Chuyện dọc đường

Nữ doanh nhân cần hỗ trợ

08/03/2016, 19:40

Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tính sáng tạo, khả năng thích nghi cao hơn nhưng còn chưa được quan tâm.

14
Là chủ DN nhiều lao động nữ, khó khăn của chị em còn tăng lên nhiều lần - Ảnh: K.Linh

Tại Hội thảo phát triển của doanh nghiệp cung ứng do phụ nữ sở hữu tổ chức mới đây tại TP. HCM, nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Walmart cho biết, năm 2016 sẽ mua khoảng 24 tỷ USD hàng hóa từ các nhà cung ứng trên toàn cầu do phụ nữ làm chủ, hoặc có lực lượng lao động là phụ nữ chiếm đa số.

Bà Jocelyn Tran, Giám đốc cấp cao Khu vực Đông Nam Á của Walmart Global Sourcing lý giải: “Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tính sáng tạo, khả năng thích nghi cao hơn và họ cũng sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới nhiều hơn”.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), số doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và điều hành chiếm khoảng 25 - 35% tổng doanh nghiệp tư nhân trên toàn thế giới. Cơ quan này cho rằng, nếu lực lượng phụ nữ và số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gia tăng mức ngang bằng với nam giới thì có thể cải thiện thu nhập trung bình thêm 20% tại Trung Đông và Bắc Phi, 19% tại Nam Á và 12% tại châu Mỹ La tinh. Đặc biệt nếu phụ nữ là nông dân ở các nước đang phát triển có cùng cơ hội tiếp cận với các nguồn lực như nam giới, họ có thể tăng năng suất nông nghiệp lên 20 - 30%, từ đó giúp giảm tỷ lệ thiếu đói từ 12 - 17%.

Tuy nhiên trên thực tế, không nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dành mối quan tâm cho những doanh nghiệp có yếu tố nữ như tập đoàn Walmart. Mặt khác, việc tiếp cận các chính sách, điều kiện phát triển nữ doanh nhân ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn nhiều thách thức. Không ít quy định, thủ tục chưa được khơi thông và một số ưu đãi trợ giúp chưa đến được đối tượng này. Đó là chưa kể những rào cản đến từ định kiến theo hướng phân biệt đối xử, bất bình đẳng với phụ nữ, nhất là ở những quốc gia mà bất bình đẳng giới vẫn tồn tại như Việt Nam.

Ở nước ta, các doanh nghiệp do nữ quản lý đang tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu lao động, trong đó có 0,75 triệu lao động nữ; nộp ngân sách 61,8 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản 3.858 tỷ đồng. Mặc dù vậy, doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam chỉ chiếm 25%, mới bằng một nửa so với tỷ lệ này tại Mỹ. Đáng lưu ý, quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ phụ nữ làm quản lý càng giảm.

Nguyên nhân theo các nghiên cứu là do phụ nữ gặp nhiều khó khăn về thời gian, khả năng giao tiếp, trình độ, tài chính… hơn so với nam giới, trong đó, eo hẹp về mặt thời gian là vấn đề hàng đầu.

Chia sẻ vấn đề này, một chuyên gia của Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong đúc kết hình ảnh: “Khi 30 tuổi, doanh nhân nữ đến văn phòng làm việc với bụng bầu, tay điện thoại; còn nam thì thảnh thơi vừa máy tính vừa cà phê. Khi hơn 30 tuổi, doanh nhân nữ vừa cho con bú vừa điện thoại, còn doanh nhân nam vẫn thảnh thơi máy tính và cà phê. Khi 50 tuổi, hình ảnh doanh nhân nữ gắn với gia đình và con cái, trong khi hình ảnh của nam doanh nhân vẫn không thay đổi. Trong suốt quá trình, doanh nhân nữ vừa lãnh đạo doanh nghiệp vừa gắn với sinh con, chăm con, chăm gia đình. Đó là sự khác biệt không hề nhỏ”.

Do vậy, để mở rộng quy mô, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có nữ làm chủ, cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ như cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực, bồi dưỡng, đào tạo doanh nhân nữ... Tại nhiều nước trên thế giới đều có những chính sách hỗ trợ thiết thực mà chúng ta có thể tham khảo, như Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phụ nữ miễn phí khi tìm hiểu về các quy trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ phụ nữ thiết lập mạng lưới kết nối của riêng mình qua một trang web chung. Hay như ở Hàn Quốc và Malaysia hỗ trợ các doanh nghiệp nữ tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.