Xã hội

Nước mắt nông dân sau những ngày mưa bão

19/07/2017, 11:01

Nông dân các tỉnh miền Trung lại phải căng mình để cứu lúa trước ảnh hưởng của cơ bão số 2 gây ra.

Nước ngập trắng trên cánh đồng trước xóm 3, xã Phú

Nước ngập trắng trên cánh đồng trước xóm 3, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Ảnh Sỹ Hòa)

Mất mùa chưa qua, thiên tai lại tới

Bão đã qua, nhưng đến chiều ngày 17/7, trên nhiều đồng lúa thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, nước vẫn ngập băng, nhiều điểm nước ngập sâu, lúa chỉ trồi lên 1 tí trên ngọn.

Ông Nguyễn Văn Sửu, trú ở xóm 3, xã Phú Lộc lắc đầu: Vụ Hè Thu này nhà tôi làm 8 sào thì có đến 4 sào bị ngập nước. Nước ngập khiến bùn đất bám vào lá lúa. Khi nước rút tới đâu thì đất sẽ tì lá đổ sập xuống tới đó khiến cây lúa không phát triển được. “Có lẽ chưa có năm nào mà chúng tôi khốn đốn như năm nay. Vụ Xuân 8 sào thì 2 sào gần như mất trắng vì dịch bệnh, giờ Hè Thu lại gặp mưa bão”, ông Sửu ngao ngán

Ở các xã Thượng Lộc, Thuần Thiện, Song Lộc, thị trấn, Gia Hanh, Kim Lộc… (thuộc huyện Can Lộc) tình trạng ngập úng cũng xảy ra phổ biến. Theo thống kê, Can Lộc là địa phương có diện tích lúa ngập nước nhiều nhất cả tỉnh, với 2008,5ha.

Trước khi cơn bão số 2 ập vào bờ, người nông dân Hà Tĩnh vẫn chưa hết bàng hoàng trước “cơn bão mất mùa” mang tên Thiên Ưu 8. Theo đó, vụ Xuân 2017, tỉnh Hà Tĩnh gieo hơn 58.000ha lúa, trong đó Thiên Ưu 8 gần 18.000ha (chiếm 31,2% tổng diện tích). Tuy nhiên, đến cuối vụ, toàn tỉnh có đến 21.500ha lúa bị bệnh đạo ôn, trong đó trong đó có 12.000ha lúa Thiên Ưu 8 bị mất trắng hoàn toàn. Đợt dịch bệnh này khiến người nông dân mất trắng hơn 100.000 tấn lúa, trị giá khoảng 600 tỉ đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gấp rút trích gần 34 tỷ đồng từ ngân sách “ứng cứu” người nông dân.

Ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Hanh, huyện Can Lộc lo lắng: Vụ Xuân vừa rồi xã có 65/415ha lúa bị bệnh đạo ôn, so với bình quân chung các giống lúa khác thì địa phương mất trắng 200 tấn (ước khoảng 1,2 tỷ đồng). Là 1 trong những xã có vị trí cao nhất, nhưng mưa bão số 2 cũng khiến khoảng 170/410ha lúa bị ngập.

Là địa phương đứng thứ 3 về diện tích lúa ngập của cả tỉnh (1027ha), ông Lê Quang Vinh – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cũng cho hay: nước ngập chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới quá trình quang hợp và bộ rễ của cây lúa, năng suất sẽ giảm.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khuyến cáo: “Hiện tại, lúa trên địa bàn Hà Tĩnh đang vào giai đoạn hình thành đòng. Người dân và chính quyền địa phương phải tìm mọi phương án để tiêu úng cho lúa. Sau khi nước rút, người dân phải theo dõi sát quá trình sinh trưởng rồi tùy tình hình từng nơi để bón phân đón đòng cho lúa”.

Ngô đang trổ đòng nhổ cho bò ăn

Tại Quảng Bình, mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 cũng đã khiến hàng trăm ha hoa màu trên địa bàn huyện Tuyên Hóa bị ngập sâu trong nước lũ.

Ông Hoàng Văn Hoá, Trưởng thôn Đông Thuận, xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hóa cho biết, 80ha diện tích hoa màu (lúa, ngô, đậu xanh...) của thôn đều đã bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn, người dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Nhiều hộ đã phải bứt ngô về cho trâu, bò ăn.

"Đúng thời điểm lúa đang trong thời kỳ làm đòng, ngô vào kỳ trổ cờ, còn đậu xanh vừa mới kết hạt... mà lại bị ngập hoàn toàn trong nước lũ thì người dân năm nay đói là cái chắc", ông Hoá buồn bã nói.

Ở thôn bên cạnh, anh Trần Văn Lành (thôn Đông Hoà, xã Mai Hoá) cũng đang dở khóc dở cười vì phải bứt hết số ngô vụ Hè Thu về cho bò ăn. Anh Lành than thở: "Thời tiết năm nay thất thường quá. Mọi năm vào thời điểm này đã có mưa lũ như vậy đâu. Đúng thời điểm mấy sào ngô của gia đình tôi đang kỳ làm đòng và trổ cờ thì bị ngập đến ngọn, rồi gãy đổ... Bây giờ mà để vậy cũng chẳng được gì nữa, chúng tôi đành bứt về cho bò ăn. Vụ này coi như mất trắng rồi còn đâu".

Tình cảnh này cũng đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ông Lò Văn Toản (40 tuổi), ở bản Păng, xã Sơn Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Nhà tôi có hơn 1 ha lúa vừa trồng và 1ha ngỗ, khoai, sắn bị nước lũ cuốn trôi mất. Nhà có ao cá đang chuẩn bị bắt đi bán thì cũng bị trôi. Giờ chẳng biết phải làm sao nữa”.

Ông Lương Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Sơn Lư cho hay: “Khi nhận thông tin về bão thì chúng tôi đã huy động lực lượng để tuyên truyền nhắc nhở người dân phòng tránh bão. Trên địa bàn không xảy ra thiệt hại về người và nhà ở. Nhưng có 13,7 ha lúa cộng hoa màu và 15 ao cá bị trôi sông. Ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng”.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.