An ninh hình sự

Pepsico Việt Nam gia công sản phẩm chưa đủ điều kiện ATTP?

22/11/2016, 06:05

1 trong 4 doanh nghiệp có sản phẩm được Pepsico Việt Nam gia công chưa đủ điều kiện để sản xuất

pepsico-lan-ban-uu-dai-dau-tu1431008294

Pepsico Việt Nam gia công sản phẩm chưa đủ điều kiện ATTP?

Mới đây, thông tin Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính vừa ký ban hành kết luận thanh tra Pepsico Việt Nam cùng văn bản xử lý vi phạm hành chính công ty này 25 triệu đồng do ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế ký đã thu hút sự quan tâm của dư luận

Đáng chú ý, dù kết luận thanh tra có nêu nhiều tiêu chuẩn đạt yêu cầu của các cơ quan chức năng, nhưng cũng theo kết luận thanh tra này, Pepsico Việt Nam báo cáo công ty có gia công 12 sản phẩm thực phẩm của 4 đơn vị khác.

Dù việc gia công này có hợp đồng trách nhiệm giữa Công ty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam và đơn vị gia công, song về pháp lý, Pepsico Việt Nam chịu hoàn toàn về chất lượng sản phẩm.

Đáng chú ý, là 1 trong 4 đơn vị trên, Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam lại có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục an toàn thực phẩm số 001095/2016/ATTP-CNĐK trong khoảng thời gian diễn ra cuộc thanh tra Pepsi Việt Nam, ngày 3/10/2016 (thời gian thanh tra 45 ngày, bắt đầu từ ngày 7/9).

Dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy trước ngày 3/10/2016, Công ty Kirin Việt Nam có đủ điều kiện An toàn thực phẩm để sản xuất ra sản phẩm cho Pepsico Việt Nam gia công không?

Theo thông tin duy nhất liên quan đến việc này trong Kết luận thanh tra của Bộ Y tế, Công ty này có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất và gia công nước giải khát các loại đóng chai do Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương cấp ngày 22/5/2014.

Trong khi đó, tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/12/2012 của Bộ Y tế đã phân cấp rất rõ về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm và không có sự chồng chéo giữa Cục An toàn thực phẩm và Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, theo thông tư này, Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cho: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trừ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khác khi có nhu cầu đặc biệt (yêu cầu của nước nhập khẩu sản phẩm của cơ sở).

Còn Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận cho: Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn; Cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt.

Mà theo giải thích của Thông tư này, Kirin Việt Nam không thuộc diện là cơ sở nhỏ lẻ. Và được biết, Giấy Chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm của công ty Kirin thuộc dạng cấp mới.

Do đó, có thể thấy, theo Thông tư này của Bộ Y tế, trước ngày 3/10/2016, Công ty Kirin Việt Nam chưa đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

Trước khi có bản kết luận thanh tra này, trong thời gian vừa qua, vấn đề ghi nhãn mác của Pepsi Việt Nam cũng đã được cho rằng có vấn đề, không đúng quy định chuẩn.

Cụ thể, trên nhãn mác các sản phẩm của mình, Pepsi chỉ đề: “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM”.

Về vấn đề này, trao đổi với báo giới, LS Trịnh Văn Thắng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng việc ghi nhãn đối với các sản phẩm của Pepsico như trên là chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam về ghi nhãn hiệu.

Theo LS Thắng, Pepsico Việt Nam có rất nhiều chi nhánh tại các tỉnh thành trên cả nước cùng sản xuất một sản phẩm, vì vậy, cần phải ghi rõ là sản phẩm nước giải khát nào được sản xuất tại cơ sở sản xuất nào, nhà máy nào.

"Việc ghi rõ cơ sở sản xuất này nếu được thể hiện trong việc ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thì không cần phải ghi xuất xứ hàng hóa nữa. Nếu chưa ghi cụ thể thì phải ghi xuất xứ hàng hóa tức là “địa điểm, tên của cơ sở trực tiếp sản xuất nước giải khát đó”. Tuy nhiên, cả hai điều này Pepsico đều chưa thực hiện được", ông Thắng nói.

Đánh giá tác hại của việc này đối với người tiêu dùng, theo vị LS này, trong trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định, do trên sản phẩm không thể hiện đầy đủ các thông tin nên người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc khiếu nại, đề nghị đơn vị sản xuất … đổi trả sản phẩm, bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, trong năm 2015, đã từng xuất hiện thông tin PepsiCo "bị tố là xem thường người tiêu dùng khi phớt lờ những khiếu nại của khách hàng liên quan đến sản phẩm có dị vật".

Tất cả những điều này đã khiến nghi vấn: Liệu có mối liên hệ nào giữa việc Công ty Kirin đến ngày 3/10/2016 có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục an toàn thực phẩm, việc ghi nhãn mác của Pepsico Việt Nam cũng như việc phớt lờ những khiếu nại của khách hàng liên quan đến sản phẩm có dị vật không phải là không có cơ sở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.