Chất lượng sống

Nụ cười đón Tết ở rốn lũ Quang Kim

21/01/2017, 06:12

Trở lại xã Quang Kim sau 4 tháng cơn lũ lịch sử qua đi, mùa thu hoạch nông sản lại tới...

17

Người dân xã Quang Kim hăng say thu hoạch mùa vụ

Trở lại xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) sau 4 tháng cơn lũ lịch sử qua đi, mùa thu hoạch nông sản lại tới, người người vui vẻ chuẩn bị đón Tết... Thật không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục trước nghị lực vươn lên trong khó khăn của đất và người nơi đây.

Sắc xanh phủ trên những cánh đồng

Sáng 17/1, PV Báo Giao thông có dịp trở lại xã Quang Kim (huyện Bát Xát), nơi chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ bất ngờ tràn về ngày 5/8/2016. Trên những cánh đồng bị bùn cát cùng đá phủ kín sau cơn lũ dữ, tưởng chừng không thể trồng cấy được nữa, nay người dân đang hăng say thu hoạch nông sản.

Bà Vàng Thị Đáy (thôn làng Toòng, đội 6, xã Quang Kim) đang cùng các con thu hoạch khoai trên thửa ruộng của gia đình nhớ lại: Ngày 5/8/2016, sau khi nhận được thông báo của chính quyền về hoàn lưu cơn bão số 2 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn xã, bà cùng các con đã nhanh chóng đưa trâu bò, thóc gạo lên quả đồi sau nhà. Nhờ đó, tài sản không bị thiệt hại quá nhiều, nhưng toàn bộ diện tích lúa mới trồng trên ruộng của gia đình đã bị nước lũ cuốn sạch.

Theo thống kê, sau trận lũ lịch sử (ngày 5/8/2016), xã Quang Kim có 70 hộ dân ở các thôn, bản của xã bị ngập nhà cửa; 120ha lúa (chiếm 80% diện tích lúa toàn xã) và 200ha hoa màu bị ngập úng hoàn toàn. Ngoài ra, rất nhiều hộ dân bị thiệt hại về chăn nuôi, hư hỏng tài sản… Cầu treo ở thôn Làng San trị giá khoảng 3 tỷ đồng cũng bị lũ cuốn trôi.

“Nhờ chính quyền xã hỗ trợ cho mượn 1ha đất ruộng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ giống khoai, phân bón. Đến giờ, khoai trồng đã cho thu hoạch khoảng 7-8 tấn. Khoai thu hoạch tôi mang ra chợ Cốc Lếu bán, mỗi kg được 9-10 nghìn đồng, hiện gia đình đã có đồng ra, đồng vào để sắm đồ đón Tết”, bà Đáy vui vẻ cho biết.

Cách đó không xa, hai vợ chồng anh Vùi A Lùi (thôn Làng Kim 2) vừa thu hoạch ngô, vừa cười nói vui vẻ. Cầm bắp ngô trên tay, anh Lùi xúc động cho biết, 4 tháng trước, sau khi lũ rút, chứng kiến cảnh đồng ruộng hoang tàn chỉ toàn bùn đất, cả thôn ôm nhau khóc. “Ngày đó, 0,5ha đất trồng lúa của gia đình tôi cũng bị bùn phủ dày tới 40-50cm, trong đầu đã từng nghĩ trồng ngô chắc gì đã lên được rồi lấy gì nuôi sống gia đình, vợ con. Sau khi được chính quyền động viên, cho mượn thêm 1,5ha đất để trồng ngô, đến giờ 2ha ngô đang cho thu hoạch những bắp to, chắc hạt, dự kiến cả thửa ruộng sẽ thu hoạch được 10 tấn, mang lại thu nhập khoảng 60 triệu đồng cho gia đình. Nghĩ đến vợ chồng tôi cảm thấy quá tuyệt vời, giống như phép màu kỳ diệu. Tết này nhất định sẽ thịt lợn để ăn Tết cùng bà con”, anh Lùi phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Văn Lực, Phó chủ tịch xã Quang Kim cho biết, sau trận lũ lịch sử, xã Quang Kim là một trong những địa phương thiệt hại nặng nhất. Hàng trăm hécta đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và hệ thống trang trại bị phá hủy. Tuyến đường nội đồng dài 6km của xã bị bùn đất vùi lấp cao tới 1m, giao thông ách tắc. Chứng kiến cảnh tượng Quang Kim khi đó, nhiều người đã nghĩ, phải mất vài năm người dân nơi đây mới có thể khôi phục sản xuất. Thế nhưng, vượt lên khó khăn, chính quyền xã đã huy động lực lượng tại chỗ cùng nhân dân chung sức san gạt đất bùn, thông đường, tu sửa để giúp giao thông thuận lợi, phục vụ khôi phục sản xuất.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, của UBND tỉnh Lào Cai, những khu chăn nuôi, trồng rau chất lượng cao, trồng khoai, trồng ngô xuất hiện. “Dự kiến, 26ha khoai sẽ cho thu hoạch khoảng 300 tấn. Chính quyền đang tìm kiếm nguồn thu mua giúp bà con. Một số hộ dân thu hoạch khoai đã mang ra chợ bán để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, mua sắm đồ dùng, chuẩn bị đón Tết”, ông Lực nói thêm.

18

Người dân thôn làng San 1 vui vẻ cùng nhau chuẩn bị đón Tết

Cùng nhau đón Tết

Cách trung tâm xã khoảng 5km, chạy qua đoạn đường núi với những khúc cua hiểm trở, chúng tôi tìm đến nhà chị Lý Thị Chắn (thôn làng San 2). Trận lũ dữ đầu tháng 8 đã vô tình cuốn trôi ngôi nhà bên bờ suối của gia đình chị, toàn bộ đồ đạc, tài sản trong nhà đều theo dòng nước lũ bỏ đi. Trắng tay sau lũ, được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, chính quyền xã hỗ trợ 5 triệu đồng cùng vay mượn 30 triệu đồng, lại được người dân chung tay giúp sức, gia đình chị đã dựng được căn nhà rộng khoảng 60m2 trên quả đồi phía sau ngôi nhà cũ.

Từ nhà chị Chắn nhìn xuống, con đường giữa làng San 2 đang được người dân chung sức xây dựng. Ông Lực cho biết, toàn bộ chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng con đường này do một người của địa phương tài trợ, những người còn lại trong làng góp công, góp sức để làm, ai cũng mong muốn đường đi thuận lợi sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Rời nhà chị Chắn, chúng tôi đến nhà văn hóa thôn làng San 1, người dân trong thôn đang vui vẻ nói cười, cùng nhau thịt lợn, mổ gà để ăn Tết tập trung. Anh Đoàn Trung Hiếu, Bí thư Chi bộ thôn làng San 1 cho biết, những năm gần đây, người dân các thôn trong xã Quang Kim thường tổ chức Tết tập trung để cùng nhau đón Tết. Trong lúc người lớn hào hứng chuẩn bị Tết, trước sân nhà văn hóa, trẻ em trong thôn lại nô nức chơi những trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê… Giờ đây, nụ cười đã trở lại trên mảnh đất được mệnh danh “rốn lũ” những ngày đầu tháng 8/2016.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.