Hồ sơ tài liệu

Nước Pháp chia rẽ vì phá dỡ trại tị nạn Calais

27/10/2016, 08:38
image

Pháp - một trong những “đồng minh” của Đức trong kế hoạch đối xử nhân đạo với người nhập cư khắp châu Âu.

nguoi
Người di cư xếp hàng để đăng ký bên ngoài trung tâm tiếp nhận tị nạngần trại Jungle hôm 25/10

Thế nhưng, với việc cho dỡ bỏ khu trại tị nạn ở Calais, chuyển người tị nạn đến nhiều địa phương khác khiến nước này đang phải đối mặt với làn sóng phản đối…

Biểu tình chống người di cư

Những cuộc biểu tình nổ ra tại một ngôi làng ở thị trấn ngay Croisilles trước khi dòng người di cư xuất hiện. Ngôi làng khoảng 1.900 dân và cách Calais khoảng 80 dặm, nơi sẽ đón nhận những người di cư đến từ trại Jungle, theo New York Times.

“Chúng tôi ghét họ!”, “Đây là nhà của chúng tôi” - Dòng người cứ vừa đi vừa hô vang như thế, họ bước qua những ngôi nhà tối tăm, những trại dưỡng lão bị bỏ hoang - nơi ở của những người di cư đến từ khu trại Jungle, bước qua cả khuôn mặt ngỡ ngàng của một thanh niên di cư người Sudan đang áp vào cửa sổ và không hiểu chuyện gì xảy ra. Trên khắp nước Pháp, những cộng đồng người bản xứ nhỏ lẻ như thế này đang phải đối mặt trực tiếp với cuộc khủng hoảng di cư châu Âu.

Hôm 25/10, giới chức bắt đầu dỡ bỏ khu trại Jungle của người tị nạn ở gần thị trấn cảng Calais, miền Bắc nước Pháp. Khu trại này còn được gọi một tên khác là “Rừng Calais”. Hầu hết những người cư trú tại đây đến từ Afghanistan, Sudan và Eritrea. Họ sống tạm bợ trong nhiều năm với hi vọng có thể đi từ Pháp sang Anh - “miền đất hứa” trong tâm tưởng. Nhà chức trách Pháp thống kê được khoảng 4.000 người di cư, trong đó có 772 trẻ vị thành niên đã trú ngụ ở khu trại Jungle cho đến nay, và đã đến lúc phải thiết lập lại trật tự ở khu vực này. Loạt xe buýt chở hàng trăm người di cư đến những nơi cư trú mới trên toàn nước Pháp, tất nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là tạm thời. Những di dân sẽ ở lại các khu nhà tạm từ 3-6 tháng; trong khi chờ được xét đơn xin tị nạn. Không ít người trong số họ sẽ bị từ chối.

Tất nhiên, không hẳn mọi người dân trong ngôi làng cách Calais 80 dặm đều tỏ ý “không chào đón” người di cư. Tại các khu nhà dưỡng lão nơi 30 người di cư đầu tiên đến vào tối 24/10, có một đội tình nguyện viên trẻ mỉm cười chào đón những thanh niên trẻ Sudan. Nhưng ngoài phố, một đám đông khoảng hơn 100 người - gồm cả nam, nữ, già trẻ vây quanh một tấm biểu ngữ: “Không có người nhập cư ở Croisilles”. Cảnh sát địa phương phải đứng xung quanh để kiểm soát các hành động quá khích.

Trong đám đông, một người đàn ông bỗng hét lên: “Chúng ta không được phân biệt chủng tộc. Chúng ta ở đây là để hỗ trợ nước Pháp”. Bất chấp lời kêu gọi ấy, khi dòng người di cư đầu tiên tới Croisilles, những tiếng thì thầm sợ hãi truyền tai nhau về nạn “hiếp dâm, móc túi” vẫn cứ vang lên…

Những ngôi làng trước nguy cơ chia rẽ

Những cảnh tượng tương tự ở thị trấn Croisilles cũng diễn ra trên toàn nước Pháp khi Chính phủ quyết tâm dỡ bỏ khu trại Jungle để đưa hàng nghìn người di cư về các khu nhà tạm ở các làng mạc, thị trấn và vùng ngoại ô, thậm chí là cả những nơi sầm uất như TP Lyon.

Tại một số nơi, xung đột giữa người bản địa và di cư thậm chí còn gay gắt hơn. Như ở vùng Saint-Bauzille-de-Putois, dưới chân núi Cevennes, nhiều người biểu tình đòi đuổi người di cư. Một số nơi khác như Loubeyrat, Puy-de-Dome, người dân còn ném đá vào người di cư hoặc đốt các khu nhà họ sẽ cư tạm trú. Ở Pierrefeu-du-Var còn xảy ra ẩu đả giữa nhóm ủng hộ và phản đối người di cư.

Thị trưởng Croisilles, ông Gérard Dué bình tĩnh đón những người di cư bất chấp người biểu tình hét vang bên ngoài phố. “Khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” treo khắp các hội trường trong thị trấn này, đó là tất cả những gì cần có ở một nền cộng hòa”, ông Gérard Dué nói. Nhưng cũng theo ông Gérard thì nhà ông bị những người biểu tình “ném trứng” vào buổi tối trước khi những người di cư tới thị trấn, 250 người khác biểu tình bên ngoài một cuộc họp của giới chức thị trấn về vấn đề này.

Sebastien Okoniewski - chủ quán cà phê ở gần quảng trường trung tâm Croisilles nói: “Ngôi làng này đang bị chia rẽ”. Anh Sebastien kể, hầu như toàn bộ khách hàng của anh đều phàn nàn về những người di cư. “Họ không suy nghĩ giống chúng ta đâu”, ông Alain Debas - một thủy về hưu ở Croisilles nói về người di cư.

Thế nhưng, bên trong các nhà dưỡng lão, nơi những người di cư mới đến, chỉ có những nụ cười. “Nhà mới” của họ sạch sẽ, ấm áp và đủ ánh sáng, không như những khu trại tạm bẩn thỉu ở Calais. Abdullah Ahmed - một thanh niên Sudan 24 tuổi nói: “Chúng tôi có nơi ăn ở và cả phòng tắm”.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.