Xã hội

Ông Đinh La Thăng nói gì trong 40 phút tự bào chữa trước toà?

22/03/2018, 11:10

Bị đề nghị 18-19 năm cho tội Cố ý làm trái, ông Thăng tự bào chữa, phản biện lại nhiều cáo buộc của VKS.

vks-luan-toi

Đại diện VKS trình bày bản luận tội 

Sáng 22/3, sau 3 ngày xét xử, phiên sơ thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương Oceanbank bước sang phần tranh luận.

Sau khi đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà trình bày phần luận tội, ông Đinh La Thăng đã có gần 40 phút trình bày phần tự bào chữa trước toà.

Các luận điểm đưa ra để tranh tụng với cáo buộc của VKS được người từng đứng đầu Tập đoàn Dầu khí chuẩn bị trong tờ giấy cầm trên tay, theo đó, ông trình bày rõ ràng, cụ thể từng vấn đề.

Góp vốn vào Oceanbank gần như là bắt buộc

Thứ nhất, về chủ trương góp vốn vào Oceanbank, nguyên Chủ tịch PVN khẳng định đây không phải chủ trương ban đầu của PVN mà là giải quyết hệ luỵ khi đó không thành lập Ngân hàng Hồng Việt.

Khi đó, có chủ trương thí điểm cho các Tập đoàn Kinh doanh đa ngành như PVN được thí điểm thành lập ngân hàng riêng, nhưng năm 2008, do tình hình kinh tế có nhiều biến động, Chính phủ chủ trương dừng việc thành lập các ngân hàng mới.

“PVN với trách nhiệm đơn vị đầu tàu kinh tế đã chủ động báo cáo Chính phủ dừng thành lập NH Hồng Việt. Và để giải quyết hệ lụy gồm bộ máy, con người, cơ sở vật chất đã chuẩn bị hoàn chỉnh cho thành lập một ngân hàng mới, PVN đã xin phép góp cổ phần vào Ngân hàng khác” - ông Thăng trình bày lại bối cảnh.

Qua nhiều lần đàm phán, các ngân hàng khác không thống nhất được các điều kiện PVN đưa ra, trong đó có việc phải tiếp nhận toàn bộ bộ máy, con người, cơ sở vật chất của ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, chỉ có Oceanbank đồng ý. Vì thế, chủ trương đầu tư vào Oceanbank là giải quyết tiếp theo hệ luỵ của việc dừng thành lập ngân hàng mới chứ không phải chủ trương ban đầu.

Thứ hai, về việc ký thoả thuận với Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm, ông Thăng khẳng định đây chỉ là cơ sở để hai bên báo cáo lên HĐQT, và việc này HĐQT PVN đã biết và thống nhất. “Biên bản này bị cáo ký chỉ để làm căn cứ báo cáo HĐQT thông qua chủ trương. Bị cáo đã báo cáo HĐQT về việc ký thoả thuận với Oceanbank, đề nghị thành viên HĐQT cho ý kiến, nếu đồng ý thông qua thì thực hiện, không đồng ý thì biên bản ký thoả thuận không có giá trị” - ông Thăng bào chữa và nhấn mạnh, ông báo cáo rõ chứ không che giấu, úp mở gì.

Đến tháng 3/2017, khi vụ án chưa bị khởi tố, ông Thăng có gọi điện cho các thành viên HĐTV và nói về chủ trương đó, các thành viên HĐTV khi đó cũng xác nhận có biết về chủ trương này. Tuy nhiên sau đó, khi cơ quan điều tra hỏi thì các thành viên HĐTV lại nói do “cả nể nên ký”. Người từng đứng đầu PVN khẳng định việc này không liên quan đến hành vi cho rằng ông che giấu hành vi phạm tội. Ông không che giấu, né tránh như cáo buộc của VKS.

Một lần nữa, ông khẳng định, việc PVN đầu tư vào Oceanbank không phải PVN chủ động, chủ trương từ ban đầu mà đầu tư gần như bắt buộc, ngoài đầu tư có hiệu quả còn phải xử lý được tồn đọng.

Trong tất cả quy định hiện hành tại thời điểm đó thì việc ký thoả thuận với tư cách HĐTV không cần báo cáo xin ý kiến bất kỳ ai. Chỉ có Nghị quyết của HĐQT mới cần có ý kiến của các thành viên HĐQT để có căn cứ thi hành.

PVN đầy đủ điều kiện góp vốn vào Oceanbank, đã được đồng ý chủ trương

Về việc ký các Nghị quyết góp vốn, ông Thăng cho biết Nghị quyết của HĐQT thể hiện sự thống nhất và chỉ có giá trị khi được Thủ tướng đồng ý. Ông giải thích, việc đầu tư vào Oceanbank có 2 điều kiện cần và đủ: có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và được  sự thống nhất của HĐTQ.

“Như vậy, việc đầu tư vào Oceanbank đảm bảo cả 2 điều kiện trên, được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản và được HĐQT thống nhất 100%”  - cựu Chủ tịch PVN khẳng định.

Vì thế, ông cho rằng việc đầu tư vào Oceanbank là hoàn toàn đúng chủ trương, thủ tục, quy trình, quy định của pháp luật. Chỉ khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư, đây là sự thật được thể hiện bằng các văn bản chứng từ trong hồ sơ, chứ không phải ông né tránh, chối tội.

Liên quan đến công văn của Bộ Tài chính, ông Thăng nhắc lại, Bộ Tài chính khẳng định là công văn hỏi ý kiến của VPCP chứ không phải công văn trả lời PVN và hướng dẫn PVN thực hiện đầu tư.

“Bị cáo cũng như các thành viên HĐQT của PVN nhận thức được văn bản của Bộ Tài chính chỉ đề nghị VPCP tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng CP xem xét, quyết định. Trong lần góp vốn thứ nhất, VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý cho PVN góp vốn, đề nghị NHNN và các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ để PVN thực hiện việc đầu tư Oceanbank” - ông Thăng nhắc lại.

Trước yêu cầu của VPCP về cân đối vốn, ông Đinh La Thăng cho biết PVN đều có kế hoạch cân đối vốn đầu tư cho từng năm.

Thực tế tháng 8/2010, PVN đã có Nghị quyết cân đối vốn cho giai đoạn 2010-2015, trong đó có đầu tư tài chính, và thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN luôn đáp ứng đầy đủ, không thiếu vốn.

Về góp vốn lần 3 với giá trị 100 tỷ, ông Thăng nhắc lại khi đó ông đi công tác và uỷ quyền điều hành.

Sau khi vụ án được khởi tố, ông Thăng nói có nhận thấy việc góp vốn này chưa phù hợp quy định hiện hành của Luật Tín dụng 2010, tuy nhiên, thời điểm đó, các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét phê duyệt bằng các văn bản của NHNN, Sở KH-ĐT, Ủy ban chứng khoán và không hề “thổi còi”, cảnh báo. Thậm chí trong các quyết định chấp thuận của các cơ quan Nhà nước đều ghi rõ cổ đông là Tập đoàn PVN góp vốn 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ. Chứng tỏ việc này đã được các cơ quan NN có thẩm quyền cho phép.

“Tập đoàn kinh tế đang trong giai đoạn đầu thí điểm ngoài thực hiện các văn bản PL theo quy định còn phải thực hiện các văn bản cá biệt của các cơ quan NN có thẩm quyền cũng như của Thủ tướng, việc này đã được các cơ quan NN đồng ý.

Vì vậy, việc góp vốn 100 tỷ lần 3, theo nhận thức của bị cáo, các cá nhân có liên không vi phạm vì đã được phép” - ông Thăng lập luận.

Cùng với đó, thời điểm ký Nghị quyết góp vốn lần 3 cũng là thời điểm nhạy cảm trong giai đoạn quá độ giữa luật cũ và luật mới, HĐQT PVN đã không cập nhật kịp thời luật mới chứ không phải cố ý làm trái. Ông Thăng đề nghị HĐXX và VKS xem xét điểm này. Đồng thời khẳng định ông không trực tiếp chỉ đạo việc ký Nghị quyết này cũng như không  trực tiếp ký biểu quyết tham gia.

ong-dinh-la-thang

Ông Đinh La Thăng đưa ra nhiều quan điểm phản biện lại cáo buộc của VKS

Liên quan đến việc thoái vốn, ông Thăng nhấn mạnh phải được  sự đồng ý của Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan cũng như cần có lộ trình.

Từ tháng 3/2011, ông đã có chỉ đạo giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại Oceanbank cho phủ hợp với quy định của pháp luật nhưng sau đó không được chấp thuận.

Đầu tư vào Oceanbank có lợi, PVN được chia cổ tức 244 tỷ

Nhắc đến hiệu quả đầu tư vào Oceanbank, dù xuất phát điểm đây là ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, nhưng khi có sự đầu tư của PVN, thì Oceanbank đã phát triển rất nhanh, liên tục trong 5 năm từ 2009-2013, Tập đoàn PVN đã được chia cổ tức với số tiền 244 tỷ đồng. “Thực tế việc đầu tư rất có hiệu quả”- người từng đứng đầu Tập đoàn Dầu khí khẳng định.

Ông Thăng cho rằng, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì hoạt động lãi hay lỗ là chuyện bình thường, không thể cho rằng có mối quan hệ nào giữa việc đầu tư vốn và kinh doanh thua lỗ.

Đầu giờ sáng, đại diện VKS giữ quyền công tố trình bày bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank.

Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch PVN bị đề nghị mức án 18-19 năm tù. Ông Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN: 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái, 17-18 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Quỳnh là 24-26 năm tù. Ông Vũ Khánh Trường - nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN: 7-8 năm tù.Ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN: 30-36 tháng tù. Ông Nguyễn Xuân Thắng - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN: 24-20 tháng tù. Ông Nguyễn Thanh Liêm - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN: 23-30 tháng cải tạo không giam giữ. Ông Phan Đình Đức - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN: 23-30 tháng cải tạo không giam giữ.

“Giả sử người đi xe máy vi phạm giao thông bị xử lý thì phải phạt trực tiếp người vi phạm chứ không phải xử lý bố mẹ người vi phạm, vì anh mua xe cho con nên anh bị xử lý”- ông Thăng so sánh.

Lộ trình thoái vốn “không thành” của PVN tại Oceanbank

Cựu Chủ tịch PVN khẳng định tập đoàn đã rất chủ động cho việc thoái vốn. Cụ thể, từ 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cho phép PVN thoái vốn 100% khỏi OceanBank, lộ trình từ 2013-2015. Đầu 2014, có hai công ty đăng ký mua 5% và 15% vốn của PVN. PVN đã báo cáo Thủ tướng. Đầu tiên, Chính phủ đồng ý, nhưng sau đó 13 ngày thì không đồng ý do NHNN đề nghị dừng lại, chuyển phần vốn của Tập đoàn về cho NHNN. “Nếu PVN được thoái vốn thì rõ ràng không có chuyện mất 800 tỷ này. Nếu Thủ tướng đồng ý thì đã giải quyết ngay trong năm 2014, không có chuyện bị mua 0 đồng dẫn đến mất 800 tỷ” – ông Thăng nhấn mạnh.

Còn về việc mua NHNN mua Oceanbank với giá 0 đồng, trước đó phiên xét xử vụ Oceanbank giai đoạn 1, HĐXX đã có kiến nghị đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ pháp lý của việc mua ngân hàng với giá 0 đồng. Chính phủ đã họp riêng về vấn đề này và có nghị quyết dừng việc mua ngân hàng với giá 0 đồng. Rõ ràng việc mua ngân hàng với giá 0 đồng là không phù hợp với quy định của pháp luật.

“Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm là cổ đông sở hữu 67% không biết gì về việc mua này, PVN sở hữu 20% cổ phần cũng không biết về việc mua 0 đồng này, không được hỏi ý kiến” - ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, chính việc mua 0 đồng này là nguyên nhân quan trọng nhất, việc Chính phủ không cho phép PVN thoái vốn cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các cổ đông trong đó có PVN mất hoàn toàn vốn. “Trách nhiệm này nằm ngoài tầm kiểm soát của Tập đoàn, trách nhiệm là của người  ký không cho thoái vốn” - ông Thăng lập luận.

Liên quan đến trách nhiệm trong việc bảo toàn và phát triển vốn, ông Thăng bào chữa, đến tháng 8/2011, ông chuyển công tác khỏi PVN và 3 năm sau khi ông chuyển công tác thì OceanBank vẫn chia cổ tức đều. Vì vậy, trách nhiệm bảo toàn vốn là của Tập đoàn, ông chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8/2011, sau đó là trách nhiệm của những người khác. “Khi bị cáo chuyển khỏi PVN thì mọi quyền hạn và nghĩa vụ đối với bị cáo không còn” - ông Thăng nói trước toà.

Một lần nữa, ông khẳng định đây hoàn toàn là sự thật, không phải là sự né tránh, chối bỏ trách nhiệm. Ông cũng mong HĐXX xem xét sự việc này trong bối cảnh lịch sử 2008, khi đó khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước bị động, còn PVN đang trong giai đoạn đầu thí điểm, các văn bản QPPL chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhiều nội dung nhiều sự việc phải được xử lý bằng những văn bản cá biệt của các bộ, ngành, Chính phủ...

“Bản thân bị cáo và các anh em luôn tuân thủ pháp luật, không bao giờ có hành động cố ý làm trái, việc đầu tư vào OceanBank hoàn toàn công khai, minh  bạch, không hề có bất cứ một động cơ vụ lợi cá nhân nào, không tư lợi, không tư túi, hoàn toàn trong sạch” - ông Thăng cam kết trước toà và mong HĐXX với bản lĩnh, trí tuệ, thực hiện sự công bằng, khách quan, đúng bản chất, đúng hiện tượng, đúng sự việc đúng bối cảnh để có phán quyết bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật nhưng đúng thực tiễn. 

Theo Viện KSND TP Hà Nội, với nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện chủ trương góp vốn vào OceanBank khiến PVN thiệt hại 800 tỉ đồng, hành vi của ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT PVN đã phạm vào tội cố ý làm trái.

Cụ thể, theo VKS, ông Thăng ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank nhưng không thông qua HĐQT; Quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Ông Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. 

Đến ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Đinh La Thăng đã không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank trái quy định.

Việc này đã tạo điều kiện cho lãnh đạo PVN tiếp tục góp vốn trái pháp luật 100 tỉ đồng (đợt 3) vào OceanBank. Hậu quả, toàn bộ số tiền 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và NHNN phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.