Doanh nghiệp

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói gì khi muốn đầu tư sân bay Phú Quốc?

04/04/2018, 06:45

Xây thêm một đường băng và ga hành khách quốc tế mới tại Phú Quốc là đề xuất của ông trùm hàng hiệu.

18

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đề xuất đầu tư 2.000 tỷ đồng xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh tại sân bay Phú Quốc

Ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Công ty IPP) thường được biết đến với biệt danh “Ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có đề xuất mong muốn được đầu tư đường băng và nhà ga hành khách quốc tế mới T2 tại sân bay Phú Quốc.

Xây thêm đường băng và ga hành khách

Nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, Công ty IPP đang đề xuất Bộ GTVT được đầu tư 2.000 tỷ đồng xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh tại sân bay Phú Quốc. “Trong số này, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ nghiên cứu để góp một phần. Công ty IPP và ACV sẽ góp số vốn còn lại). Sau khi xây dựng xong, IPP sẽ bàn giao đường băng cho ACV quản lý, khai thác, vận hành theo sự thống nhất của các bên”, đề xuất của IPP nêu.

Cùng đó, Công ty IPP cũng mong muốn được phối hợp cùng ACV đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 công suất 10 triệu khách/năm tại Phú Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 7.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hạnh, năm 2017, CHK quốc tế Phú Quốc đã đón hơn 2,68 triệu lượt khách. Dự kiến, con số này sẽ đạt 3,5 triệu lượt khách vào năm 2018. Ngay sau khi được quốc hội phê duyệt và thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đảo ngọc Phú Quốc sẽ đón làn sóng đầu tư cũng như du khách tăng mạnh, dự báo đạt 10 triệu khách vào năm 2020.

“Việc xây dựng thêm một đường băng và nhà ga hành khách quốc tế mới tại sân bay Phú Quốc để có thể đáp ứng được năng lực phục vụ hành khách ngày càng tăng là cần thiết”, ông Nguyễn Hạnh khẳng định.

Nhà đầu tư mới mà cũ

Trong lĩnh vực đầu tư hàng không, IPP nói chung và ông Nguyễn Hạnh nói riêng không phải là người mới. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) và ông Nguyễn Hạnh cũng chính là Chủ tịch HĐQT của CRTC.

Được biết, CRTC có 6 cổ đông sáng lập gồm: ACV, Công ty IPP, Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hóa Nasco và Vietjet.

Mục tiêu của CRTC là sẽ đầu tư giai đoạn 1 của nhà ga này nhằm đáp ứng nhu cầu đón khoảng 2,5 triệu khách/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 3.735 tỷ đồng, xây dựng khoảng 50.500m2 sàn và 10 cửa ra máy bay (4 cổng tiếp xúc và 6 cổng ra bãi đỗ xa). Dự án này đã được khởi công từ tháng 9/2016, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý II/2018.

Từ tháng 9/2014, IPP đã được biết đến là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Trước đó, Chủ tịch IPP cũng từng đề xuất được “góp sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT, TP HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải tại Tân Sơn Nhất, thông qua việc xin được đầu tư nhà ga hành khách T4 tại đây”.

Trong bản tự giới thiệu, IPP cho biết, đã đầu tư và cùng hợp tác đầu tư tại nhiều dự án ở Việt Nam với tổng số vốn hơn 500 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 25 nghìn lao động. IPP cũng là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam cho hơn 96 thương hiệu đẳng cấp thế giới về thời trang, rượu, thức ăn nhanh như: Chanel, Burberry, Rolex, Bally, Cartier, Hennessy, Remy Martin, Domino’Pizza, Burger King… trên khắp Việt Nam và tại các sân bay lớn trong nước.

Được biết, IPP cũng là đơn vị có công lớn trong việc thiết lập đường bay chính thức giữa Việt Nam và Phillipines trong thời gian Việt Nam còn khó khăn chưa mở rộng quan hệ với các nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.