Pháp luật

Nữ sinh đánh nhau nỗi đau người lớn

15/01/2016, 08:01

Clip nhóm 4 nữ sinh đánh tơi tả một nữ sinh lớp 7 trước sự chứng kiến cổ vũ của nhiều học sinh khác...

14
Nữ sinh Huế đánh hội đồng bạn học. Ảnh cắt từ clip

Clip nhóm 4 nữ sinh trường THCS Trần Phú (Huế) đánh tơi tả một nữ sinh lớp 7 trước sự chứng kiến cổ vũ của nhiều học sinh khác lập tức trở thành tâm điểm dư luận ngay sau khi được tung lên mạng.

Cô hiệu trưởng nhà trường thốt lên: “Tôi quá sốc khi một học sinh bị đánh hội đồng ngay trong trường học. Đau xót quá!”.

Phụ huynh của 5 nữ sinh liên quan tới vụ việc cũng sững sờ. Trao đổi với báo chí, đa số đều không lý giải nổi tại sao con mình lại có thể đấm đá túi bụi, đánh bạn hộc máu mũi ngay trong sân trường chỉ vì... nói xấu một thành viên trong nhóm.

Hầu hết tất cả chúng ta cũng không thể giải thích được. Lâu lâu lại có một vụ đánh hội đồng trong lớp, trong trường, mà đa số lại là nữ sinh.

Chúng ta lập tức kêu trời và yêu cầu nhà trường kỷ luật học sinh đánh bạn, yêu cầu truy thật nhanh học sinh nào đã tung clip lên mạng để xử lý. Một bộ phận nào đó trong chúng ta cảm thấy hài lòng khi có những em bị đình chỉ học hoặc xếp hạnh kiểm yếu.

Xin đừng chĩa mũi dùi vào bọn trẻ. Cần kỷ luật hay cần nhiều tình thương và thời gian hơn cho những nữ sinh đó?

Những nhà giáo dục đã chỉ ra có 3 tác động cơ bản hình thành tính cách của trẻ em: gia đình, trường học và môi trường xã hội. Tâm hồn cao thượng hay cái nhìn vô cảm, hành xử côn đồ của con trẻ được hình thành từ đâu? Chúng bị ảnh hưởng gì khi hàng ngày chứng kiến bạo lực, sự thiếu trung thực đâu đó vẫn xuất hiện trong từng gia đình và ngoài xã hội?

Ngay trong vụ việc vừa qua tại Huế, lãnh đạo Trường THCS Trần Phú phải thừa nhận quá xót xa vì vụ đánh bạn xảy ra tại trường và việc hàng chục em khác vô cảm đứng cười đùa nhìn bạn bị hành hung khiến nhà trường phải xem lại cách giáo dục đạo đức cho học sinh.

Tôi lại cho rằng, nhận thức của nhà trường là chưa đủ, mà tất cả phụ huynh, hãy tự hỏi con mình sẽ làm gì khi gặp tình huống như vậy. Và chúng ta cần xem lại mình đã giáo dục con cái thế nào? Hãy dành thời gian nhiều hơn nữa cho con trẻ, dù chúng ở tuổi vị thành niên hay mới chập chững tới trường. Không một hành vi xấu xa nào không có nguyên nhân. Việc của người lớn là ngăn chặn nguyên nhân chứ không phải đuổi theo kỷ luật một đứa trẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.