Văn hóa - Giải Trí

Ông trưởng tộc

25/12/2016, 20:05

Do phải mưu sinh, mỗi người phiêu bạt mỗi nơi nên có nhiều bà con gần mà không biết mặt nhau.

Minh họa truyện vui

Ảnh minh họa.

Chi họ nhà Quý thuộc loại lớn. Chỉ tính riêng số đinh đã đến trăm người. Do phải mưu sinh, mỗi người phiêu bạt mỗi nơi nên có nhiều bà con gần mà không biết mặt nhau.

Tháng trước, Quý nhận được một tờ thư, đánh máy hẳn hoi. Lời văn tuy quê mùa nhưng thống thiết tình máu mủ. Sau tất cả sự kể lể dài dòng, đại loại Quý được “báo cho biết” ngày giờ anh phải có mặt để cùng họ mạc làm một cuộc đại ngộ, trước là để nhận anh nhận em, sau đó cùng góp ý kiến về nhiều việc họ sẽ phải làm để khỏi hổ mặt trước thiên hạ.

Mặc dù cuối năm công việc ngập tận cổ nhưng không dám khinh suất với họ mạc nên Quý tức tốc lên đường về ngay. Việc nước có thể lần khân chứ việc họ không thể chần chừ, các cụ nổi cáu lên thì hết đường về làng. Mặc dù vất vả, Quý cảm thấy rất hài lòng với quyết định của mình. Thật là một dịp hiếm để anh biết thêm về những trang oai hùng do các cụ tổ tiên đúc vào bia đá. Cũng lần đầu tiên Quý rành rõ ngọn ngành vai vế từng người. Theo đó, cậu Đụt mà Quý vẫn véo tai véo mũi hồi bé do hay ăn cắp khoai giống, hóa ra với anh lại là bậc ông. Tuy ngày ngày ông trẻ vẫn ục bà trẻ như giã giò, ăn vụng các cô, các chú lít nhít như trứng gà trứng vịt nhưng vào chiếu họ, ông đòi đủ quyền làm cha chú. Ông chỉ mặt bố Quý đã làm lễ thượng thọ từ năm kia, quát cho một hồi:

- Chỗ ông con, ta báo cho cái mặt anh biết: Cưới thằng cả, thằng hai rồi đến thằng út anh không thèm cất miệng mời rơi ta một câu. Vô lễ! Vô lễ! Họ với chả hàng.

Thằng em Quý vốn ăn to nói lớn, ít chữ, thấy bố chín mặt ngồi im thì rất nóng mắt. Nó ghé tai Quý: “Em muốn nện thằng chọi con kia quá. Hôm nay em cũng mới biết nó lại những hàng ông của anh em mình, chứ thường ngày cứ mày tao chí tớ suốt”.

Quý lên giọng nẹt:

- Chú đừng giở giọng hỗn, đây là hội nghị họ, không được lộn cứt lên đầu.

Cãi nhau ỏm tỏi cả buổi mới thấy lòi ra lý do tụ tập: Mỗi suất đinh phải góp một khoản tiền để xây lại mộ cho các cụ tổ.

Ngay hôm sau, mỗi nhà cử ra một đại diện để “đi tìm các cụ”. Từ lâu bãi nghĩa địa đã bị ruộng hóa, chỗ nào cũng phẳng lỳ. Chẳng còn dấu tích nhỏ nào để chứng tỏ đã từng có các bậc kiệt hiệt của dòng họ an nghỉ tại nơi này. Cuối cùng thấy có một gò đất, bao nhiêu năm vẫn cỏ mọc um tùm, có đủ dáng vẻ của một ngôi mộ Tổ, mọi người bèn tặc lưỡi khoanh lấy. Nào ngờ, chỉ vừa được qua một đêm, sáng sớm đã có chi họ khác kéo đến đông như quân Nguyên, chửi cho một mẻ rồi đòi lại và còn dọa kiện ra chính quyền. May có Quý đi nhiều, hiểu rộng, tính tình cương nhu đúng lúc cúi mình hòa giải mới xong.

Quá mệt mỏi, mọi người đành buông xuôi mặc lũ trẻ. Và đây là lối thoát mà chúng vạch ra: Còn ngôi nào thì xây ngôi ấy, các ngôi khác xí xóa, không biết coi như không có tội. Kiểm đi kiểm lại, cuối cùng chỉ còn ngôi mộ cụ Tổ bốn đời. Cụ vốn giỏi nho, dịch nên trước khi chết đã tự chọn chỗ an táng cho mình. Ở vị trí ấy vừa cao ráo, thoáng mát mà tiểu quách bên dưới lại vừa không bị trôi. Chẳng một ai phải nghi ngờ tính chính xác của dấu tích còn lại. Nhưng ngay lập tức quá nửa số người trong đoàn tìm kiếm tách ra bởi họ chỉ liên quan bắt đầu từ ông cụ đời thứ 5. Thôi cũng được. Việc công đức phải tùy tâm.

Sau hơn 10 lần họp lên, họp xuống, chén sạch cả quỹ họ vẫn không định được mức đóng góp cho từng nhà. Trở về, anh em Quý họp riêng và quyết định: Anh em nhà anh sẽ đứng ra xây cả mộ ông nội và bà nội một thể, khỏi cần huy động đóng góp của cả họ.

Việc tưởng đến thế là êm chèo mát mái. Nhưng hóa ra làm việc hiếu cũng phải có định suất. Không phải làm bao nhiêu cũng được. Ông trưởng tộc sau khi nói như vậy, còn lè nhè bảo, đứa nào muốn ăn hết lộc các cụ thì cứ việc bước qua xác ông.

Lại họp. Lại cãi nhau. Cuối cùng thống nhất, dù giàu hay nghèo, làm việc hiếu là quyền lợi của mỗi người. Cứ định theo suất đinh chia đều. Nhà nào không có tiền, gạo thì có thể đóng góp bằng gạch.

Sáng hôm sau Quý dậy sớm, định bụng sẽ sang nộp tiền cho ông trưởng tộc. Nhưng anh vừa ra đến ngõ thì gặp ngay mấy đứa trong họ, mặt cắt không ra máu, chặn lại nói như mếu:

- Nguy to rồi! Ông trưởng tộc bị dân quân xóm bắt giam, cùng với gần chục người trong họ. Hiện đang lấy lời khai.

Điều qua tiếng lại, cuối cùng thì Quý cũng biết ngọn ngành: Hóa ra ông trưởng tộc và mấy ông trong họ không hẹn nhau nhưng đêm qua đều ra khuân trộm gạch dùng để xây nhà văn hóa làng, bị tóm sống quả tang. Anh biết ngay là mình cần phải làm gì. Vốn là chỗ bạn học với trưởng thôn, anh đứng ra bảo lãnh, xin không làm to chuyện. Ngoài số gạch bị lấy cắp sẽ được trả lại, anh còn tự nguyện tặng cho nhà văn hóa một bộ máy vi tính. Mọi việc sau đó cũng được giải quyết. Quý đích thân đến nơi tạm giữ người và tang vật đón ông trưởng tộc về. Vừa trông thấy anh, ông quát toáng lên:

- Việc của tôi không khiến anh phải nhúng tay vào. Đừng có cậy mình giàu có, khôn ngoan mà qua mặt người khác. Anh tưởng tôi không biết anh đang mưu tính gì trong đầu hay sao? Anh muốn bao nhiêu lộc các cụ ban cho sau này chảy vào cửa anh em nhà anh hết. Còn lâu nhé. Tôi mang tiếng đi ăn cắp nhưng là ăn cắp để làm việc hiếu…

Rồi ông lăn kềnh ra, dùng tay gối lên đầu:

- Có giỏi thì cứ nhốt tao lại, tao đang hết gạo thổi cơm trưa nay đây…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.