khí động lực (ĐH BKHN): Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu đánh giá việc dùng E5 trên ô tô và xe máy, kết quả được so sánh đối chứng với phương tiện dùng xăng khoáng, kết quả đều cho thấy phương tiện sử dụng xăng E5 và xăng RON 92, thì các tính năng, công suất, khởi động, tăng tốc, tiêu hao nhiên liệu đều tương đương, thậm chí một số chỉ tiêu của xăng E5 còn tốt hơn xăng RON 92.

Đặc biệt, đánh giá thành phần độc hại trong khí thải của xăng E5 thì các thành phần như HC, CO giảm đáng kể, điều đó cho thấy hiệu quả của việc dùng xăng E5 giúp quá trình cháy trong động cơ triệt để hơn, từ đó cải thiện tính năng kỹ thuật động cơ, giảm thành phần phát thải.

Chúng ta biết xăng E5 pha trộn 5% cồn ethanol, còn lại từ cồn có nguồn gốc thực vật như ngô, mía, sắn chủ yếu là sắn. Do đó, khi đốt cháy cồn ethanol thì CO2 được hấp thụ một phần nên dùng cồn này làm nhiên liệu giảm đáng kể CO2. 

Chúng tôi cũng thực hiện thử nghiệm trên các phương tiện, từ phương tiện dùng chế hòa khí đến phương tiện động cơ phun xăng điện tử. Kết quả này tương đồng với các kết quả khác trên thế giới, cho thấy sử dụng xăng E5, E10 đối với các xe đang lưu hành không có vấn đề gì đáng ngại.

Các ông đã thử nghiệm trên bao nhiêu xe?

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Dù không thể làm hết hết vì thực tế có nhiều phương tiện khác nhau nhưng chúng tôi cũng chọn ra các mẫu đại diện xe máy, ô tô để đánh giá. Xin nhắc lại là chúng tôi chỉ thử nghiệm trên các mẫu đại diện thôi.

Ông có bình luận gì về thông tin mới đây Báo GIao thông trích dẫn nghiên cứu từ Australia có một loạt xe cũ được cảnh báo không tương tích hoặc phải có lưu ý đặc biệt khi dùng xăng sinh học?

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Các thông tin từ nhà sản xuất, tôi nghĩ là cần rất cụ thể để đánh giá khi các phương tiện dùng xăng E5. Ta biết xăng E5 rất phổ biến và được dùng khá lâu rồi, với 5% cồn ethanol và lúc này chỉ có tác dụng như phụ gia. Vì vậy, khuyến cáo này cần thêm thông tin chi tiết và cũng cần được lưu tâm. Tuy nhiên, với phương tiện các nhà sản xuất khuyến cáo, theo tôi cũng cần thống kê các phương tiện này số lượng còn bao nhiêu vì các loại xe cũ này số lượng còn cũng rất ít. Nếu như chúng ta vẫn thống kê còn một số lượng xe cũ nào đó thì có thể lựa chọn mẫu để nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

Theo ông, cơ quan nào có trách nhiệm đưa ra khuyến cáo từ kết quả thử nghiệm thực tế với các xe bị ảnh hưởng? 

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Ở góc độ quản lý thì xin hỏi các anh chị có chức năng quản lý thì trả lời chính xác hơn. Nhưng tôi cho rằng các nhà sản xuất cần có khuyến cáo cụ thể về dòng nhiên liệu phù hợp với loại xe mình sản xuất? 

Chúng ta có cả chương trình truyền thông, báo chí cũng ủng hộ lộ trình chuyển đổi sử dụng xăng sinh học E5, tuy nhiên cá nhân tôi không được tiếp nhận thông tin dạng khuyến cáo người tiêu dùng cần lưu ý gì khi sử dụng E5. Nước ngoài từng có khuyến cáo dòng xe cũ không tương thích nhiên liệu này, có thể làm hỏng ống dẫn cao su tự nhiên, bộ chế hòa khí, vòng gioăng… Xin hỏi tại sao Bộ Công thương không đưa ra khuyến cáo này cho người tiêu dùng?

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Bên cạnh đánh giá tính năng kỹ thuật, phát thải... chúng tôi cũng đánh giá ảnh hưởng của xăng E5 với chi tiết động cơ, chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu. So sánh với xăng khoáng 92 trước đây thì thấy mức độ ảnh hưởng là tương đương nhau. Bản thân phương tiện dùng xăng khoáng trước đây sau một quá trình sử dụng cũng có thể có ảnh hưởng, sự cố, trục trặc kỹ thuật. Như vậy, có thể nói rằng dùng xăng E5 cho phương tiện đang lưu hành là hoàn toàn đảm bảo an toàn kỹ thuật. Xăng E5 thì bên cạnh ethanol còn có phụ gia cải thiện chất lượng như phụ gia chống oxy hóa… nhằm đảm bảo chất lượng khi dùng trên phương tiện và an toàn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Phú Cường: Tôi xin góp lời với ông Tuyến. Tôi có đọc bài báo của nhóm nghiên cứu ở Australia trên Báo Giao thông. Nội dung của bài báo này không khác gì với báo cáo của bên anh Tuyến gửi Bộ Công thương, cũng như các tài liệu kỹ thuật của các chuyên gia từ Đức, Hoa Kỳ.

Kết luận quan trọng nhất trong bài báo nêu là xăng E5 không ảnh hưởng gì đến chất lượng của động cơ, không gì khác so với nghiên cứu của các nhà khoa học của các quốc gia khác. Bài báo cũng kết luận đến xăng E10 cũng không ảnh hưởng gì đến động cơ.

Thứ hai, với xăng trên 10% Ethanol mới cần hiệu chỉnh. Đây cũng giống như văn bản mà tôi nhận được từ VAMA.

Báo Giao thông cũng đặt ra vấn đề tại sao không có khuyến cáo cho người dân, tôi xin trả lời, chúng tôi đã biên soạn và in cẩm nang hướng dẫn sử dụng nhiên liệu sinh học gửi các Sở Công thương, doanh nghiệp đầu mối và đăng tải rộng rãi trên trang web của Bộ Công thương, nêu rõ xăng E5 là gì, được phối trộn như thế nào, ích lợi ra làm sao…

Xin hỏi lại ông Nguyễn Phú Cường là thông điệp chính thức của Bộ Công thương với người tiêu dùng có dòng khuyến cáo việc sử dụng xăng E5 có thể ảnh hưởng đến ống dẫn, vòng gioăng hay không?

Ông Nguyễn Phú Cường: Tôi cũng muốn hỏi lại rằng liệu có ai có phương tiện sản xuất từ những năm 1980 mà không thay vòng gioăng và ống dẫn không?

Không có. Nếu 40 năm mà không phải thay thì lý tưởng. Nhưng chắc chắn xe cũ thì đã phải thay rồi và những vòng gioăng, ống dẫn của các đời xe sản xuất sau này đều phù hợp tương thích với xăng E5.

Đây cũng là vấn đề chúng tôi đã học tập kinh nghiệm từ Thái Lan. Đây là nước sử dụng xe máy và xe thế hệ cũ như Việt Nam. Hiện Thái Lan phổ cập E10 và E25. Họ có rất nhiều xe cũ và vẫn sử dụng nhiên liệu này bình thường.

Nếu nhìn tích cực thì không có phương tiện nào sử dụng từ những năm 80 đến nay mà không thay vòng gioăng cả. Đem lý lẽ xe sản xuất từ năm 1980 để nói về năm 2018 thì theo tôi không phù hợp lắm.

Khách đổ xăng E5  (1)

Từ khi xăng RON95 tăng giá, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, lượng người đổ xăng E5 đã tăng hơn tại một số cây xăng nội đô Hà Nội.

Ông có thể nói rõ quy trình giám sát chất lượng xăng E5 ở Việt Nam? 

Nguyen Van Khoi

Ông Nguyễn Văn Khôi

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn Nguyễn Văn Khôi (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH-CN): Về quản lý, chúng tôi có tất cả 19 tiêu chuẩn. TCVN 8063 là tiêu chuẩn quốc gia về quản lý về kiểm định chất lượng bên cạnh đó còn có những tiêu chuẩn đối với lượng ethanol được pha vào xăng. Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn khác liên quan...

Toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn này đã áp dụng theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ - tiêu chuẩn phổ biến nhất hiện nay. Toàn bộ quá trình xây dựng, biên soạn, tiêu chuẩn đều triển khai trên cơ sở, có sự tham gia của rất nhiều bên từ đại diện từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý, Bộ Giao thông vận tải, lấy rất nhiều ý kiến, phản hồi…

Chúng tôi chủ động, ngay từ những năm 2010 đã có nhưng biện pháp triển khai, thí điểm áp dụng thử ở Vũng Tàu trong đó, một số hãng taxi đã xin phép thử nghiệm. Khi áp dụng thí điểm ở 6 thành phố lớn, chúng tôi tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, test nhanh trên thị trường. Theo báo cáo hiện nay, chưa có vụ việc nào hỏng hóc do sử dụng xăng E5. Quy định về hàm lượng E5 đã có từ năm 2015 ở mức khoảng 3%. Chỉ có điều, quy định hiện nay bắt buộc là 4-5% ethanol.

Ông Nguyễn Phú Cường: Tôi xin tham gia thêm với ông Khôi về việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam để quản lý chất lượng xăng E5. Các anh chị có mặt ở đây đều là thành phần của Uỷ ban xây dựng tiêu chuẩn và có đại diện của các nhà sản xuất nhiên liệu, nhà sản xuất ô tô. Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn này cũng liên tục được cập nhật, rà soát để phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng nhiên liệu của Việt Nam cũng phải tương đồng với các nước trên thế giới. Chúng ta mà đưa tiêu chuẩn lạ kỳ quá, cũng chẳng ai làm ra xăng đấy cho chúng ta cả. Chúng ta không thể tự mình đi theo một loại nhiên liệu riêng được.

Còn về quản lý chất lượng, chúng tôi là đơn vị phối hợp thôi, nhưng xăng dầu nói riêng và nhiên liệu nói chung được quản lý chặt chẽ theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá hợp quy chặt chẽ theo lô, hoặc đánh giá theo quá trình tại cơ sở sản xuất. Việc quản lý là nhiệm vụ của Bộ KHCN để đảm bảo tính độc lập khách quan trong quá trình đánh giá sự phù hợp của nhiên liệu vì nhiên liệu là rất đặc thù.

Một bạn đọc hỏi: Nếu pha cồn vào xăng sẽ dẫn đến nhiều tạp chất, dễ bị ô nhiễm, điều này có ảnh hưởng gì đến phương tiện. Cơ quan nào sẽ là đầu mối kiểm tra, thẩm định, chịu trách nhiệm về chất lượng xăng E5?

Ông Nguyễn Phú Cường: Với câu hỏi này, tôi đã vừa trả lời ở phần trên. Bộ KHCN được Chính phủ giao chịu trách nhiệm, cụ thể là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Còn tiêu chuẩn như độc giả nêu là pha cồn có tạp chất, nhưng nguyên nhân gây tạp chất trong nhiên liệu có rất nhiều. Hơn nữa, theo quy định, Ethanol phải có độ tinh khiết đạt 99,5% trở lên mới đạt chuẩn. Tiêu chuẩn này cũng tham chiếu của Hoa Kỳ và EU chứ chúng ta không có điều kiện để đánh giá và nghiên cứu từ đầu.

Áp dụng nhiên liệu mới, các nhà sản xuất thuộc VAMA có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng?

Pham Anh Tuan

Ông Phạm Anh Tuấn

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA: Kết quả khảo sát trong các thành viên VAMA cho thấy cơ bản không ảnh hưởng đối với những xe sản xuất từ 1997. Đối với các loại xe sản xuất trước 1997 có thể có một số ảnh hưởng nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng, độ an toàn của xe.

Cụ thể, trong sách hướng dẫn sử dụng của Toyota Nhật Bản, dòng xe sản xuất từ 1997 tới nay đều có thể sử dụng E5, không ảnh hưởng tới chất lượng của xe. Đối với những dòng xe bán tại Việt Nam chỉ khuyến cáo không sử dụng xăng pha chì và xăng methanol. Vì vậy, có thể khẳng định dùng xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ xe.

Có thể sử dụng xăng ethanol với hàm lượng tối đa 10%, đảm bảo chỉ số octan đúng quy định (tối thiểu từ 91%). Khi sử dụng động cơ có phát ra tiếng gõ máy nhẹ khi tăng tốc hay leo dốc thì nên hỏi lại nhà sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Tại Việt Nam, tới nay chúng ta mới dùng xăng E5 nên không vấn đề. Đối với những dòng xe trước 1997 có thể ảnh hưởng tới động cơ nhưng không tới mức ảnh hưởng tới tính an toàn của động cơ.

Thời gian gần đây, VAMA có nhận được phản ánh của khách hàng về chất lượng nhiên liệu ảnh hưởng đến xe không? Với lộ trình sử dụng xăng E10, ông có ý kiến gì?

Ông Phạm Anh Tuấn: Nhà sản xuất khẳng định, với các loại phương tiện hiện nay, dùng xăng sinh học từ E5 tới E10 đều không có vấn đề đáng lo ngại.

Khi khách hàng phản ánh sử dụng xăng ethanol xe bị ì, khó nổ, các hãng có chính sách tư vấn, hỗ trợ gì?

Ông Phạm Anh Tuấn: Trong tài liệu hướng dẫn sử dụng của các hãng xe đều nêu rõ, khi gặp hiện tượng bất thường, khách hàng nên liên hệ với đại lý của các hãng để nhận được tư vấn và trợ giúp. Tại đây, các đại lý sẽ kiểm tra xem nguyên nhân nào dẫn tới sự cố bất thường của xe. Xe khó nổ, chạy ì chưa chắc đã xuất phát từ nhiên liệu mà có thể do các nguyên nhân khác.

Thưa ông Cường, nhiều người cho rằng việc tăng giá xăng RON95 lên cao thời gian qua như một cách bắt buộc người dân chuyển sang dùng xăng E5. Ông có thể lý giải về điều này?

Ông Nguyễn Phú Cường: Câu này để có câu trả lời chính xác, thì Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương và Vụ Quản lý giá Bộ Tài chính trả lời là hợp hơn. Tuy nhiên, ở đây tôi cũng xin trả lời ngắn gọn thế này: Chủ trương của Chính phủ là khuyến khích sử dụng loại nhiên liệu mới để đạt được 3 mục tiêu mà tôi đã nói ở trên.

Để khuyến khích có nhiều cách. Nhiều nước áp dụng ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích sản phẩm thân thiện môi trường. Giữa xăng khoáng RON 92 và xăng E5 trên cơ sở xăng RON 92 trước kia, Chính phủ dùng chính sách thuế phí để tạo độ chênh. Thời điểm chênh cao nhất là khoảng 1.000 đồng, có lúc chỉ còn 300 đồng… Bình quân là chênh 500 đồng. Khi giá xăng khoảng 15 nghìn đồng/lít, nếu giảm 500 đồng thì giảm được khoảng 3,3%. Như vậy, chúng ta phải sử dụng 95% xăng nền (xăng khoáng 92), đưa thêm 5% Ethanol vào và giá giảm 3,3%.

Thực chất, nhà nước đã dùng công cụ chính sách để tính 3,3% Ethanol đưa vào không được tính vào giá. Ngoài ra, kể cả trong thời điểm tồn tại giữa xăng 92 và xăng 95 thì khoảng chênh giữa 92 và 95 đã là 700 – 800 đồng. Nhưng đây là xăng cùng loại xăng đạt tiêu chuẩn EURO 2. Nhưng hiện tại, xăng RON 95 mà mọi người đang cho rằng giá cao đột biến là xăng tiêu chuẩn EURO 3, và 4. Đây là xăng có tiêu chuẩn khắt khe hơn. Nhiên liệu này ở các nước khác họ cũng bán giá cao hơn vì đòi hỏi công nghệ lọc hoá dầu tốt hơn. Nếu so sánh xăng 95 của EURO 2 và 4 thì trên thị trường thế giới đã chênh khoảng 100 - 200đ/l.

So sánh xăng 95 hiện nay và E5 là không cùng hệ và không hợp lý. Chính phủ không ép dùng xăng E5 mà chỉ khuyến khích bằng giá và giảm thuế, phí. So sánh như thế không khác gì so sánh vận động viên lặn và bơi ông nào nhanh hơn.

Giá bán E5 có sự hỗ trợ của nhà nước, vậy có thể được hiểu là Nhà nước đang bù lỗ cho loại xăng này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Cường: Hiện phí môi trường đang tính cho xăng E5 thấp hơn phí môi trường xăng khoáng 100%. Thứ 2, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có sự khác biệt. Hiện giờ, Bộ Công thương, xuất phát từ đề nghị của rất nhiều bên, đang báo cáo Chính phủ tiếp tục giảm phí môi trường của sản phẩm thân thiện với môi trường là xăng E5. Đây chính là cơ sở tạo độ chênh về giá.

Chúng ta đang tiến tới, với sản phẩm xăng dầu hoàn toàn điều hành theo thị trường có điều tiết của nhà nước bằng các công cụ thuế, phí. Còn bù lỗ hay không thì phải hỏi Cục Giá. Một lần nữa, tôi muốn mọi người không nên so sánh giữa các loại không cùng hệ với nhau. So sánh RON92 thường và 92E5 còn được, chứ đừng so sánh E5 với RON95.

Ông có thể trả lời rõ hơn về việc giám sát, xử lý để đảm bảo việc lưu trữ, bảo quản xăng E5 đáp ứng đúng tiêu chuẩn?

ong Tao (1)

Ông Đỗ Hữu Tạo

Ông Đỗ Hữu Tạo, Trưởng phòng Kỹ thuật xăng dầu Petrolimex: Xăng dầu là một mặt hàng nhạy cảm. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã có đầy đủ. Chúng tôi kiểm soát chặt chẽ: đánh giá tại nhà máy, đánh giá trên hệ thống, kiểm lấy mẫu trên thị trường, kiểm định đạt yêu cầu mới được sản xuất ra thị trường.

Tôi nghĩ có thể yên tâm về việc chất lượng xăng E5.

Đối với bảo quản, Bộ Công thương đã ban hành quy chuẩn QCVN8 2012 liên quan tới các thiết bị, bồn chứa pha chế xăng dầu... cũng đã rất chặt chẽ để đảm bảo chất lượng xăng dầu khi cung cấp ra thị trường.

Một lái xe taxi tên Hoài Trung (Quận Hoàng Mai) hỏi: Tôi đã ủng hộ đổ xăng E5 2 tuần nay và không thấy có vấn đề gì khác biệt so với trước, giá cũng rẻ hơn xăng RON95. Xin hỏi chính sách hỗ trợ giá này có lâu dài hay không hay khi người dân đã dùng quen thì lại tăng giá?

Ông Nguyễn Phú Cường:  Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm khuyến khích dùng xăng nhiên liệu sinh học. Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm phí môi trường với sản phẩn thân thiện môi trường và tăng phí đối với sản phẩm không thân thiện với môi trường. Tôi tin là sẽ không có sự điều chỉnh giá. Tất nhiên, giá xăng dầu phụ thuộc ở 95% xăng nền.

Một độc giả hỏi: Cồn là chất ưa nước và hoà tan rất tốt trong nước. Tôi nghe nói nếu dùng xăng E5 nguy cơ có nước trong xăng rất lớn và nhanh hỏng động cơ đúng không?

Ong Phuong

Ông Nguyễn Văn Phương

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam): Theo thông tin chúng tôi có được từ phía nhà sản xuất, họ cũng có khuyến cáo nhất định. Hầu hết nhà sản xuất đều khẳng định xe của họ sản xuất hiện nay đều đáp ứng với xăng E5, E10. Những xe rất cũ mới bị ảnh hưởng nhất định. Thứ hai, xăng E5, E10 nếu không đi một thời gian dài có thể có sự phân tầng nhất định vì xăng E5, E10 có khả năng hấp thu nước. Tuy nhiên, hiện đều đã có phụ gia để hạn chế việc này.

Một độc giả tên Hà Phương gửi câu hỏi: “Tôi đổ xăng Ron 95 thấy đi bốc hơn là xăng E5. Liệu điều này có cơ sở khoa học không hay chỉ là cảm giác?”

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Ở đây, cảm nhận đi xăng E5 bốc hơn hoặc ỳ hơn hay tốn nhiên liệu hơn… là những  cảm nhận, lo lắng thái quá khi chuyển sang dùng xăng E5.

Những cái chỉ tiêu này chúng tôi đã đánh giá trên các thiết bị chuyên dụng, có đo đạc số lượng, so và cho thấy kết quả dùng hai xăng Ron 95 và E5 tương đương, thậm chí dùng xăng E5 tốt hơn: công suất tăng 3-5%, tiêu hao nhiên liệu cải thiện 2-3%.

Có thể tính toán nhanh là cồn ethanol 100% có nhiệt trị thấp hơn khoáng 33-34%, nhưng ở đây chỉ có 5% cồn pha vào nên nhiệt trị chỉ thấp hơn cỡ 1-1,5% so với xăng Ron 92. Với giá trị này, chưa kể các yếu tố khác mà xăng E5 lợi hơn, người tiêu dùng khó có thể nhận biết máy móc bốc hơn, tiêu hao nhiên liệu hơn vì cái này còn phụ thuộc vào cách thức vận hành, cách thức lái xe có nhịp nhàng hay không vì điều kiện đường tốt, vận hành nhịp nhàng cũng tiết kiệm xăng hơn.

Về vấn đề tiêu hao nhiên liệu, khi dùng xăng E5 có các phụ gia bổ sung giúp quá trình cháy sạch hơn, giảm đáng kể việc HC, CO cháy không hết thì trong xăng. Năng lượng phát ra trong khi dùng xăng E5 lớn hơn RON 92, bù lại phần nào giảm nhiệt trị như trên. Do đó, việc cháy tốt hơn, lợi hơn cải thiện cho tiêu hao nhiên liệu. Việc tiêu hao nhiều hơn trong xăng E5 là cảm nhận chưa có cơ sở. Qua đo đạc thực nghiệm thì việc tiêu hao nhiên liệu của xăng E5 là tương đương xăng RON95.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng vì thực tế xăng RON92 lâu nay đã có 3% phụ gia ethanol. Giờ chỉ tăng lên thêm 2% thành 5%. Và việc tăng này không gây ra các ảnh hưởng xấu tới động cơ có thể ghi nhận được qua quá trình thử nghiệm.

Vậy dùng xăng RON95 có bốc hơn RON92 không, dùng xăng đắt tiền hơn đi có bốc hơn không?

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Ở góc độ động cơ thì dùng 92 hay 95 cần phù hợp động cơ do nhà sản xuất khuyến cáo. Vì chỉ số RON là thông số chống kích nổ của nhiên liệu phù hợp chỉ số nén động cơ, chỉ số nén của mỗi động cơ khác nhau do nhà sản xuất khuyến cáo. 

Có ý kiến cho rằng đổ xăng đắt tiền hơn xe chạy tốt, bốc hơn. Đổ xăng ethanol đi bị ì hơn. Với tư cách đại diện cho các nhà sản xuất ô tô, VAMA có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Phạm Anh Tuấn: Thông tin tôi được biết, Toyota Nhật Bản khuyến cáo nên dùng xăng từ xăng RON 91 trở lên, đảm bảo trị số kích nổ octan. Cũng chưa có cơ sở nào để nói cứ đổ xăng đắt tiền hơn thì chạy bốc hơn. Trên thực tế, các hãng xe đều có khuyến cáo sử dụng loại nhiên liệu phù hợp cho từng dòng xe. Vì vậy, khách hàng nên tuân thủ theo khuyến cáo ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng xe của các hãng. 

ong Chan

Ông Ninh Hữu Chấn

Ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký VAMA: Xin nói thêm về độ bốc của xe. Tôi đã làm trong ngành công nghệ ô tô 20 năm, chơi ô tô hơn 30 năm. Theo tôi biết, xăng RON 92 hay RON 95 thì thành phần hoá học không có gì khác nhau. Chủ yếu là vấn đề kích nổ.

Tuy nhiên, có khuyến cáo của các nhà sản xuất ô tô là động cơ có chỉ số nén thấp hơn 9,5 thì nên dùng xăng RON 92 và cao hơn 9,5 nên dùng RON 95. Tôi cho rằng, đấy là vấn đề kích nổ thôi, còn độ bốc và khả năng chạy trên đường không có gì khác nhau về cơ bản.

Trong trường hợp xe đang sử dụng có vấn đề do nhiên liệu, người tiêu dùng có thể phản ánh đến đâu để bảo vệ quyền lợi của mình?

Ông Phạm Anh Tuấn: Người tiêu dùng có thể liên hệ với các đại lý của các hãng xe để nhận được sự hỗ trợ và kiểm tra.

Một lái xe taxi hỏi: “Tôi đổ xăng E5 và xăng 92 thấy tiêu hao như nhau. Có ý kiến cho rằng E5 hợp với taxi, còn xe cá nhân nếu để lâu không dùng đến thì dễ gây hỏng xe, do cồn trong xăng gây ra đọng nước?”, các chuyên gia có thể trả lời giúp câu hỏi này?

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Cảm ơn câu hỏi của độc giả. Việc cồn hấp thụ nước chỉ là cồn nguyên chất hoặc xăng có tỷ lệ cồn rất lớn. Còn xăng E5 chỉ có 5% ethanol, tỷ lệ rất nhỏ, thêm vào đó có các chất phụ gia hỗ trợ, cải thiện xăng E5, nên cải thiện tính năng của xăng E5 như việc hấp thụ nước, ăn mòn, lắng đọng như 1 số người sử dụng xe lo lắng hoàn toàn không xảy ra. Kể cả vấn đề để xe 1-2 tuần không sử dụng cũng không hề ảnh hưởng gì.

Các phương tiện dùng xăng khoáng trước đây nếu đổ xăng mà không sử dụng trong khoảng 3 tháng thì cũng cần kiểm tra lại hệ thống xem nhiên liệu có lắng đọng nước hay gặp vấn đề gì không chứ không chỉ với xăng E5. Nhưng tất nhiên là tính trong thời gian vài tháng trở nên, chứ trong 1-2 tuần thì cũng không có vấn đề gì.

Theo ông Tạo, xe ít sử dụng, dùng xăng E5 liệu có gặp vấn đề gì không?

Ông Đỗ Hữu Tạo: Khi cung cấp ra thị trường, hệ thống của Petro được trải dài trên toàn quốc, trên nhiều vùng miền, điều kiện thời tiết khác nhau. Chúng tôi đã đánh giá tình hình chất lượng xăng E5 trên nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, kể cả thời tiết khắc nghiệt nhất như khu vực nồm, vùng cao, vùng mưa nhiều, trong thời gian thử nghiệm 3 tháng, chất lượng xăng E5 hoàn toàn không bị đọng nước.

Các cơ sở tổ chức phối trộn xăng E5 phải tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ Công thương, Tổng cục Đo lường về trang thiết bị tồn trữ pha chế tại kho và cửa hàng xăng dầu.

Vậy với xe không dùng trên 3 tháng thì sao? Đổ xăng e5 rồi để lâu không dùng có gây ra hậu quả gì không?

Không có ai để xe 3 tháng không đi cả.

Tuy nhiên trong trường hợp để xe lâu quá không đi, trước khi mang ra sử dụng, dù có đổ loại nhiên liệu nào thì chủ xe cũng cần phải kiểm tra lại xe trước khi vận hành.

Nếu so sánh thấy xăng RON92 và RON95 có độ chênh thì xăng E5 trên nền 92  với xăng RON95 cũng có độ chênh nhất định, điều này là bình thường. Anh Tuyến có đồng tình không?

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Ở góc độ kỹ thuật, mỗi phương tiện, động cơ được thiết kế phù hợp với khả năng kích nổ phù hợp. Động cơ do nhà sản xuất thiết kế, chế tạo và khuyến cáo dùng nhiên liệu nào thì người tiêu dùng nên dùng cái đó sẽ cho hiệu quả hoạt động động cơ tốt nhất.

Trong trường hợp đặc biệt, khi xe hết xăng mà cây xăng không có xăng phù hợp thì có thể dùng tạm xăng khác, còn để đạt hiệu quả tốt nhất thì nên dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Khi đưa ra thị trường loại nhiên liệu mới, quy trình bảo quản có gì khác với xăng cũ hay không?

Ông Đỗ Hữu Tạo (Petrolimex)

Về tổ chức giám sát quá trình phối trộn, Petrolimex đã căn cứ trên tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước để xây dựng tiêu chuẩn, cơ sở riêng của mình. Chúng tôi có yêu cầu kỹ thuật về tạo nguồn riêng với xăng E5 trong quá trình pha chế. Đối với quá trình pha chế, chúng tôi chịu sự giám sát của các tổ chức được chỉ định của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên toàn quốc.

Chúng tôi đã phải đăng ký cơ sở pha chế, nguồn, phương pháp phối trộn,... rồi mới được cấp giấy phép cơ sở pha chế. Sau đó, định kỳ, cơ quan chức năng lấy mẫu trên thị trường để đánh giá chất lượng. Petrolimex hoàn toàn đáp ứng yêu cầu chất lượng khắt khe của Nhà nước.

Từ 2014 -2015, Petrolimex đã tổ chức phối trộn và cung cấp cho 7 thị trường. Một số thị trường Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, chúng tôi cung cấp 100%. Một số thị trường khác được cung cấp theo lộ trình.

Xăng E5 đã được chúng tôi cung cấp từ năm 2014 đến nay, chứ không phải mới được đưa ra thị trường. Suốt quá trình đó, chúng tôi chưa nhận thấy bất cứ phản ánh, phàn nàn nào về động cơ sau khi sử dụng nhiên liệu xăng E5 trên toàn quốc.

Tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 trong gần một tháng qua có sự thay đổi như thế nào? Số người dùng xăng E5 có tăng lên không, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Tạo: Petrolimex đã thực hiện đúng chỉ đạo của nhà nước. Để đánh giá sự thay đổi trên toàn quốc trong thời gian ngắn như vậy thì chưa đủ dữ liệu. Nhưng theo ước tính của chúng tôi, khả năng chuyển dịch sang xăng E5 trong những ngày qua đang ở mức 65%.

Một tài xế taxi đặt câu hỏi: Nếu đang đi xăng E5 chuyển sang Ron 95 và ngược lại có ảnh hưởng tới máy không?

PGS. TS Phạm Hữu Tuyến: Trong quá trình dùng, có lẫn xăng hai loại xăng e5 và RON 95 trong bình cũng không gây ra vấn đề gì với phương tiện và động cơ.

PV Báo Lao động: Cơ quan đăng kiểm trong quá trình kiểm định chất lượng xe, có chương trình đánh giá tổng thể về tác động của xăng E5 với xe hay không?

Ông Nguyễn Văn Phương: Nhiều chuyên gia đã nói về việc này rồi, với E5 tỷ lệ phối trộn cồn quá nhỏ. Trên thế giới đã không dùng E5 mà còn dùng E10, thậm chí đã đến E85. Do vậy, theo quan điểm của tôi không ảnh hưởng gì đến động cơ, kể cả vấn đề cháy nổ. Tất nhiên, tôi nhấn mạnh đây phải là xăng đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn.

Với kiểm định ô tô, chúng tôi có kiểm định khí thải, tuy nhiên người kiểm định không khai báo sử dụng xăng gì. Do đó, kiểm định không thể đánh giá về mức độ tiêu hao nhiên liệu hay khí thải cũng như sự gây hại của xăng này (nếu có) với phương tiện. Tuy nhiên, một số tổ chức độc lập cũng đã có đánh giá rồi.

Kết thúc tọa đàm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.