Góc nhìn

Nước Pháp nhiều thách thức với tân Tổng thống 39 tuổi

09/05/2017, 07:58

Các chuyên gia nhận định, chiến thắng của chính trị gia trẻ tuổi Emmanuel Macron đã đánh bại mọi quy ước

22

Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, giành được đa số phiếu trong vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp

Các chuyên gia nhận định, chiến thắng của chính trị gia trẻ tuổi Emmanuel Macron đã đánh bại mọi quy ước và phá vỡ truyền thống. Nhưng, nếu không chèo lái được con thuyền nước Pháp, ông Macron có thể sẽ đẩy quốc gia châu Âu này chìm sâu thêm vào khủng hoảng chính trị.

Vượt qua sóng gió tranh cử

Là Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, cựu Bộ trưởng Kinh tế, sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ đều là bác sĩ đến từ thành phố phía Đông Bắc Amiens. Ông được rèn luyện và học hỏi những kiến thức tốt nhất từ các trường đại học hàng đầu của Pháp. Là người yêu văn học, thơ ca và triết học nhưng ông Macron cũng là một nhân viên ngân hàng nhạy bén. Ông từng làm nhân viên công vụ tại Bộ Tài chính và chuyển sang ngành Ngân hàng đầu tư, kiếm hàng triệu USD từ các hoạt động sáp nhập và mua lại các công ty.

Emmanuel Macron đến với điện Elyses từ một con đường hoàn toàn không “trải hoa hồng” với sự hỗ trợ từ các chính đảng mà từ một người không mấy nổi tiếng trước công luận cách đây 3 năm.

Vòng cuối cùng bỏ phiếu bầu Tổng thống Pháp diễn ra từ chiều 7/5 (theo giờ VN), kết thúc vào 2h sáng 8/5. Đến 17h chiều cùng ngày, theo giờ VN, Pháp đã kiểm phiếu đến 99% và tỉ lệ nghiêng hẳn về phía ứng viên Emmanuel Macron. Ông đạt 66,1% còn ứng viên đối thủ Marine Le Pen đạt 33,9%. 

Ông thành lập phong trào En Marche mới chỉ 12 tháng trước và đi theo đường hướng trung dung, “không có cánh tả hay cánh hữu”. Một số người nhìn ông là người quá trẻ và non yếu kinh nghiệm để có thể theo đuổi tham vọng trở thành Tổng thống đầy lớn lao.  Rất ít những người cố vấn trung thành với ông tin rằng ông có khả năng thắng cử Tổng thống Pháp năm 2017, đặc biệt là khi ở tuổi 39.

Bất chấp những hoài nghi, ông Macron vẫn quyết tâm, sử dụng hình ảnh là một người trẻ năng động để lôi kéo hàng nghìn người tình nguyện đi theo phong trào En Marche. Mô hình phong trào này một phần dựa trên cơ sở do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập năm 2008. Sau khi từ chức Bộ trưởng Kinh tế vào tháng 8, ông dự định viết một cuốn sách tiền bầu cử “Cách mạng” nhưng cuối cùng tuyên bố sẽ chạy đua Tổng thống vào ngày 16/11/2016.

Không chỉ mang đến sự khác biệt về tư tưởng, Emmanuel Macron có cuộc sống đời tư khá đặc biệt khi kết hôn với người vợ hơn mình 24 tuổi Brigitte Trogneux và không có con. Xét ở khía cạnh chính trị, cuộc kết hôn này phần nào đã giúp ông Macron giành được nhiều sự chú ý và ngưỡng mộ. Nhưng đó cũng là yếu tố để các đối thủ nắm bắt và xoáy sâu tấn công.

Theo một bài viết trên tạp chí New Yorker, trước buổi tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên Tổng thống Emmanuel Macron và Marine Le Pen, ông Jean-Marie (cha ứng viên đối thủ Marine Le Pen, đồng sáng lập đảng Mặt trận Tổ quốc) đã có bài phát biểu tại Paris. Nhắc đến Macron, ông Jean-Marie chỉ trích: “Macron nói với chúng ta về tương lai đất nước nhưng anh ta không hề có con cái!”. Ngoài ra, còn có nhiều tin đồn rằng, ông Macron là người có vấn đề về giới tính và “có quan hệ đặc biệt” với người đứng đầu Đài phát thanh Radio France, Mathieu Gallet.

Đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị

Nhưng, những chông gai, tranh đấu vừa qua mới là bắt đầu. Cánh cửa Điện Elyses cũng mở ra trước mắt tân Tổng thống trẻ rất nhiều khó khăn và trọng trách lớn. Theo tờ Atlantic, điều đầu tiên mà ông Macron phải đối mặt đó là áp lực để thực hiện lời hứa kết nối các phe phái chính trị. Nhưng việc kết nối nền chính trị vốn đã rạn nứt, xây dựng một chính quyền hoạt động hiệu quả là điều không hề đơn giản. Nếu không làm được, ông có thể khiến cử tri Pháp càng thêm vỡ mộng và thất vọng về chính trị.

Những dấu hiệu báo hiệu khó khăn trước mắt phải kể đến thực tế, trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/5, có tới 1/4 cử tri Pháp không đi bỏ phiếu - con số cao nhất trong lịch sử Nền đệ ngũ Cộng hòa Pháp (do Charles de Gaulle thành lập năm 1958).

Niềm tin của người dân Pháp với Chính phủ đứng ở mức thấp nhất khi giới chức không thể giải quyết các vấn đề như: Thúc đẩy nền kinh tế trì trệ, chủ nghĩa khủng bố hoặc vấn đề nhập cư hay quy mô toàn cầu hóa đang thu hẹp lại.

Một yếu tố khác: Ông Macron là người không thuộc đảng phái nào, chỉ thành lập phong trào En Marche. Trong cuộc bầu cử Nghị viện sắp diễn ra vào tháng 6 tới, dù không ít người dự đoán sẽ có nhiều người thuộc phong trào En Marche sẽ giành đủ ghế trong Nghị viện Pháp hơn bất cứ đảng phái nào. Hoặc, họ cũng có thể giành đủ ghế để chiếm đa số trong Hạ viện 577 ghế của Nghị viện Pháp. Nhưng, nếu phong trào của ông Macron không giành đa số, ông cần phải thành lập liên minh cầm quyền với các đảng khác.

Trong trường hợp một đảng khác giành đa số, ông cần phải thỏa thuận với đảng đối lập để thành lập mối quan hệ mà người Pháp gọi là “sống chung chính trị”. Nền chính trị đệ ngũ cộng hòa đã trải qua 3 lần sống chung chính trị. “Trong thời kỳ sống chung chính trị, quyền lực của Tổng thống bị hạn chế hơn, thay vào đó Thủ tướng có xu hướng thực hiện quyền quyết định chính sách hành pháp chính”, ông John Carey, Giáo sư chính trị tại Đại học Dartmouth nhận định.

Nếu một đảng đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội, ông Macron gần như không thể thực hiện những chương trình chính trị tham vọng như cắt giảm ngân sách chi tiêu Chính phủ, cho phép chủ lao động thuê, sa thải và đàm phán với nhân viên linh hoạt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.