Điện ảnh

Phim vấn nạn ấu dâm Việt rầm rộ “ra trận”

23/05/2017, 13:09

Sau hàng loạt thông tin rúng động về nạn ấu dâm được phơi bày trên phương tiện thông tin đại chúng...

25

Cảnh trong trailer “Sói trắng” - Bộ phim về đề tài ấu dâm của đạo diễn Lê Hoàng sẽ ra rạp ngày 16/6

Vấn nạn ấu dâm - chủ điểm nóng dòng phim Việt 2017

Chưa bao giờ mà tệ nạn ấu dâm lại được xã hội đặc biệt quan tâm chú ý như thời gian gần đây. Bắt đầu từ sự việc Minh Béo bị bắt giữ tại nước ngoài do có hành vi ấu dâm với trẻ vị thành niên, cho đến những vụ lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra ở Vũng Tàu… Như giọt nước tràn ly, đề tài này trở thành chủ điểm nóng của dòng phim Việt 2017.

Đạo diễn Lê Hoàng cùng nhà sản xuất Bồ Tùng Linh đã sử dụng ngôn ngữ điện ảnh truyền tải thông điệp chống lại nạn ấu dâm. Đạo diễn cho biết: “Tuổi thơ Lê Hoàng suýt bị ấu dâm. Lê Hoàng đã cố quên đi nhưng gần đây dư luận rộ lên nhiều quá khiến vết thương cũ tái phát và nghẹn ngào nhớ lại”. Lý giải về cái tên phim mang tên (S.O.S) Sói trắng sẽ ra rạp ngày 16/6, anh cho hay, từ “Sói trắng” ám chỉ những kẻ ấu dâm, những con sói khác biệt so với đồng loại.

Cùng đó là các bộ phim ngắn, sitcom phát hành trên Youtube mang nội dung xâm hại tình dục trẻ em cũng chuẩn bị ra mắt. Đạo diễn Nguyễn Phương Phi có phim ngắn Không ai biết, với kinh phí tự vận động cá nhân và thiện nguyện từ những người tham gia. Hay nữ đạo diễn Phúc Phạm sản xuất series phim ngắn Bí ẩn học đường phát hành trên Youtube vào tháng 6 này. Điều khiến nữ đạo diễn Phúc Phạm quyết tâm làm series phim này bởi những bức xúc xã hội, cũng như cá nhân chị với nạn ấu dâm. Hay câu chuyện về một cô bé bị xâm hại đã tự tử trong quá trình hai năm, mẹ cô bé đi tìm công lý chưa được mà chị được biết.

Xét xử tội phạm ấu dâm trên... màn ảnh

Ấu dâm là đề tài khó khai thác trong điện ảnh bởi bản chất của nó vốn gây ra căm phẫn và đau đớn cho người xem. Cũng chính vì vậy mà đây cũng là chủ đề dễ chạm đến cảm xúc của tất cả khán giả ở mọi nền văn hóa. Trên thế giới đã có rất nhiều bộ phim, tác phẩm lấy ấu dâm làm chủ đề như: Mystic River, Spotlight, The Hunt… Hàn Quốc, nền điện ảnh hiếm hoi ở châu Á đã dám thực hiện những bộ phim đầy sức nặng, để chiến đấu với nạn ấu dâm, cảnh tỉnh cho toàn xã hội, đồng thời tạo nên những sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức đối với người xem. Có thể kể đến như The Crucible (Buộc phải im lặng), Hope (Hy vọng).

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 - 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Tại Việt Nam, các nhà làm phim cũng đã bắt đầu biến sức mạnh phim ảnh thành thứ vũ khí quyết liệt nhưng tích cực chống lại ấu dâm. Theo nữ đạo diễn Phúc Phạm, phim điện ảnh, phim truyền hình hay phim chiếu mạng điều có một sức ảnh hưởng nhất định, bởi nó góp thêm vào đó những hình ảnh chân thực. Và quan trọng là người làm phim phải để tâm huyết của mình trong các khâu sản xuất, tạo nên một tác phẩm chất lượng. Và nếu làm không khéo, sẽ bị tác dụng ngược.

Đạo diễn Lê Hoàng cho biết, tội phạm ấu dâm phải bị xét xử tới cùng trên màn ảnh. Chắc chắn là không nhẹ nhàng, không chìm xuồng và không xử lý nội bộ, không rút kinh nghiệm sâu sắc.

Có lẽ sẽ mất khá lâu để điện ảnh Việt Nam quan tâm và khai thác đề tài nhạy cảm này. Nhưng giống như bộ phim Hope, hy vọng luôn tồn tại, trong cả những tình cảnh tăm tối nhất. Vậy thì hãy cứ đấu tranh và không ngừng hy vọng. Điện ảnh có thể tạo nên thay đổi như bộ phim Hope đã từng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.