Xã hội

Phải kiểm soát tài sản từ khi cán bộ "bước chân vào Nhà nước"

31/05/2018, 17:14

Theo dõi tài sản cán bộ phải làm từ đầu và kiểm soát diễn biến qua từng năm, Bộ trưởng GTVT nêu ý kiến.

anh 1

ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5

Cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản

Đó là ý kiến được ĐBQH Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT (đoàn ĐB Sóc Trăng) đưa ra khi góp ý vào Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi chiều nay, 31/5.

Đánh giá đây là Luật quan trọng được xã hội rất quan tâm, ĐBQH Nguyễn Văn Thể cho rằng Luật phải cụ thể để dễ đi vào cuộc sống.

Ông Thể băn khoăn khi có một số điểm chưa rõ, chưa có cơ sở thực hiện tốt.

Đề cập đến các ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản, ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đồng tình.

“Hiện nay có điều kiện về công nghệ thông tin, toàn bộ dữ liệu có thể lưu trữ dễ dàng, nên việc mở rộng đối tượng kê khai là hợp lý. Ta phải theo dõi cán bộ ngay từ khi cán bộ bước vào cơ quan Nhà nước, nếu có dữ liệu về việc này thì công tác PCTN những năm sau sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ giám sát được những cán bộ có tài sản tăng bất thường hoặc có dư luận về tài sản bất minh” - ĐB Nguyễn Văn Thể phân tích.

Đại biểu này đề nghị ngoài cán bộ công chức, viên chức thì cán bộ thuộc DNNN, những cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước, hưởng lương nhà nước và quản lý tài sản Nhà nước cũng phải kê khai để đảm bảo hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Văn Thể cho rằng việc kiểm tra bản kê khai tài sản hiện nay chưa chặt chẽ. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì xử lý theo pháp luật, còn khi chưa phát hiện hành vi vi phạm thì phải ứng xử với tài sản đó như tài sản của một công dân bình thường. Với những tài sản lớn bất thường thì tiếp tục kiểm tra làm rõ.

Lo hợp thức hoá tài sản tham nhũng qua việc thu thuế

ĐBQH Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết còn nhiều ý kiến khác nhau về việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, bởi nếu đối tượng kê khai rộng quá thì khó xác minh, thẩm tra đảm bảo tính xác thực của bản kê khai, để rồi “kê khai xong cất ngăn kéo” thì mở rộng đối tượng không có ý nghĩa.

hoang-thanh-tung

ĐBQH Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Nhưng lần này, với cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo về phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản gắn với các giải pháp xử lý, xác minh, thẩm tra bản kê khai, ông Tùng cho rằng như vậy là hợp lý. Bởi phương án này có ưu điểm như: cách thức xử lý bản kê khai và tài sản kê khai có sự phân tầng, tức đối với mọi cán bộ công chức và viên chức từ phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm lần đầu. Nhưng việc kê khai này chỉ phục vụ mục đích làm cơ sở dữ liệu, khi tài sản có sự tăng lên đột biến (từ 300 triệu trở lên) hoặc khi có đơn thư khiếu nại tố cáo thì mới tiến hành xác minh, chứ không phải tất cả mọi đối tượng kê khai đều xử lý như nhau.

Còn đối với những đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm thì lại thu hẹp lại so với hiện nay. Dự thảo luật quy định chỉ những đối tượng là Giám đốc Sở trở lên và những đối tượng làm công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài sản, tài chính công… thì mới phải kê khai tài sản hàng năm vì đây được coi là những đối tượng nguy cơ tham nhũng cao.

“Phân tầng như vậy là hợp lý vì vừa kiểm soát được tài sản thu nhập rộng của tất cả đối tượng cán công chức, những người làm trong bộ máy nhà nước có liên quan đến sử dụng tài sản công nhưng cũng tập trung được vào kiểm soát chặt chẽ hơn với các đối tượng có nguy cơ”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông băn khoăn về ngưỡng 300 triệu, bởi đây là số tiền quá lớn so với thu nhập của công chức hiện nay.

Về vấn đề xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý, ông Tùng nhất mạnh quan điểm chung phải xử lý rất nghiêm đối với các tài sản do tham nhũng mà có. Song không thể nào xử lý một cách đơn giản để quy tất cả tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được hợp lý thành tài sản tham nhũng hoặc tài sản do phạm tội mà có để áp dụng các biện pháp theo kiểu dễ dàng như luật này quy định.

“Cách tiếp cận này là hơi dễ cho Nhà nước mà chưa thể hiện sự tôn trọng hợp lý đối với quyền sở hữu tài sản của công dân - một quyền được Hiến định. Chưa nói, truyền thống văn hóa, lịch sử của ông cha ta, tài sản để lại cho con cháu. Tài sản đó có thể là rất hợp pháp nhưng vì việc quản lý tài sản của nhà nước ta chưa chặt chẽ nên trong một số trường hợp khó giải trình được một cách hợp lý để tự chứng minh tài sản của mình là hợp pháp”, ông Tùng nói và cho rằng phải xử lý đối với tài sản này phải giải quyết được một cách hài hòa, vừa phải xử lý nghiêm, tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có, nhưng phải thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với quyền sở hữu tài sản của công dân.

Cả hai phương án mà Chính phủ trình, ông Tùng đánh giá đều chưa đáp ứng được yêu cầu ấy. “Chưa kể, nếu chúng ta tiếp cận theo cách thức này thì vô hình trung, nếu tài sản đó đúng là tài sản do tham nhũng hoặc phạm tội mà có thì chúng ta chỉ thu được 45%, 55% còn lại sẽ lại được hợp pháp hóa thông qua hình thức thu thuế” - ông Tùng lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.