Xã hội

Phía sau tượng đài Mẹ Thứ...

23/05/2015, 06:25

Không ai sinh ra để được làm tượng đài, lại càng không ai muốn nỗi đau của mình đắp lên tượng đài.

71
 

Không ai sinh ra để được làm tượng đài, lại càng không ai muốn nỗi đau của mình đắp lên tượng đài. Nỗi đau, sự hy sinh lớn lao của mẹ Nguyễn Thị Thứ (Điện Bàn, Quảng Nam) và hàng triệu triệu Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) trên mảnh đất này còn lớn lao hơn cả tượng đài.

Lối xưa vắng Mẹ

Chúng tôi tìm về nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng, Điện Bàn) khi khu tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu mẹ Thứ vừa được khánh thành tại núi Cấm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Mẹ Thứ có chồng, 9 người con và hai người cháu là liệt sỹ. Mẹ ra đi đã hơn bốn năm.

75
Ảnh: Huỳnh Trương Phát

Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), được trao tặng danh hiệu Mẹ VNAH năm 1994. Mẹ có chồng, 9 người con trai, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sỹ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ kéo dài gần 30 năm (từ năm 1948 đến năm 1975). 

Theo thống kê, qua các đợt phong tặng và truy tặng, đến nay Điện Bàn đã có 1.795 Bà mẹ VNAH, trong đó có 170 mẹ còn sống.

Khu vườn nhà mẹ không đổi khác nhiều, vẫn giản dị với lùm cây, bụi tre nép vào nhau nghiêng nghiêng, lặng lẽ… Chỉ có bức tường gạch xây cao tạo khu vườn vuông vức, thẳng thớm hơn. Hai cổng cao và đẹp, nhưng chỉ có một cánh cửa nhỏ bên hông được thường xuyên mở. Ngôi nhà của mẹ được nâng cao trên nền cũ, thoáng mát, đặt bàn thờ hai ông bà và những liệt sỹ con của mẹ. Kỷ vật về mẹ trong ngôi nhà hầu như không có gì ngoài những di ảnh.

Giờ đây mẹ không còn, tôi chỉ gặp anh Lê Tự Hiệp (44 tuổi), con của ông Lê Tự Thận - con thứ 11 của mẹ. Anh Hiệp cùng vợ mới chuyển từ Đà Nẵng về đây sau ngày mẹ Thứ mất để hương khói cho ông bà, các chú và gìn giữ ngôi nhà, khu vườn của mẹ. Hai tuổi, sau một trận sốt xuất huyết và bị liệt hai chân, bố mẹ gửi anh về cho ông bà nội chăm sóc. Kỷ niệm anh nhớ nhất về bà nội là sự chăm lo chu đáo, yêu thương ân cần bà dành cho đứa cháu bị thiệt thòi về thể xác...

Bà Lê Thị Trị, người con gái đầu và là con gái duy nhất của mẹ Thứ tôi vẫn hay gặp khi mẹ còn sống, giờ ở cách khu vườn nhà mẹ Thứ một con đường. Sau khi mẹ Thứ mất, bà Trị về ở với con gái đầu Ngô Thị Mai (60 tuổi) và cũng là người con duy nhất còn sống sau chiến tranh của gia đình. Chồng bà, ông Ngô Tưởng bị địch bắt giam, tra tấn đến chết tại Hội An năm 1956, khi đó bà mới 32 tuổi. Năm 1969, con gái đầu của bà là Ngô Thị Cúc cũng bị địch bắt, năm 1972 ra tù và tiếp tục gia nhập du kích xã, hy sinh trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu. Chưa hết tang thương, tháng 8/1970, con út Ngô Thị Điểu trên đường đi công tác, bị địch bắn trọng thương, chết trước khi chúng kịp tra hỏi khi chưa đầy 16 tuổi...

Nỗi đau tựa vào nỗi đau

Bà Trị sống cùng mẹ Thứ, hai sự mất mát, hy sinh lớn như chống dựa vào nhau, san sẻ, vượt lên mọi hoàn cảnh. Nỗi đau nương tựa vào nỗi đau, khi tin cậu mất chồng lên tin cháu ruột mất… Khi mẹ Thứ ra đi, bà Trị thấy mình quạnh quẽ. Bao nhiêu năm bà đã sống trong khu vườn, căn nhà quen thuộc với mẹ Thứ. Người phụ nữ 90 tuổi đã bật khóc khi nhắc đến mẹ của mình. Bà bảo, đêm nào bà cũng nằm mơ thấy mẹ. Mẹ nắn bóp tay chân của bà nhưng không nói gì. Gạt những giọt nước mắt trào ra, bà Trị nói: “Có lẽ do nhớ hồi mẹ còn sống, tôi hay bóp tay, bóp chân cho bà”.

40 năm sau chiến tranh, năm ngôi hầm bí mật trong khu vườn mẹ Thứ, nơi nuôi giấu rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động tại địa phương không còn nữa. Ngày đó, bà Trị cùng mẹ Thứ hàng đêm nấu cơm, đem đến từng căn hầm cho các cán bộ, chiến sỹ, chăm cán bộ, chiến sỹ như chăm con. Khi tôi hỏi, Bà Trị nói: “Lúc đó phải làm vậy thôi! Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh mà!”. Lời nói nhẹ nhàng nhưng kiên cường.

Bà Trị sống giản đơn phía sau ngôi nhà đã có nhiều vết nứt bởi thời gian. Vợ chồng người con gái duy nhất của bà khá đông con, cuộc sống không dư dả gì. Hỏi bà mong ước điều gì nhất, bà nói ngay “Sự bình yên”. Không có người nào trải qua chiến tranh lại không mong ước một điều giản đơn như thế. “Cái gì khiến bà tiếc nhất?”, tôi hỏi, bà như cười vui: “Cái chân đừng đau để có thể đi ra Hà Nội vào lăng viếng Bác Hồ một lần”.

Khúc ca hòa bình

Những ngày tháng 4 lịch sử, nơi nhộn nhịp nhất của huyện Điện Bàn là nghĩa trang liệt sĩ, nằm ngay gần QL1. Khu nghĩa trang quy tập hàng nghìn ngôi mộ các Mẹ VNAH, các liệt sỹ Điện Bàn, Quảng Nam và cả nước hy sinh tại Điện Bàn. Mộ mẹ Thứ nằm giữa nghĩa trang trong sự vây quanh của những người con và người cháu.

Mẹ Thứ thọ 106 tuổi, dường như những người con đã “dồn tuổi” của mình cho mẹ và mong mẹ sống những ngày yên vui. Mẹ vượt qua những thử thách của cuộc đời để trường thọ và ra đi nhẹ nhàng thanh thản…

Từ tháng 12/2011, thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) đã có con đường mang tên “Mẹ Thứ”. Tháng 3/2015 mới đây, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ tại Tam Kỳ (Quảng Nam) hoàn thành. Không ai sinh ra để được làm tượng đài, lại càng không ai muốn nỗi đau của mình đắp lên tượng đài. Nhưng nỗi đau, sự hy sinh lớn lao của mẹ Thứ và hàng triệu triệu Mẹ VNAH trên mảnh đất Việt Nam này cho hòa bình, thống nhất dân tộc lớn hơn trăm nghìn bức tượng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.