Xã hội

Ổ bệnh từ các bể bơi

18/08/2014, 12:31

Bể bơi không đảm bảo chất lượng vệ sinh, quản lý thiếu chặt chẽ cộng thêm sự thiếu ý thức của khách bơi là nguyên nhân khiến nhiều người đi bơi mang bệnh liên quan tới tai, mũi, họng...

TIN LIÊN QUAN

 

Khá nhiều vi khuẩn gây bệnh được phát hiện tại mẫu nước ở các bể bơi công cộng
Khá nhiều vi khuẩn gây bệnh được phát hiện tại mẫu nước ở các bể bơi công cộng


Tiền mất tật mang


Tranh thủ kỳ nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Kim Đ. (Linh Đàm, Hà Nội) quyết định thuê thầy dạy bơi riêng cho cả ba mẹ con. Hai bể bơi mà chị lựa chọn để học và tập luyện là bể Bona (Thanh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) và bể  bơi Bách Khoa (Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tuy nhiên, chỉ sau một vài buổi, chị và hai bé đều bị hắt hơi, sổ mũi, uống thuốc cảm cúm mãi không khỏi. Không chỉ có vậy, chị Đ. còn phát hiện ra mình mắc bệnh phụ khoa, còn hai bé có những biểu hiện của bệnh đau mắt.
 

"Người đi bơi nên tắm tráng trước và sau khi bơi; tuyệt đối không khạc nhổ, xì mũi hay tiểu tiện ra bể bơi; hạn chế để nước lọt vào mũi họng trong khi bơi. Sau khi bơi xong, mọi người nên lau khô cơ thể; vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lý, ngoáy tai nhẹ nhàng để tránh làm trầy xước da ống tai... Ban quản lý của các bể bơi cần tăng cường cho clo vào nước với nồng độ được quy định, thường xuyên vệ sinh và thay nước ở bể bơi”.

 

Bác sỹ Nguyễn Đình Dương
Phòng khám Bạch Mai (Đào Tấn, Hà Nội)

Đưa hai bé đi khám, chị Đ. được bác sĩ khẳng định nguyên nhân gây bệnh chính là do đi bơi. Theo vị bác sĩ này, trong thời gian qua, đã có rất nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ mắc phải những bệnh kể trên sau khi đến ngâm mình tại các bể bơi.

Chị Đ. bức xúc, chỉ vì đi bơi mà ba mẹ con đều bị viêm mũi, viêm xoang, phải điều trị lâu. Thế là học phí bơi chỉ là 1,2 triệu đồng, thì tiền khám và thuốc của mấy mẹ con lên đến 1,3 triệu đồng, chưa kể ngày nào cũng phải đi hút mũi mỗi lần 300.000 đồng. “Bây giờ, tôi đã quá sợ đi bơi và cực kỳ bức xúc với chất lượng vệ sinh tại các bể bơi”, chị Đ. nói.


Bác sĩ Nguyễn Đình Dương, bác sĩ nội khoa, phòng khám Bạch Mai, Đào Tấn, Hà Nội cho biết, những người hay đi bơi ở những bể bơi kém vệ sinh có nguy cơ cao mắc phải các bệnh như: Viêm mũi họng, viêm ống tai, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa... Nếu những người mắc bệnh truyền nhiễm hay thậm chí mầm bệnh vẫn đang ở thể ẩn đi bơi thì nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh là rất cao. Ví dụ: Chỉ cần một người bị đau mắt xuống bơi là nước ở bể đã có thể bị nhiễm các vi khuẩn, virus của người đó, khiến những người khác có nguy cơ bị đau mắt giống họ.
 

Chẩn đoán của bác sĩ về các triệu chứng bệnh của chị Đ.
Chẩn đoán của bác sĩ về các triệu chứng bệnh của chị Đ.


Quản không xuể


Bể bơi Bona (Thanh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) mới được khai trương hồi tháng tư năm nay. Bể mở cửa từ 5h30-21h00, đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Khi được hỏi về cách thức vệ sinh nước bể bởi số lượng khách đến đây hàng ngày rất đông, một bác cứu hộ đã lớn tuổi ở đây ậm ừ trả lời: “Lọc liên tục ấy mà”.

Tuy nhiên, chị Phương Thảo - một vị khách đến bơi ở đây lại cho biết: “Khi lặn xuống, tôi thấy có nhiều lá và tóc rụng lẫn trong nước bể. Dưới đáy bể bơi còn có rêu bám. Nói chung nước ở đây khá đục. Tuy nhiên, vì giá vé của bể Bona rẻ hơn nhiều so với mặt bằng chung (40 nghìn đồng/lượt) nên tôi vẫn sẽ duy trì đến bơi 1 lần/tuần”.


Tại các bể bơi luôn có một bảng nội quy, trong đó có những quy định như: Mặc đồ bơi và tắm tráng trước khi xuống bể; giữ vệ sinh chung, không vứt rác và khạc nhổ bừa bãi; người mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh có nguy cơ cao dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe không sử dụng bể bơi... Tuy nhiên, lực lượng nhân viên cứu hộ tại một số bể bơi khá mỏng và khó có thể kiểm soát xem tất cả các khách đến bơi có chấp hành đúng nội quy hay không.

Anh Thanh Tùng (Ba Đình - Hà Nội) là người đã rất nhiều lần đi bơi tại các bể như: Khăn Quàng Đỏ, La Thành, Quan Hoa, Cầu Giấy trong các năm qua chia sẻ: “Khi đi bơi tầm chiều tối, nước ở các bể đều rất đục. Nhiều người đến bơi cũng thiếu ý thức, không tắm tráng, cứ thế nhảy ùm xuống bể, ảnh hưởng đến vệ sinh chung của bể bơi. Tại bể Quan Hoa (Cầu Giấy - Hà Nội), tôi đã từng thấy một bạn nữ mặc nguyên quần soóc, áo phông xuống bơi. Phải rất lâu sau đó, nhân viên cứu hộ mới yêu cầu bạn ấy rời khỏi bể.”

Linh Giang
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.