Góc nhìn

Ông Tập Cận Bình có thể lãnh đạo Trung Quốc đến bao giờ?

07/03/2018, 09:58

Giới phân tích quốc tế đã chỉ ra những con số ấn tượng để đi tìm lời giải cho câu hỏi trên...

26

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một buổi tiếp xúc với người dân

Giới phân tích quốc tế đã chỉ ra những con số ấn tượng để đi tìm lời giải cho câu hỏi trên, trong bối cảnh Trung Quốc, cường quốc lớn thứ hai thế giới về kinh tế sẽ xóa bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch nước.

Năm 2035 và “Giấc mơ Trung Quốc”

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các chuyên gia phân tích quốc tế đã tranh luận sôi nổi khi đánh giá ý nghĩa và đi tìm câu trả lời được suy ra từ bài phát biểu kéo dài gần 3 tiếng rưỡi của ông Tập Cận Bình trong kỳ bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc (ngày 18/10/2017).

Bài phát biểu của ông Tập đã đưa ra một tầm nhìn đầy tham vọng trong 30 năm tới với những mục tiêu, con số ấn tượng: Năm 2035, Trung Quốc sẽ cơ bản đạt được mục tiêu “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc”, sớm hơn 15 năm so với kế hoạch mà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra vào cuối những năm 1980.

Sự tự tin này của ông Tập Cận Bình mang một ý nghĩa đặc biệt và cho thấy một chỉ thị hấp dẫn về việc nhà lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh có kế hoạch nắm quyền trong một thời gian rất dài ở phía trước.

Sinh năm 1953, ông Tập Cận Bình sẽ 82 tuổi vào năm 2035, cũng gần bằng tuổi nghỉ hưu của người tiền nhiệm thế hệ cũ Đặng Tiểu Bình (85 tuổi) vào năm 1990.

Thêm nữa, các lập luận này càng được khẳng định khi ông Tập Cận Bình thông qua việc thay vì lựa chọn người kế nhiệm trong cơ quan đảng Cộng sản Trung Quốc ngay sau Đại hội 19 để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thì ông Tập ngày càng thắt chặt quyền lực về phía mình.

Các chuyên gia cho rằng, thực tế ông Tập đã để lộ ý định sẽ không dừng nắm quyền lực ở nhiệm kỳ thứ hai của mình khi cấp bách thúc đẩy chương trình nghị sự xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ 10 năm đối với chức danh Chủ tịch nước bằng chiêu bài khôi phục lại Trung Quốc về đúng vị trí như một cường quốc trên thế giới.

Trên thực tế, trong ba vị trí lãnh đạo mà ông Tập đang nắm quyền, chức vụ Chủ tịch nước phần lớn chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Hai vị trí còn lại quan trọng hơn là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương thì đều không có giới hạn về nhiệm kỳ. Việc sửa đổi hiến pháp để loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước sẽ giúp tăng cường tính hợp pháp để kéo dài quyền lực tập trung vào ông Tập Cận Bình.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã cải cách mạnh mẽ hệ thống chính quyền và lực lượng vũ trang Trung Quốc mà một phần là cuộc chiến chống tham nhũng “Đả hổ diệt ruồi” và thắt chặt sự kiểm soát của Đảng đối với tất cả các khía cạnh của xã hội. Đây cũng là những động thái giúp ông Tập ngày càng có nhiều quyền lực hơn.

Trong bối cảnh này, những người ủng hộ ông Tập lập luận rằng, cho phép ông Tập tiếp tục củng cố quyền lực sẽ đảm bảo sự ổn định chính trị cần thiết để cải cách và ngăn đà sụp đổ sau năm 2023. Điều này sẽ giúp thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” được phác thảo trong bản báo cáo Đại hội Đảng 19 của ông Tập, bao gồm mục tiêu cuối cùng là xây dựng Trung Quốc thành một siêu cường vào năm 2050.

Mỹ nói gì?

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Hoa Kỳ có thể thử làm giống đề xuất của Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ với lãnh đạo quốc gia.

Kênh CNN đã dẫn lời ông Trump tại một cuộc gây quỹ ở Florida hôm 3/3 rằng, “Ông ấy (Chủ tịch Tập Cận Bình) giờ đây có thể làm chủ tịch trọn đời. Và ông ấy thật tuyệt vời. Nhìn xem, ông ấy có khả năng làm việc đó. Tôi nghĩ đây là điều khá tuyệt. Có lẽ ngày nào đấy chúng ta nên thử làm vậy”.

Không rõ có phải ông Trump, 71 tuổi, chỉ bông đùa với ý kiến bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống hay không, nhưng Nhà Trắng hiện vẫn không trả lời bất kì yêu cầu bình luận nào.

Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, lời khen ngợi của ông Trump là không cần thiết. Bởi, theo ông Zhang Yesui, phát ngôn viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Trung Quốc sẽ đi theo con đường riêng của mình. Và Bắc Kinh không có ý định xuất khẩu mô hình quản trị hoặc yêu cầu các quốc gia khác đi theo các thông lệ của quốc gia này.

Chuyên gia dự đoán

Theo SCMP, nhìn vào các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1949 tới nay, các chuyên gia đã chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình có thể nắm quyền trong khoảng từ 15 - 20 năm.

Năm 1949, Mao Trạch Đông trở thành lãnh tụ Trung Quốc cho đến khi ông qua đời vào năm 1976, kéo dài thời gian cầm quyền tới 27 năm.

Năm 1979, Đặng Tiểu Bình lên lãnh đạo Trung Quốc và duy trì ảnh hưởng như lãnh đạo tinh thần cho đến khi ông qua đời năm 1997 - tổng cộng 18 năm điều hành đất nước.

Ông Giang Trạch Dân làm lãnh đạo Đảng năm 1989 và sau đó, ông đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao, trong đó có chức vụ Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nhưng thời đại của ông Giang Trạch Dân chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1997 sau khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời.

Mặc dù, ông Giang Trạch Dân nghỉ hưu năm 2004 và chính thức đưa ông Hồ Cẩm Đào lên cầm quyền, nhưng ông Giang vẫn duy trì ảnh hưởng cho đến khi ông Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu vào năm 2012. Điều đó đã giúp ông Giang duy trì sự lãnh đạo trong 15 năm.

Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tách ra khỏi ảnh hưởng của ông Giang và khẳng định là người quyền thế nhất Trung Quốc. Nếu lý thuyết 15 hoặc 20 năm được áp dụng, ông Tập có thể lãnh đạo Trung Quốc đến năm 2027 hoặc 2032, gần với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 vào năm 2035.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.