Làm báo cùng Giao thông

Phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

14/04/2017, 08:18

Trong mọi việc, nếu đặt quyền lợi của người dân lên trên, sẽ có các biện pháp phù hợp.

8

Phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - Ảnh minh họa

Việc Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (NT-BD) của Bộ VH, TT&DL tạm dừng phổ biến 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 dù đã được cấp phép, cùng với việc cấp phép lưu hành toàn quốc cho bài “Nối vòng tay lớn” vốn rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm dấy lên sự phản ứng về cách quản lý của Cục này.

Bởi 5 bài hát bị cấm đều là những ca khúc đã đi vào lòng người mấy chục năm qua, bỗng dưng bị lôi ra cấm với lý do rất khó thuyết phục là “vì vi phạm bản quyền” và do Sở VH&TT TP.HCM đề xuất, như ông Đào Đăng Hoàn, Phó cục trưởng Cục NT-BD giải thích.

Ở đây, Cục NT-BD đang nhầm lẫn giữa quyền hành chính với quyền tác giả bởi việc “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào” là “quyền tác giả”, nên chỉ có tác giả và các tổ chức, cá nhân sở hữu tác phẩm mới có quyền lên tiếng về vấn đề này, chứ không phải là cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, các ca khúc này đều không có tranh chấp bản quyền.

T Hằng

Nhà báo Thanh Hằng

Công tác quản lý cũng có vấn đề khi chính Cục NT-BD lại có những “sản phẩm” khá kỳ lạ: Trong danh mục các bài hát được cấp phép trên website chính thức của Cục không có tác phẩm nào của nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của Quốc ca Việt Nam, đồng thời, lại nhầm lẫn giữa nhạc sĩ Văn Cao với nhạc sĩ Văn Chung, rất khó khăn cho cả người sử dụng lẫn tác giả và chủ sở hữu tác phẩm.

Thêm nữa, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phổ biến khắp trong và ngoài nước gần nửa thế kỷ qua, đột nhiên cũng phải xin phép khi muốn biểu diễn. Đến tận ngày 11/4, Cục NT-BD mới thẩm định và cấp phép. Nghĩa là suốt mấy chục năm qua, ca khúc này đã lưu hành “ngoài luồng”? Mà như thế, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Việc cấm các bài hát đã đi vào lòng người cho thấy, Cục NT-BD rất thụ động trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến không quản được thì cấm. Đáng tiếc, dường như tư duy đó đã và đang diễn ra ở nhiều ngành/đơn vị, thể hiện rõ trình độ, năng lực quản lý của những nơi này. Ví như, sau vụ cháu bé ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị tai nạn, lập tức nhiều trường ra quy định cấm học sinh xuống sân trường trong giờ ra chơi, thậm chí, học sinh không được chơi cầu lông, chơi bóng để tránh va chạm gây thương tích. Việc cấm đoán vô lý này chỉ gây ức chế cho học sinh và phụ huynh khi tước đi quyền được chơi đùa của trẻ.

Hay trước những vụ ngộ độc methanol liên tiếp khiến nhiều người tử vong, trong nhiều hội thảo, có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Công thương cấm nấu rượu thủ công. Trong khi nguyên nhân của việc ngộ độc rượu methanol là do yếu kém trong quản lý rượu thủ công và nhất là quản lý methanol, chứ không phải do nấu rượu thủ công.

Cách đây chưa lâu, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất kinh doanh phân bón, qui định người sử dụng loại phân không có tên trong danh mục và gây ô nhiễm môi trường (chủ yếu là nông dân) có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng… May mà vì bị phản ứng nên quy định này đã bị thu hồi.

Thực tế cho thấy, cơ chế quản lý của ta hiện không theo kịp cuộc sống nên cần phải thay đổi. Đó là phải công nhận "cái gì không cấm thì được phép". Như Cục NT-BD chỉ cần đưa ra danh mục các bài hát bị cấm, thay vì cấp phép. Dĩ nhiên, điều này là rất khó khăn do hoàn cảnh lịch sử để lại nhưng không phải là không làm được, đòi hỏi những người làm quản lý văn hóa phải thực sự làm việc vì dân, chứ không thể đẩy khó khăn về phía người dân.

Trong quá trình thực thi, nếu thấy các qui định, dù là Luật, chưa phù hợp, cơ quan công quyền hay người áp dụng các quy định phải đề xuất thay đổi. Trước làn sóng phản đối dữ dội việc người đàn ông Mỹ gốc Việt bị nhân viên an ninh kéo thô bạo trên chuyến bay của United Airlines, cùng với lời xin lỗi, CEO của United Airlines đã phải tuyên bố, sẽ không cho phép các nhân viên được quyền đưa hành khách đã trả tiền vé và ngồi vào ghế rồi ra khỏi máy bay nữa.

Trong khi Nhà Trắng và Bộ GTVT Mỹ chưa có thông điệp cuối cùng, các nghị sĩ Mỹ đã gây áp lực, yêu cầu phải thay đổi luật liên bang, cấm bán vé quá số ghế, tăng cường biện pháp bảo vệ hành khách.

Trong mọi việc, nếu đặt quyền lợi của người dân lên trên, sẽ có các biện pháp phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.