Thế giới

Philippines báo động toàn quốc sau vụ phiến quân thân IS tấn công

25/05/2017, 08:52

Hoảng loạn bao trùm và lệnh thiết quân luật được tuyên bố sau khi phiến quân thân IS tấn công nhiều nơi ở Philippines.

29

Dòng người di tản tránh chiến tranh ở Marawi, Mindanao

Báo động toàn quốc

Vì vụ tấn công, Cảnh sát quốc gia Philippines ra lệnh đặt toàn quốc trong tình trạng cảnh báo toàn diện, tăng cường an ninh tại tất cả những điểm trọng yếu và nơi công cộng. Bộ Phúc lợi xã hội cũng kích hoạt báo động đỏ. Rất nhiều vụ việc đốt phá, bắt cóc con tin đã xảy ra tại TP Marawi và người dân địa phương được thông báo ở yên trong nhà. 

Các lực lượng quân đội, Chính phủ được triển khai và đã giao tranh với phiến quân khiến 1  cảnh sát và 2 binh sỹ quân đội thiệt mạng trong vụ tấn công. Chiều 24/5, lực lượng an ninh đã lục soát một căn nhà nơi Isnilon Hapilon, thủ lĩnh băng nhóm bắt cóc trẻ em Abu Sayyaf, là người đứng đầu IS tại Philippines đang ẩn náu.

Tên này vốn bị Bộ Ngoại giao Mỹ truy nã và ra phần thưởng 5 triệu USD để bắt giữ kể từ năm 2011. Các nhà phân tích an ninh cho biết, Hapilon có thể đang tìm cách tập hợp các nhóm phiến quân Philippines, trong đó có nhóm Maute đóng quân gần Marawi.

Trang ABS-CBN News dẫn tư liệu của chính quyền Philippines cho hay, tổ chức phiến quân khủng bố Maute - lực lượng đang khống chế và kiểm soát TP Marawi trên đảo Mindanao có căn cứ ở Lanao del Sur, nơi những thành viên trong gia đình Maute được sinh ra. Hầu hết các thành viên của phong trào Maute, từng thề trung thành với tổ chức khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông đều là dân gốc ở tỉnh Lanao del Sur, trong vùng tự trị Mindanao Hồi giáo.

Thủ phủ tỉnh Lanao del Sur chính là TP Marawi. Lanao del Sur có vị trí địa lý giáp Lanao del Norte về phía Bắc, Bukidnon về phía Đông, giáp Maguindanao và Cotabato về phía Nam.

Liên quan đến tình hình ở Marawi, chiều 24/5, các lực lượng vũ trang của quân đội và Cảnh sát Philippines đang hỗ trợ những thường dân chưa bị khủng bố Maute khống chế rời khỏi Marawi đến nơi an toàn. Quá trình di tản tránh chiến tranh đã được giám sát rất chặt chẽ để đề phòng khủng bố trà trộn vào dòng người đi lánh nạn. Các xe chở người tản cư phải đi qua các trạm kiểm soát do quân đội và cảnh sát có vũ trang Philippines canh giữ.

Tính đến chiều 24/5, ít nhất đã có hàng trăm thường dân trong tổng số 200.000 dân cư ở TP Marawi được đưa đến các khu vực an toàn. Bộ Quốc phòng Philippines cùng ngày tuyên bố rằng, Philippines vẫn an toàn trước ảnh hưởng của phiến quân Maute.

Mâu thuẫn từ tình hình hiện trường

Giữa bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó, Chính phủ Philippines liên tục đưa ra các thông báo mâu thuẫn và không trùng khớp với nhau, vẽ lên một bức tranh càng thêm hỗn loạn, theo Philstar.

Trước hết là về thông báo tình hình tại Marawi. Thị trưởng Marawi, ông Majul Usman Gandamra và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cùng lúc đưa ra nhiều thông báo mâu thuẫn về tình hình hiện trường. Bộ trưởng Delfin Lorenzana khẳng định, Tòa thị chính Marawi bị cháy nhưng thị trưởng lại khẳng định không. Bên cạnh đó, Thị trưởng Gandamra từ chối bình luận về thông tin khủng bố bắt giữ con tin. Theo ông, vụ tấn công này chỉ là một chiến thuật nghi binh của nhóm khủng bố.

Nhưng, Giám mục Marawi, Edwin dela Peña lại thông báo, khủng bố đã đốt nhà thờ thiên Chúa, bắt giữ nhiều linh mục và giáo dân làm con tin. Chủ tịch Hiệp hội Giám mục thiên Chúa tại Philippines (CBCP) xác nhận thông tin bắt cóc con tin. Chủ tịch CBCP Socrates Villegas cho biết: “Họ đã đe dọa giết con tin nếu không ra lệnh rút các lực lượng Chính phủ”. 

…Đến lệnh thiết quân luật

Một mâu thuẫn khác từ thông báo của Chính phủ khiến người dân hoang mang, đó là tuyên bố thiết quân luật trên đảo Mindanao. Ngay sau khi biết tin vụ tấn công, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc gọi thông qua qua video trực tiếp trên tài khoản Facebook khi đang trên máy bay tại Moscow, Nga.

Ông tuyên bố thiết quân luật tới chừng nào cần thiết. “Nếu tình hình kéo dài cả năm, thì chúng ta bắt buộc phải thiết quân luật chừng đó. Nếu chỉ chấm dứt trong 1 tháng thì thật hạnh phúc”, ông Duterte. Nhưng theo Hiến pháp Philippines, Tổng thống được phép tuyên bố thiết quân luật ở bất cứ nơi nào tại nước này trong trường hợp nổi loạn và xâm lược trong khoảng thời gian không quá 60 ngày.

Bộ Ngoại giao Philippines cũng ra thông báo với thời hạn tương tự như trên. Hiến pháp năm 1987 yêu cầu tổng thống phải báo cáo trước Quốc hội trong 48 giờ từ khi ra thông báo. Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu để thông qua hoặc bác bỏ. Quốc hội cũng có thể cho phép tổng thống mở rộng thiết quân luật “nếu bạo loạn hoặc xâm lược kéo dài, gây đe dọa tới an toàn người dân”.

Không chỉ vậy, chính phủ Philippines cũng mâu thuẫn trong nhận định về tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) có liên quan tới vụ việc này. Một mặt, các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) khăng khăng IS không hiện diện tại đất nước này. Mặc dù tổ chức khủng bố Maute cam kết trung thành với IS, nhưng không có bằng chứng cho thấy nhóm khủng bố kia cung cấp nguồn lực cho Maute - các chuyên gia địa phương nhận định.

Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lại cho rằng: “Đó thực chất là Maute hoặc IS vì chúng như nhau” và tin rằng, vụ tấn công lần này của Maute có sự hỗ trợ từ nước ngoài. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.