Chính trị

Ông Trần Tuấn Anh: Năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt tiêu chí nước công nghiệp

06/12/2022, 14:51

Theo ông Trần Tuấn Anh, năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán

Sáng 6/12, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đây là chuyên đề thứ 3 trong 4 chuyên đề được truyền đạt trong chương trình làm việc 2 ngày (5-6/12) của Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6.img

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ảnh - VGP

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đến nay.

Việt Nam đặt ra một số chỉ tiêu:

Đến năm 2030, cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao.

Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7/500 USD; Bình quân đầu người đạt trên 7.000 USD; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP…

Tới năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Tuy nhiên, so với giai đoạn CNH - HĐH trước đây, tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều biến đổi khác biệt, do đó rất cần tư duy mới trong xây dựng Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, niềm tin nhân dân nâng cao tạo ra tiềm lực quan trọng để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Song, nền kinh tế lúc này phát triển chưa bền vững, còn nhiều yếu kém, đối mặt với một số thách thức như dân số bắt đầu già hoá, đô thị hoá, khí hậu biến đổi cực đoan…

Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn, đặt ra những vấn đề mới, phức tạp, gắn đến ảnh hưởng chung toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, đặt ra định hướng, mục tiêu phù hợp có những giải pháp đột phá, có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh mới cũng như quá trình hội nhập quốc tế của VN để đảm bảo được thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

"Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết số 29 là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

10 nhóm giải pháp

Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết 29 đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện CNH - HĐH thời gian qua.

img

Toàn cảnh hội nghị

Cụ thể, 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu là: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH - HĐH đất nước. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng.

Đẩy nhanh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH - HĐH đất nước.

Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH - HĐH. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH - HĐH đất nước nhanh, bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

Cuối cùng, phát huy giá trị văn hoá, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH - HĐH đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Điểm mới: Chú trọng đặt hàng để đào tạo, phát triển nhân lực

Trong số 10 nhóm giải pháp để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tới năm 2030 tầm nhìn 2045, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vào nhóm giải pháp “xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách”.

Theo ông, trong nhóm giải pháp này, Trung ương đã xây dựng một điểm mới đó là ban hành cơ chế, chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng khẳng định, trong nghị quyết mới, Trung ương chú trọng tập trung hơn vào một số lĩnh vực, không giàn trải, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn…

“Rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục chồng chéo, bất cập không phù hợp trong chính sách ưu đãi thuế theo ngành, lĩnh vực đầu tư và theo địa bàn” – ông trích nghị quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.