Làm báo cùng Giao thông

"Ông Tây dọn cống: Chuyện của “ta” hay chuyện của “tây”?

21/05/2016, 13:48

Chuyện “ông tây dọn cống” ở Hà Nội khép lại với cái kết “có hậu” khi Chủ tịch thành phố đến tận nơi thăm...

17

Hình ảnh những ông “Tây” dọn rác dưới mương nước bẩn phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) gây “bão” mạng ngày 15/5 - Ảnh: Facebook

Câu chuyện “ông tây dọn cống” ở Hà Nội có lẽ đã khép lại với cái kết “có hậu” khi Chủ tịch thành phố đến tận nơi thăm, trò chuyện và biểu dương anh James Joseph Kendall (quốc tịch Mỹ) - người sáng lập nhóm Vì Hà Nội sạch (Keep Ha Noi Clean).

Từ lâu các nhà nghiên cứu văn hóa đã nói về tính thụ động của người Việt. Cách đây vài năm, đề thi đại học từng gây xôn xao khi đưa vào nhận xét của chàng trai Việt kiều Tran Hung John sau một thời gian đi dọc đất nước, rằng “phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động”.

Ai đó sẽ đồng ý hoặc không với nhận xét này nhưng biểu hiện của lối sống thụ động thì có rất nhiều quanh ta. Câu chuyện trên đây là một ví dụ.

Chắc chắn nhóm Vì Hà Nội sạch không phải là những người đầu tiên lội xuống dọn cống bẩn. Cư dân mạng xôn xao, lãnh đạo phường, thành phố cũng buộc phải quan tâm. Người nhiệt thành ủng hộ, người tỏ ý nghi ngờ nhưng hình như không ai đặt ra câu hỏi: “Rác không tự nhiên sinh ra?”.

Nếu không có việc xả rác bừa bãi, nếu chính quyền cơ sở có kế hoạch dọn dẹp thường xuyên thì lấy đâu ra mương bẩn và rác bừa bãi để những ông tây kia phải vất vả? Rõ ràng là có một câu hỏi lớn về ý thức chủ động giữ gìn môi trường sống của nhiều người trong chúng ta. Có thể đó chính là tôi hoặc bạn đang hàng ngày thờ ơ trước cái cống bẩn đầu ngõ, hàng quán đỗ xe lộn xộn trên vỉa hè gần nhà, hàng xóm đổ rác bừa bãi trên phố. Ai cũng nghĩ đó “không phải việc của mình”.

Lối sống được quyết định bởi nhiều yếu tố trong đó có yếu tố văn hóa và quản trị xã hội. Khi xảy ra chuyện “ông tây dọn cống”, nhiều người chú ý đến phản ứng của chính quyền phường. Chúng ta có quyền đòi hỏi ngay từ đầu, với sự việc này, chính quyền phường phải có cách tiếp cận trọng thị như lãnh đạo thành phố đã thể hiện. Không phải tự nhiên mà ai đó nói rằng người Việt thường rất quan tâm bàn nhân sự cấp cao của đất nước, thậm chí là của thế giới, nhưng không phải ai cũng biết chủ tịch phường nơi mình sinh sống tên gì. Hàm ý của cách nói vui này không phải ở chỗ chúng ta buộc phải biết tên chủ tịch phường, vấn đề là sự chủ động công dân. Khi ta thờ ơ với cái cống bẩn đầu ngõ thì có phải là thờ ơ ngay cả với những vấn đề thiết thân nhất quanh mình.

Có nhiều việc cần làm về quản trị xã hội để chính quyền cơ sở hoạt động ngày càng tốt hơn, đơn cử như việc nghiên cứu thể chế hóa chủ trương “thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện”. Và cũng có rất nhiều việc cần làm để tiếp tục xây dựng văn hóa công dân.

Hơn bao giờ hết, người Việt đang lo lắng về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Đây không còn là chuyện xa xôi như băng tan ở Nam Cực nữa rồi mà đã trở thành chuyện ngay gần nhà, ngay trên biển miền Trung và trên bàn ăn mỗi nhà. Mà đã là chuyện trong nhà, dù là dọn dẹp một cái cống bẩn hay thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, đó trước hết là chuyện của “ta” chứ không phải của “tây”, phải tự mình tìm hiểu, quyết định, không thể trông chờ ai khác được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.