Điện ảnh

Phim Việt hóa được thừa nhận

22/08/2017, 13:06

Từ chỗ bị cấm cửa, dòng phim “remake” (tức phim Việt hóa) đã dần được chấp nhận trong cuộc chơi giải thưởng.

20

“Em là bà nội của anh” - phim Việt hóa từng lỡ hẹn với giải thưởng Cánh diều vàng 2017

Giải nỗi oan cũ

Chưa có kỳ liên hoan phim nào “sốt” ngay từ lúc vừa công bố lộ trình và một phần nội dung như Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (LHP lần thứ XX). Cuộc hẹn cuối tháng 11 đã tự đặt mình vào lịch sử điện ảnh nước nhà như một dấu gạch với hàng loạt sự mới mẻ, vui buồn lẫn lộn. Phim truyện video không còn hạng mục tranh giải do đã đi hết vai trò. Phim Nhà nước lặng lẽ im hơi trong khi phim tư nhân tung hoành. Và đặc biệt nhất hẳn là sự góp mặt của dòng phim remake, hay còn được gọi với những cái tên khác như phim Việt hóa, làm lại...

Đầu tiên, cần thừa nhận một “cơn sốt” phim Việt hóa đang lên trong năm 2017, sát thềm tổ chức LHP lần thứ XX. Sau thành công của Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - làm lại từ phim Miss Granny), Bạn gái tôi là sếp (đạo diễn Trần Hàm - làm lại từ phim ATM: Er Rak Error), xu thế Việt hóa đã trở thành lựa chọn yêu thích của các nhà làm phim Việt, chí ít là trong năm 2017. Đi hết 6 tháng đầu năm, đã có Sắc đẹp ngàn cân (đạo diễn James Ngô - làm lại từ phim 200 Pounds beauty), Cô nàng ngổ ngáo (đạo diễn Văn Công Viễn - làm lại từ phim My Sassy Girl), Ngựa hoang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - làm lại từ phim Sunny). Nhìn rộng ra, ở mặt trận truyền hình, 2 sản phẩm “sốt” nhất màn ảnh nhỏ là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử cũng đều thuộc dạng Việt hóa.

Sự xuất hiện của phim Việt hóa ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 có thể xem như sự thử nghiệm, xác nhận vị trí của dòng phim này đối với điện ảnh Việt, lúc này và trong tương lai.

Đã có những nhận định theo kiểu: “Vì năm 2017 là cuộc chơi của phim remake nên LHP lần thứ XX mới phải mở cửa như vậy”, hay “nếu không chọn phim remake, thì kỳ LHP này chẳng có ứng viên tranh tài”. Thực tế, đó là nhận định sai lầm. Tác động từ thị trường là có thật, nhưng chưa đủ để thay đối cơ cấu của cả một kỳ liên hoan phim. Hãy nhìn vào tiêu chí xét tham dự để nhận thấy: Chỉ có những phim từ mốc 11/10/2015 - 10/9/2017 là đủ tiêu chuẩn góp mặt. Tức là chỉ có 4 phim remake gồm: Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ có thể tham dự LHP năm nay, chẳng thấm vào đâu so với số lượng phim ra rạp cùng thời điểm. Bỏ phim remake đi, vẫn sẽ có một kỳ liên hoan phim đủ quân số ứng thi chứ không đến mức thiếu mà phải hủy.

Thực tế, hành động nới rộng quy chế với phim remake lại giống một sự giải oan nhiều hơn là chiều lòng thị trường. Bộ phim làm lại từ kịch bản Hàn Quốc Em là bà nội của anh đã tạo ra những dấu ấn nhất định, trước là chất lượng nghệ thuật đầy đặn, chỉn chu, thuyết phục từ khán giả đến giới phê bình, sau là doanh thu kỷ lục hơn 100 tỷ trong năm 2015. Bộ phim Bạn gái tôi là sếp sau đó cũng có chất lượng gần tương đương. Theo đó, đặt ra một thực tế là nếu cứ lạnh lùng gạt phim remake ra khỏi vòng xét tuyển, thì rồi các giải thưởng lớn cũng sẽ vô tình bỏ rơi ứng viên xứng đáng. Bản thân Cánh diều vàng 2017 đã từng làm điều này với Em là bà nội của anh, chỉ vì gắn mác phim Việt hóa. Một nỗi oan khiên không đáng có, nên theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, thành viên Ban tổ chức LHP lần thứ XX: “Chúng tôi không chủ trương “cứ làm phim remake đi” nhưng phải nói rằng, phim nào chất lượng thì chúng ta không nên bỏ sót. Ở đó có sự sáng tạo của rất nhiều thành phần: Đạo diễn, diễn viên, quay phim... và nó cũng chuyển tải ít nhiều văn hóa Việt”.

Mở, nhưng không mở toang

Dẫu vậy, mở cửa không có nghĩa là thả nổi hoàn toàn cho phim Việt hóa tung hoành tại LHP lần này. Bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh: “Những phim làm lại dự thi sẽ chỉ được xét các giải thưởng cá nhân, không tính giải tác giả, kịch bản. Còn lại, không được xét giải thưởng dành cho cả bộ phim”. Theo đó, tức là những hạng mục quan trọng nhất bao gồm danh hiệu Bông sen cao quý sẽ vẫn nằm ngoài tầm với các phim Việt hóa trong kỳ LHP này.

Sự thận trọng này là cần thiết, bởi phim remake Việt Nam vốn nhập nhằng giữa sáng tạo và vay mượn. Chấp nhận cho dòng phim này đi sâu vào các giải thưởng lớn, tức là sẽ có những sản phẩm rập khuôn, không có chút đổi mới nào được dịp sánh cùng các sản phẩm sáng tạo thực thụ. Điều này bất hợp lý và ngay trong mùa phim 2017, đã có trường hợp của phim Sắc đẹp ngàn cân là điển hình: Bê nguyên xi từ bối cảnh, thoại đến tính cách nhân vật về phiên bản Việt Nam. Gạt bỏ giá trị thương mại, còn đọng lại bao nhiêu chất liệu nghệ thuật để một sản phẩm như thế tranh giải Bông sen vàng?

Hơn thế, hiện tại các bộ phim làm lại ở nước ta vẫn chỉ quanh quẩn trong khu vực phim giải trí, đơn thuần phục vụ nhu cầu chạy đua thương mại chứ chưa có sản phẩm nghệ thuật thuần túy. Và thể loại giải trí này, thì dù ở nền điện ảnh nào cũng không được chấp thuận ở các giải thưởng lớn. Tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới là Oscar, phim remake đã xuất hiện và tranh tượng vàng sòng phẳng. Nhưng đó là The Departed (2007), một bộ phim nghệ thuật nghiêm túc làm lại từ bản gốc cũng rất nghiêm túc khác là Vô gián đạo của điện ảnh Hong Kong. Chưa có phim Việt hóa mang hơi thở hàn lâm như vậy, mà vẫn là các sản phẩm giải trí đơn thuần, thì việc LHP không tỏ ra dễ dãi là hợp lý.

Ngoài ra, nếu không tiết chế phim remake, rất dễ tạo ra phản ứng ngược, cản trở sự phát triển của dòng phim kịch bản Việt Nam. Bởi một lẽ hiển nhiên, nếu cứ Việt hóa phim nước ngoài mà vừa có doanh thu khủng, vừa có giải thưởng lớn thì mấy ai còn bận lòng làm phim kịch bản gốc? Và một nền điện ảnh sẽ đi về đâu nếu sống dựa vào kịch bản ngoại. Đó là chưa kể đến việc phim remake vẫn đang trong hình thái trào lưu, như đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét “là hành động giải quyết nhu cầu trước mắt”. Sức sống, khả năng bám trụ và đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà của dòng phim làm lại vẫn còn là dấu hỏi cần nhiều năm nữa để trả lời. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.