Thế giới

Ô tô điện "đắp chiếu" vì thiếu trạm sạc

29/10/2014, 18:03

Dự án phát triển xe điện tại Thủ đô London (Anh) đang đứng trước nguy cơ phá sản vì hệ thống trạm sạc quá xập xệ và lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của loại hình phương tiện này.

Quản lý chồng chéo dẫn đến hạ tầng xuống cấp gây khó cho sự phát triển của xe điện
Quản lý chồng chéo dẫn đến hạ tầng xuống cấp gây khó cho sự phát triển của xe điện

Lỗi thời và hỏng hóc

Hiện nay, nhiều trạm sạc ô tô điện trong hệ thống trạm sạc điện ở London đã hỏng hóc nghiêm trọng, gần như không có khả năng phục hồi. Ở khu vực phía Nam sông Thames giữa Southwark và cầu London hiện có khoảng 10-12 trạm sạc ngừng hoạt động. Khu vực Barbican - nơi có trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn nhất châu Âu, cả 8 trạm sạc cũng ngừng hoạt động.

Trong khi còn nhiều trạm sạc bị hỏng chưa được nâng cấp, Tập đoàn Bolloré đặt ra kế hoạch tham vọng sẽ tăng số lượng trạm sạc lên 5 nghìn cho đến năm 2018 nhằm hỗ trợ dự án chia sẻ ô tô điện dựa trên hệ thống Autolib mà Bolloré đang điều hành thành công tại bốn thành phố của Pháp.

Cô Marianna Trezza, một trong những người tiên phong sử dụng ô tô điện đã sớm phải bỏ chiếc xe này vì liên tục gặp rắc rối với trạm sạc.

Trezza nói: “15 tháng trước, tôi mua một chiếc ô tô điện Reva G-WIZ. Nhưng quả là ác mộng khi phần lớn trạm sạc điện tại Camden không hoạt động. Tôi khuyên rằng, đừng ai mua ô tô điện đến khi tình hình cơ sở hạ tầng được nâng cấp”.

Khi được hỏi về vấn đề này, chính quyền Camden thừa nhận, 30% trạm sạc tại đây bị hỏng và họ đang phải chật vật để duy trì số trạm sạc điện còn lại.

Được biết, hai cơ quan chính quản lý hệ thống trạm sạc điện tại London là Sở Giao thông London (TfL) và Source London - một tổ chức do TfL thành lập để quản lý hệ thống trạm sạc. Tháng trước, Source London đã bán hệ thống này với giá 1 triệu euro (1,2 triệu USD) cho IER - một công ty của Pháp thuộc sở hữu của Tập đoàn Bolloré. Hai cơ quan này chưa thống kê được con số chính thức về số lượng trạm sạc điện ngừng hoạt động trong tổng số 1.415 trạm.

Quản lý chồng chéo

Trở ngại cơ bản trong việc quản lý các trạm sạc điện này nằm ở việc xác định trách nhiệm và tìm nguồn quỹ để duy trì. Tại Thủ đô London, quyền quản lý trạm sạc được chia đều cho 32 khu tự quản, nhà sản xuất thiết bị, các doanh nghiệp tư nhân và chủ đất cho thuê địa điểm dựng trạm.

Ngay cả TfL, nơi thành lập và bán lại hệ thống này cũng không có khả năng và không sẵn sàng làm rõ trách nhiệm thuộc về bên nào. Còn Source London cho rằng, họ không có thẩm quyền sửa chữa các trạm hỏng vì trách nhiệm bảo trì thuộc về các nhà sản xuất nhưng nhiều đơn vị trong số đó không hợp tác.

Trong khi đó, hai nhà sản xuất trạm sạc chính là Chargemaster (647 trạm) và Pod Point (276 trạm) lại có quan điểm khác. Giám đốc điều hành của Pod Point - ông Erik Fairbairn cho rằng: “Khi mua lại Source London, Tập đoàn Bolloré có cam kết cấp tiền bảo dưỡng đối với mỗi trạm sạc thuộc hệ thống của Source London. Nhưng chúng tôi chưa thấy họ thực hiện cam kết đó”.

Ngoài ra, việc quản lý hệ thống trạm sạc điện tại London còn tồn tại mâu thuẫn về lợi ích khi Tập đoàn IER của Pháp mua Source London cũng là một nhà sản xuất trạm sạc lớn. Do đó, IER tất sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh của hai nhà sản xuất hiện nay là Chargemaster và Pod Point.

Hơn nữa, chi phí để sửa chữa các trạm sạc điện này cũng là vấn đề nan giải. Tại London, các chủ phương tiện dùng điện có thể được sạc miễn phí, chỉ mất 5 bảng Anh làm phí thành viên mỗi năm. Phí này không bao gồm chi phí hoạt động, duy trì và thay thế các trạm điện. Trong khi đó, mỗi trạm chỉ hoạt động được từ 5-7 năm, chi phí thay thế là 2.500 bảng Anh. Tại các địa điểm khó, chi phí lắp đặt mỗi trạm có thể lên tới 10 nghìn bảng Anh.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.