Thời sự

Ông Võ Văn Thưởng: Năm 2018, đẩy mạnh quy hoạch báo chí

27/12/2017, 09:06

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định năm tới sẽ đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch báo chí.

6

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu

Bộ chủ quản phải chịu trách nhiệm khi báo chí sai

Sáng 26/12 tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hơn 650 đại biểu gồm đại điện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hoạt động của báo chí trong năm 2017 đầy sôi động. Có nhà báo đã hy sinh trong quá trình tác nghiệp tình hình lũ lụt ở Yên Bái, cho thấy hoạt động báo chí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, năm 2017 số lượng phóng viên bị xử lý hình sự, hiện tượng vòi vĩnh, làm tiền doanh nghiệp nhiều hơn mọi năm, khiến người làm báo chân chính đau lòng.

Ông Thưởng nêu lên một thực tế là không ít người có thẻ nhà báo nhưng kiến thức lại hạn chế, ảo tưởng về quyền lực của báo chí, của phóng viên, dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, hình thành những nhóm liên kết viết bài để vòi vĩnh, làm tiền, làm xấu hình ảnh báo chí. Không chỉ vòi vĩnh doanh nghiệp mà còn vòi vĩnh lãnh đạo các tỉnh, huyện.

Năm 2017, Thanh tra Bộ TT&TT, các cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành như: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp với tổng số tiền xử phạt gần 1,3 tỷ đồng. Thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí, 1 giấy phép chuyên trang báo điện tử, đình bản tạm thời đối với 5 trường hợp. Thu hồi Thẻ nhà báo đối với 12 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật.

Đánh giá về những kết quả trong năm 2017, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu những điểm nổi bật của báo chí là đã bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất ý chí trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, tình trạng không ít cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép vẫn tiếp diễn. Báo chí thông tin không đúng sự thật, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước.

Ông Võ Văn Long, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho hay, có 38 cơ quan báo chí và 142 văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn. Có hiện tượng phóng viên thường trú vi phạm do cơ quan chủ quản buông lỏng, thậm chí giao khoán về tài chính dẫn đến những sự việc không thể lường trước. Có nhiều sai phạm dù đã được chấn chỉnh nhưng vẫn lặp đi lặp lại.

Nói rõ hơn về thực trạng trên, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, vừa qua kiểm tra một số Văn phòng đại diện tại TP.HCM cho thấy, có văn phòng đại diện của một cơ quan báo chí cấp một loại thẻ hoạt động báo chí cho cả chủ quán nhậu, chủ vựa phế liệu để làm ăn. Có một số phóng viên bị pháp luật xử lý, nhưng cơ quan khác lại tiếp nhận bổ nhiệm những vị trí mới của tòa soạn để duyệt bài.

“Để xử lý vấn đề này, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phải quy trách nhiệm cơ quan chủ quản khi cơ quan báo chí có nhiều sai phạm chứ không thể vô can”, ông Võ Văn Thưởng đề nghị.

Cạnh tranh khốc liệt, nhiều tạp chí "báo hóa"

Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng nêu vấn đề về sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội. Sự phụ thuộc mạng xã hội khiến báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội hoặc ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.

Phân tích về “lợi và hại” của mạng xã hội, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đề cập đến vấn nạn tin giả (fake news) trong báo chí và cho rằng, vấn nạn này chưa bao giờ “nóng” như hiện nay. Điển hình là vụ việc gần đây có tấm hình của một quan chức gắn với dòng phát ngôn được lan truyền trên Facebook đã nhận rất nhiều bình luận của dư luận, trong khi nhân vật không hề nói vậy, ông Minh nêu ví dụ.

Tình trạng giật tít, câu view, dễ dãi trong trích dẫn nguồn, xào tin bài ngày càng phổ biến. Ông Võ Văn Thưởng dẫn chứng vụ việc gần đây khi có 59 cơ quan báo chí vi phạm khi thông tin về việc khởi tố 2 cựu lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cho rằng, các báo đang dễ dàng trong khai thác tin, bài. Xu hướng gia tăng tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử khiến nhiều tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng nêu lên một thực trạng của các báo mạng hiện nay, đó là sự liên kết của những cơ quan báo chí với các cơ quan truyền thông khác dẫn đến tình trạng vòi vĩnh, làm tiền. “Tôi lấy ví dụ tờ Báo mới, đây không phải là một tờ báo, nhưng bài của các báo đăng lên được link vào Báo mới. Về lý thuyết thì nói rằng, những bài nào đọc nhiều sẽ được hiện lên Báo mới, nhưng tôi đã vào xem thử thì những bài báo hiện lên ở Báo mới là của những tờ báo rất xa lạ, của những hội không có hoạt động xã hội ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng đây là những tờ báo dễ đăng bài, xong đẩy lên Báo mới, link ra facebook, tạo áp lực cho đối tượng bị phản ánh rồi dẫn đến tình trạng vòi vĩnh”, ông Thưởng nói.

Để kiểm soát những bất cập trên, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu trong năm 2018, Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại các báo, đặc biệt là những báo của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tập trung thanh tra các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở các địa bàn, khu vực để xử lý những sai phạm. Năm 2018, đẩy mạnh triển khai quy hoạch báo chí để công tác quản lý báo chí được tốt hơn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.