Góc nhìn

Phán quyết của Tòa Trọng tài là “Hiến pháp xanh” trên biển

15/07/2016, 06:31

Phán quyết cho thấy sự công minh của luật pháp quốc tế, có thể được xem là “Hiến pháp xanh” trên biển.

4

TS. Trần Công Trục, một trong những người châu Á đầu tiên dịch Công ước LHQ về Luật Biển 1982 ra bản ngữ.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết, ngay từ khi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 được thông qua, Chính phủ chỉ thị ông và các cộng sự dịch từ bản tiếng Pháp ra tiếng Việt để phổ biến rộng rãi. Ông cũng là một trong những học giả nghiên cứu về biển Đông, vấn đề biên giới và chủ quyền với nhiều đánh giá, nhận định sâu sắc và khách quan, được dư luận trong nước và thế giới chú ý.

Tiền lệ hòa bình xử lý tranh chấp trên biển

Có ý kiến cho rằng, vụ kiện biển Đông sẽ tạo một tiền lệ trong giải quyết tranh chấp biển đảo. Ông nhìn nhận ý kiến này thế nào?

Có thể nói đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử không chỉ với đất nước, nhân dân Philippines mà cả Việt Nam và các nước trong khu vực.

Nếu nói phán quyết biển Đông là một tiền lệ trong giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo cũng là có cơ sở. Song, tiền lệ ở đây cần hiểu rằng, có thể là tiền lệ tốt và tiền lệ xấu. Nghĩa là, phán quyết có lợi hay không có lợi đều có thể trở thành tiền lệ. Phán quyết ngày 12/7 có giá trị rất sâu sắc đối với tình hình tranh chấp hiện nay trên biển Đông, đặc biệt là những tranh chấp có liên quan tới Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.

Philippines gửi đơn kiện lên Tòa án quốc tế 15 điểm. Tòa gạt đi 8 điểm không thuộc thẩm quyền và xem xét 7 điểm. Trong đó, nội dung phán quyết có thể cô đọng trên ba nhóm vấn đề: Đường lưỡi bò; Đảo, bãi cạn, bãi ngầm; Hành động phi pháp của Trung Quốc ở Scarborough. Phán quyết tuy chỉ giới hạn một trong số các vấn đề tranh chấp, song có thể là một trong những phán quyết đầu tiên gây được tiếng vang của cơ quan tài phán quốc tế. Nó giúp định hình các bài học quý báu trong tranh chấp quốc tế.

Đây là thắng lợi của chân lý, cho thấy sự công minh của luật pháp quốc tế và có thể được xem là “Hiến pháp xanh” trên biển, là một vũ khí rất mạnh mẽ và có thể coi là một tiền lệ hòa bình để xử lý các tranh chấp.

Nếu thế giới không muốn chiến tranh xảy ra ở khu vực này, thì chúng ta cần phát huy phương thức đấu tranh pháp lý này. Nói cách khác, sử dụng Tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp là một biện pháp văn minh và hòa bình.

Không ít ý kiến cho rằng, vụ kiện biển Đông là một “phép thử” về sự đoàn kết của khối ASEAN. Ý kiến của ông thì sao, thưa ông?

Trước hết cần hiểu ở đây, tình đoàn kết của ASEAN từng được thể hiện qua nhiều sự kiện, nhiều cột mốc qua các thời kỳ khác nhau. Từng có rất nhiều nghị quyết, văn bản, nói lên tiếng nói chung, thống nhất và mạnh mẽ của cộng đồng. Hiện tại, ASEAN vẫn đang tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Với tranh chấp biển Đông, ASEAN không thể không tránh khỏi những bất đồng, thậm chí có những thời điểm không ra được tuyên bố chung. Những bất đồng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chủ quan và khách quan. Không ít ý kiến cho rằng, một trong số nguyên nhân đến từ quan hệ nhiều mặt của các nước ASEAN với Trung Quốc.

Song cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân chính đối với sự đồng thuận và đoàn kết của ASEAN chính là nhận thức của mỗi quốc gia trong khối. Trong số này, có những quốc gia không liên quan tới tranh chấp biển Đông. Có thể nói, phán quyết sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất, cụ thể nhất, để các quốc gia ASEAN nhìn nhận lại và xem đây như một niềm tin chiến lược - “kim chỉ nam” trên cơ sở khoa học, luật pháp quốc tế để có thể đạt đến tiếng nói đồng thuận và đoàn kết.

Như vậy, điều ASEAN cần làm sau khi phán quyết vụ kiện biển Đông đã rõ ràng, thưa ông?

Các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam nên có một thái độ ứng xử văn minh trước phán quyết của PCA, không nên có hành động, thái độ quá khích hay đưa ra những bình luận không phù hợp trong mối quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh hiện nay.

Cần nhấn mạnh phán quyết của PCA cũng chính là việc bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật, đồng nghĩa với việc bảo vệ uy tín của Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Chúng ta tôn trọng phán quyết cũng là hành động thể hiện tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Trung Quốc - người bạn láng giềng lâu năm của Việt Nam.

Việc các quốc gia ASEAN và Việt Nam cần làm hiện nay là đừng quá chú trọng và cứng nhắc chuyện thắng - thua, hãy xem phán quyết như một “món quà tinh thần to lớn”, làm sao để Trung Quốc hiểu và có thái độ đúng mực với phán quyết, từng bước thay đổi quan điểm và lập trường, bảo vệ công lý và chính nghĩa. Đó mới là cách hành xử đẹp trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.

1

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết một số vấn đề liên quan đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông - Ảnh: PCA

Không chùn bước

Ông nghĩ sao về việc, dư luận rất quan ngại về diễn biến tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế?

Tình hình biển Đông không phải đến bây giờ mới căng thẳng, đặc biệt là từ đầu năm 2016, biển Đông với những chiến lược và những toan tính riêng của Trung Quốc đã bộc lộ vô vàn khó khăn, căng thẳng và áp lực.

Với phán quyết lần này, chắc hẳn sẽ còn căng thẳng hơn, áp lực và khó khăn hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng nôn nóng muốn hiện thực hóa âm mưu độc chiếm biển Đông.

Ngay sau khi PCA công bố phán quyết, Trung Quốc vẫn lớn tiếng rằng họ không công nhận và thực thi. Đây có được xem là một trở ngại trong việc thực thi phán quyết trên hay không, thưa ông?

Đây là điều không đáng ngạc nhiên. Nếu Trung Quốc cố tình quay lưng, bất chấp luật pháp quốc tế, họ sẽ gánh chịu hậu quả, đối mặt với sự lên án của dư luận. Bởi, Trung Quốc tuyên bố là một chuyện, nhưng dư luận có đồng tình với Trung Quốc hay không lại là chuyện khác.

Việc đi ngược lại tuyên bố sẽ khiến cho hình ảnh của Trung Quốc - vốn là một đất nước có nền văn minh lâu đời, thành viên quan trọng của Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC), thành viên tích cực của UNCLOS 1982 sẽ giảm đi.

Theo tôi được biết, Trung Quốc là một trong những quốc gia tích cực và đi đầu trong việc xây dựng UNCLOS 1982. Nói cách khác, nếu quay lưng lại với phán quyết của Tòa án quốc tế,Trung Quốc sẽ gặp bất lợi, trước mắt là “mất điểm” trong các mối quan hệ quốc tế.

Vậy thế giới cần có những biện pháp đối phó thế nào?

Tất nhiên, có một khó khăn trước mắt là luật pháp quốc tế không có một cơ chế tài phán ràng buộc đối với việc thực thi phán quyết, nên Trung Quốc có thể lợi dụng điều này để trì hoãn việc thực thi.

Về mặt pháp lý, nếu Trung Quốc không thi hành phán quyết của PCA thì Philippines có thể đưa vấn đề ra UNSC; Thế nhưng, ở đây, Trung Quốc lại là một bên có quyền phủ quyết. Chỉ cần một thành viên của UNSC không chấp thuận, vấn đề sẽ không được thông qua.

Song, dư luận quốc tế và các bên liên quan không nên vì thế mà chùn bước. Chúng ta sẽ tiếp tục phân tích, tạo sức ép mạnh mẽ, buộc họ phải thi hành phán quyết. Chúng ta cũng cần tiếp tục sử dụng những biện pháp khác đấu tranh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như: Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ… và Liên minh châu Âu (EU), tạo môi trường thuận lợi để Trung Quốc thực thi phán quyết.

Trong suốt quá trình theo dõi vụ kiện biển Đông, điều gì khiến ông tâm đắc hay ấn tượng?

Trong phán quyết của Tòa có đề cập: Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.

Nếu dùng lịch sử để chứng minh chủ quyền, thì có lẽ thế giới sẽ đảo lộn. Bởi Nữ hoàng Anh từng tuyên bố: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”, nếu ứng với câu nói nổi tiếng lịch sử đó, thì chủ quyền của nước Anh ngày nay tới đâu?

Hay nếu cứ theo như lý lẽ của Trung Quốc thì có lẽ tất cả vùng đất, vùng trời và vùng biển hiện nay ở châu Mỹ đều là của Tây Ban Nha cả, bởi nó đã được nhà hàng hải Christopher Columbus tìm ra từ năm 1492.

Do đó, tôi muốn nhấn mạnh, dùng lịch sử để chứng minh chủ quyền là một lý thuyết rất… mơ hồ, phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hẹp hòi. Và điều đó đã được chứng minh qua phán quyết của PCA. Cá nhân tôi luôn tin rằng, dùng lịch sử để chứng minh chủ quyền là một nguyên tắc lỗi thời, không chỉ trên biển mà ngay cả với vấn đề biên giới và lãnh thổ.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.