Thế giới

Phô diễn sức mạnh trên biển Hoa Đông, Trung Quốc có dụng ý gì?

11/12/2017, 12:46

Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn cả trên không và trên biển trong bối cảnh căng thẳng.

28

Tàu khu trục Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận - Ảnh: SCMP

Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn cả trên không và trên biển trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao sau vụ phóng tên lửa ngày 29/11. Bắc Kinh muốn phát đi tín hiệu gì trong khi Mỹ và đồng minh Hàn Quốc cũng đã tiến hành diễn tập không quân lớn nhất trong lịch sử?

Nâng cao khả năng tác chiến

Cuộc tập trận của lực lượng Hải quân Trung Quốc được diễn ra vào ngày 7/12 trên biển Hoa Đông. Theo SCMP, hơn 40 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc thuộc các 3 hạm đội: Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải đã tham gia cuộc tập trận lớn ở biển Hoa Đông, chỉ vài ngày sau khi có báo cáo rằng lực không quân của nước này vừa thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn tương tự.

Các chuyên gia quân sự cho biết, các cuộc tập trận trên không và trên biển là bằng chứng cho thấy tất cả các sư đoàn của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang gia tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu về mọi mặt.

Trước đó, ngày 4/12, một phát ngôn viên của không quân Trung Quốc tuyên bố rằng, máy bay Trung Quốc gần đây đã thực hiện các cuộc diễn tập trên các vùng biển Hoàng Hải và Hoa Đông gần bán đảo Triều Tiên.

Thời điểm thông báo trùng với thời điểm bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay, kéo dài 5 ngày, của liên quân Hoa Kỳ - Hàn Quốc, vài ngày sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên ngày 29/11 và tuyên bố của Bình Nhưỡng khẳng định rằng, vũ khí tầm xa của họ có khả năng bắn tới bất kỳ phần nào của lục địa Mỹ.

Hải quân Trung Quốc cho biết, cuộc tập trận bắt đầu được tiến hành từ ngày 7/12, mô phỏng tình huống “chiến tranh thực sự” để kiểm tra khả năng đánh chặn của các tàu khu trục hạng nhẹ mang tên lửa phòng không.

Các bức ảnh được công bố cho thấy hoạt động diễn tập có sự tham gia của tàu khu trục Type-056 Huaian, chiến hạm Type-052D Putian và tàu khu trục Changzhou 054. Các tàu chiến đã được yêu cầu phải đối phó bằng được các cuộc tấn công tên lửa đa mục tiêu được bắn đi từ nhiều độ cao khác nhau.

Theo SCMP dẫn lời Song Zhongping, cựu giảng viên quân sự của Lực lượng Pháo binh 2 của PLA - đơn vị tiền nhiệm của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc nhận xét rằng, cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc quyết tâm tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa cả trên đất liền và trên biển.

Chuyên gia này cho hay, Trung Quốc đang thử nghiệm khả năng phòng thủ tên lửa của hải quân nước này khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã cho thấy những hạn chế của hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền.

“Để nâng cao khả năng tác chiến, Trung Quốc phải tiến hành nhiều cuộc tập trận chống tên lửa trên đất liền, trên không và trên biển trong mọi điều kiện thời tiết”, ông Song nói.

Thông điệp gửi tới Mỹ, Hàn, Nhật

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Hong Kong - Liang Guoliang khẳng định, việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân và không quân mới nhất là một thông điệp mà chính quyền Trung Quốc gửi tới phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản - những nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực liên tục nhiều tháng qua.

Ông Liang Guoliang cho biết, các tàu chiến thử nghiệm hệ thống phòng không chống tên lửa HHQ-10 tiên tiến của PLA, loại vũ khí được đánh giá là có năng lực tương đương với hệ thống tên lửa hạm đối không RIM-116 Rolling Airframe của quân đội Mỹ.

Tháng 9 vừa qua, Hàn Quốc đã triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD của Mỹ (Hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối). PLA đã bày tỏ sự quan ngại vào thời điểm đó, nói rằng điều đó cho thấy Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến một bước gần hơn để tạo ra một “phiên bản NATO thu nhỏ ở châu Á” để chống lại Trung Quốc.

“Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã dẫn đến một số nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản sở hữu thêm nhiều loại tên lửa có điều khiển, thậm chí cả vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, bất cứ nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa an ninh đối với Trung Quốc”, ông Song phân tích.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau sự kiện thử tên lửa liên lục địa có thể vươn tới Washington của Bình Nhưỡng ngày 29/11, Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Feltman đã có chuyến thăm tới Triều Tiên kéo dài 4 ngày.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho, hai bên cùng quan điểm cho rằng tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên ở mức nguy hiểm và căng thẳng nhất thế giới hiện nay. Vị quan chức của Liên hợp quốc cho rằng, vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp ngoại giao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.