Thời sự

Phát hiện cán bộ cao cấp kê khai tài sản không trung thực

26/10/2017, 09:43

Có 78 người được xác minh tài sản, phát hiện 5 trường hợp vi phạm, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

16

Chỉ có 5 trường hợp bị phát hiện vi phạm trong số hơn 1 triệu bản kê khai tài sản

Có tình trạng “cả họ làm quan”

Đó là con số được nêu trong Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 của Chính phủ. Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 6/11 tới.

Theo báo cáo, tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Qua 4.332 cuộc kiểm tra, giám sát đã phát hiện 278 vụ vi phạm, xử lý kỷ luật 190 người vi phạm quy định (tăng 230 vụ, 131 người so với năm 2016), kiến nghị thu hồi và bồi thường 32,1 tỷ đồng, đã thu hồi được 18,6 tỷ đồng (đạt 57,9%).

Theo Thanh tra Chính phủ, toàn ngành đã triển khai gần 7.000 cuộc thanh tra hành chính và 259.449 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 92.123 tỷ đồng, 10.028 ha đất; kiến nghị thu hồi 46.268 tỷ đồng và 5.308 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính hơn 2.057 tập thể, cá nhân; ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 5.403 tỷ đồng; chuyển CQĐT xử lý hình sự 105 vụ, 214 đối tượng (tăng 52,1% số vụ; 100% số đối tượng).

Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 là 1.113.422 người (tăng 10,8% so với năm 2016); đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai là 1.111.818 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập (giảm 81,4%). Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng, và một số địa phương đã trả lại, không tiếp nhận xe do doanh nghiệp biếu tặng như Cà Mau trả lại 2 xe, Đà Nẵng trả lại 1 xe; Có 2 trường hợp ở Bình Thuận và 1 trường hợp ở Lâm Đồng trả lại quà tặng với số tiền 32 triệu đồng. Đặc biệt, đã xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp như trường hợp của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Báo cáo của Chính phủ nhận định còn có tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tham gia kinh doanh hoặc để người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực do mình trực tiếp quản lý; tình trạng bổ nhiệm, đề bạt người thân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, điển hình như việc bổ nhiệm lãnh đạo quản lý ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, vụ ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, vụ bổ nhiệm lãnh đạo quản lý đối với con trai bị bệnh tâm thần xảy ra tại Bệnh viện ở Đồng Tháp; vụ việc “cả họ làm quan” xảy ra tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Kỷ cương buông lỏng, trách nhiệm chưa rõ ràng

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (tăng 28 người so với năm 2016). Trong đó, Bộ Tài chính 2 người; Bộ Công an 4 người; Quảng Nam 2 người; Kiên Giang 9 người; An Giang 4 người; Bình Thuận 2 người; Long An 3 người…

Dù được chú trọng, nhưng Chính phủ đánh giá việc xác định trách nhiệm người đứng đầu còn lúng túng. Chính phủ cũng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong PCTN, đồng thời đưa ra nhận xét: “Công tác PCTN tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi”. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy Nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm.

Nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra là do việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém, một số nơi còn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm, tham nhũng; việc đánh giá trách nhiệm của của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.

Không khó khoanh vùng đối tượng nguy cơ tham nhũng

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Bình đánh giá, báo cáo về tình hình tham nhũng của Chính phủ lần này cụ thể hơn và thống kê được nhiều số liệu, dẫn chứng về tình trạng tham nhũng, đặc biệt là số liệu cán bộ tham nhũng và những trường hợp đã bị xử lý.

"Tuy nhiên, một số nội dung cần rõ ràng, rành mạch hơn, ví dụ như tình trạng tham nhũng chính sách chưa nhắc tới hoặc tham nhũng vặt nhức nhối, phổ biến nhưng chưa được nói rõ", ĐB Phương nói và cho rằng, để PCTN thời gian tới hiệu quả hơn thì trước hết cần sửa đổi Luật PCTN, trong đó phải quy rõ trách nhiệm hơn đối với người đứng đầu. Một điểm đáng chú ý nữa là các trường hợp cán bộ vi phạm kê khai tài sản được nhắc đến trong báo cáo năm nào cũng rất ít, trong khi thực tế chưa chắc đã như vậy. Bởi thế, đi kèm với việc quy định rõ ràng, chặt chẽ về kê khai tài sản là phải có cơ quan giám sát, khi nghi ngờ là phải thanh tra, kiểm tra ngay.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng, những người tham nhũng đều là những người có quyền lực, muốn tham nhũng phải có quyền lực. "Vì thế, việc khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ tham nhũng không khó, chỉ có điều chúng ta có quyết liệt làm hay không mà thôi", ông Quốc nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.