Bạn cần biết

Nữ bác sĩ cứu ngư dân giữa biển Hoàng Sa, Trường Sa

08/03/2017, 18:22

BS. Phạm Thị Ánh Hồng không ít lần theo các tàu cứu hộ, cứu nạn “đạp sóng” trực chỉ đến vùng biển Hoàng Sa...

8

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng tư vấn cấp cứu

Hơn chục năm gắn bó với nghề y, BS. Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng không ít lần theo các tàu cứu hộ, cứu nạn “đạp sóng” trực chỉ đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cứu ngư dân gặp nạn.

Ứng cứu từ ICOM đến hiện trường

Tít, tít, xẹt, xẹt! Tiếng máy điện đàm phòng trực Tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng rền vang. “Có ca trợ giúp trên biển” - vừa nhận thông tin, BS. Hồng vội “nối máy” Đài thông tin duyên hải miền Trung. Thông tin báo về một ngư dân bất ngờ phình bụng, đau dữ dội, không tiểu tiện mấy ngày nay. “Trước hết, em chườm nước nóng lên bụng xem có đỡ không và báo lại ngay cho chị nhé”, BS. Hồng không quên nhắc lại 3 lần với giọng nhẹ nhàng. Theo nữ bác sĩ này, việc cấp cứu sơ bộ cho ngư dân thông qua đài ICOM không hề dễ dàng. Ngoài kinh nghiệm, mình phải tiên lượng, phán đoán tình thế phù hợp. Ngoài khơi khác hẳn với đất liền, sai sót và chậm trễ sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó khắc phục được. Thông tin qua ICOM cũng câu được, câu mất nên khi tư vấn phải rõ ràng, cẩn trọng, hỏi lại kỹ càng xem ngư dân, cán bộ hỗ trợ đã hiểu chưa, có đầy đủ trang thiết bị không.

Với những đóng góp của mình, BS. Phạm Thị Ánh Hồng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Cục Hàng hải Việt Nam và Trung tâm Phối hợp cứu nạn hàng hải Việt Nam trong công tác cứu nạn. BS. Hồng cũng nhận được giải thưởng “Tỏa sáng blouse trắng” do UBND TP Đà Nẵng trao tặng.

Chờ đợi phản hồi từ các ngư dân, BS. Hồng cũng chuẩn bị để sẵn sàng cho chuyến hành trình "đạp sóng" ra trùng khơi trong điều kiện khẩn cấp. “Tàu cứu hộ đã đợi sẵn ở cầu cảng, nếu sau 3 tiếng bệnh nhân không thuyên giảm theo cách sơ cứu, chúng tôi sẽ trực tiếp ra khơi”, BS. Hồng nói. Duyên nợ nghề y đến với BS. Hồng như sự sắp đặt sẵn của số phận. 30 năm trước, nhờ những bác sĩ tận tâm mà cha chị đã vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo, khiến chị quyết định theo nghiệp trị bệnh cứu người. Năm 1990, chị Hồng về công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng và gắn bó với lĩnh vực cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng hơn chục năm nay.

Chuyện nghề, chuyện đời với người làm công tác cấp cứu như chị Hồng thấm cả những nỗi buồn vui. Tính ra nữ bác sĩ này có 50 lần vượt sóng cứu ngư dân. Nhưng chuyến nào chị cũng đi trong bất ngờ, chỉ kịp gọi điện báo cho gia đình. “Mình chỉ có 15 phút, chẳng kịp chào ai, chỉ gọi điện về nhà báo thôi. Đi riết cũng quen”, giọng chị bình thản.

9
Bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 làm nhiệm vụ trên biển

Bác sĩ của ngư dân, biển đảo 

Chị Hồng kể, năm 2006, lần đầu tiên theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) đóng tại Đà Nẵng ra khơi cứu ngư dân Quảng Nam bị ngã chấn thương sọ não. Dù được “tôi luyện” trên xe cấp cứu ở đất liền nhưng lần đầu theo tàu ra biển khiến chị say sóng, choáng hết cả người. Thuyền chao đảo liên tục, chị Hồng nôn thốc tháo tưởng chừng phải nhờ mọi người “cấp cứu lại”. Nhưng vừa thấy bóng dáng tàu ngư dân, thấy người gặp nạn trong cơn đau đớn, chị Hồng quên hết mệt mỏi, bắt tay ngay vào ứng cứu. “Sợ nhất là những lần ra khơi giữa bão tố, thiên tai, việc cấp cứu lại càng khó khăn gấp bội. Tàu lắc lư như đánh vật với con người. Trên đất liền khó 1 thì ở đây khó 10. Làm phải nhanh, gọn, dứt khoát thì mới được”, chị Hồng nói. Không chỉ cấp cứu cho những ngư dân Việt Nam, chị Hồng cũng từng nhiều lần ra khơi chữa trị cho các thuyền viên của các tàu vận chuyển nước ngoài không may bị nạn.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, dù chưa được giao nhiệm vụ chính thức nhưng do tính cấp bách, nhân văn, Trung tâm Cấp cứu 115 đã tham gia phối hợp với các đơn vị để triển khai ứng cứu ngư dân, người gặp nạn trên biển. Tính từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã thực hiện được gần 70 chuyến ra khơi cấp cứu. Con số này tăng đều qua từng năm. Riêng năm 2016, trung tâm đã thực hiện gần 20 nhiệm vụ. Mỗi chuyến đi như vậy phải mất từ 2-3 ngày. Thông thường, khi đến nơi cứu hộ, tàu SAR 412 dừng cách tàu ngư dân vài trăm mét để tránh việc va chạm. Những nhân viên y tế như chị Hồng phải tiếp cận bằng cano, xuồng. “Ban đầu, thấy công việc vất vả, bị say sóng người rạc đi, gia đình có ý can ngăn. Nhưng mình làm vì cái tâm, trách nhiệm công việc nên rồi mọi người đều chia sẻ”, chị Hồng tâm sự.

Không chỉ cứu nạn, BS. Phạm Thị Ánh Hồng đã đề xuất với Sở Y tế Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp dạy sơ cấp cứu cho ngư dân. Đến nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm Cấp cứu 115 mở 8 lớp học sơ cấp cứu, thu hút trên 200 ngư dân tham gia. “Mỗi chuyến cấp cứu, thấy ngư dân khỏe lại ai cũng mừng. Có người biếu mấy con cá vừa đánh bắt làm quà. Dân dã nhưng nhiều ý nghĩa. Anh em bác sĩ của trung tâm vẫn quyết tâm bám biển với ngư dân. Đặc biệt, mỗi lần ra với biển trời Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền của Tổ quốc đều mang lại những cảm xúc rất thiêng liêng”, BS. Hồng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.