Điện ảnh

Phim Nhà nước ế khách là một sự phung phí

28/03/2017, 15:06

Việc Nhà nước chi tiền để sản xuất những bộ phim khó ra rạp là một sự phung phí quá lớn.

Trong 2 năm 2015, 2016, sau Quyết định 3575 ngày 21/10/2015 của Bộ VH,TT&DL, có bốn phim truyện điện ảnh được đặt hàng là: Không ai bị lãng quên, Người yêu ơi, Địa đạo, Xã tắc. Tuy nhiên, đến nay bốn bộ phim trên vẫn án binh bất động và chưa được sản xuất do chưa được cấp kinh phí.

Điều này không khó hiểu bởi nhiều năm nay, phim Nhà nước chi tiêu hàng trăm tỉ đồng hầu như không thể vào rạp, trụ rạp, chứ đừng nói đến thu hồi vốn, hay sinh lãi. Phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ (đạo diễn Đào Duy Phúc) sản xuất dịp Đại lễ Thăng Long - Hà Nội (2010) có kinh phí đầu tư lên tới 57 tỷ đồng. Trung bình mỗi tập phim này ngốn 1,7 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần so với kinh phí trung bình của một phim truyền hình được sản xuất trong nước. Phim Thái sư Trần Thủ Độ sau khi hoàn thành phải mất ba năm đắp chiếu mới được lên sóng.

Năm 2013, bộ phim Người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được đầu tư 10 tỷ đồng đã nhận được những “cơn mưa” lời khen từ truyền thông đến giới chuyên môn. Sau đó, bộ phim về đề tài giao thông thời chiến này đã đoạt 6 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18. Vậy mà rốt cục, tác phẩm phải nhận lấy sự thất bại khi công chiếu. Suất chiếu của phim này vốn ít, lại bị sắp xếp những khung giờ “chết” nên chỉ sau một tuần, nhà phát hành BHD đành rút phim khỏi lịch chiếu khi doanh thu đạt 500 triệu đồng.

Phim Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng mỗi phim được sản xuất để phát hành năm 2015 đều chiếu miễn phí. Trước đó, không ít phim từng được ra mắt rồi “đắp chiếu”, cất kho như Rừng đen, Chơi vơi hay Vũ điệu đam mê. “Có kinh phí làm phim, xong phim thì ngồi chờ phát hành, có ra rạp hay không, có thu hồi vốn hay không cũng chẳng cần suy nghĩ vì đó là phim được bảo trợ”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho hay.

Cho đến nay, chỉ có bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ là bộ phim do Nhà nước đặt hàng được phát hành thương mại và thu lợi nhuận phòng vé khi bộ phim đã chạm đến cảm xúc của khán giả.

Không có lý gì điện ảnh đã bước vào kinh tế thị trường từ lâu, mà vẫn duy trì một dòng phim tiêu tiền ngân sách và không đem lại một đồng lãi. Trong khi đó, còn rất nhiều lực lượng khác của nền điện ảnh như khối phim tư nhân, những nhà sản xuất phim độc lập, những tài năng trẻ đang khốn khổ duy trì sản xuất và tồn tại trước cơn lũ phim nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.