Xã hội

Phong tướng công an: "Không công bằng, quân đội sẽ "tủi thân"

06/11/2018, 18:13

"Việc phong hàm cho công an cũng là “đáng mừng”, nhưng nếu hai bên không công bằng thì quân đội sẽ thấy “tủi thân”.

nguyen-van-duoc

ĐB Nguyễn Văn Được - Hà Nội

Chiều nay (6/11), Quốc hội thảo luận về Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Dự thảo Luật lần này quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng (trừ Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP.HCM là Trung tướng), song số lượng không quá 11.

Cũng theo dự luật, hàm Đại tướng chỉ có một với chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Hàm Thượng tướng với chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6. Hàm Trung tướng số lượng không quá 35, Thiếu tướng số lượng không quá 159. Như vậy, lực lượng công an sẽ không có quá 201 cán bộ mang cấp hàm tướng.

Với việc quy định hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an 11 tỉnh loại 1, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng sẽ bất cập khi so với các tỉnh, thành phố khác. “Bởi có tỉnh, thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm Thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi. Hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11, nếu phong thiếu tướng thì con số sẽ vượt. Hơn nữa, người mang hàm thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh, thành khác. Như vậy sẽ không hợp lý. Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành như nhau nhưng lại có người mang hàm cấp tướng, người mang cấp tá cũng không hợp lý” – ông Hoà đặt vấn đề.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh nhấn mạnh quan điểm “phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân” nên không nhất thiết cứ tỉnh nào loại 1 phải phong tướng cho Giám đốc Công an tỉnh, mà địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma túy nhiều, phản động nhiều... thì đề nghị phong tướng cho lãnh đạo Công an để chỉ huy quân.

Nhưng nhắc đến mối tương quan giữa công an, quân đội, ông Được cho rằng Quốc hội cần cân nhắc vì hai lực lượng này đều là lực lượng vũ trang. Việc phong hàm cho các đồng chí công an cũng là “đáng mừng”, nhưng theo ông Được, nếu hai bên không công bằng thì sẽ thấy “tủi thân”.

“Giờ ngồi họp như nhau, 1 bên tướng, 1 bên tá thì cũng không vui lắm. Đề nghị Đảng, nhà nước, Quốc hội xem xét cho hợp lý. Lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của nhà nước, không thể công an thế này, quân đội thế kia. Làm thế này bên quân đội buồn, tủi thân lắm” – ông Được nói.

Còn theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Bộ Công an đã triển khai tổ chức bộ máy  Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cấp địa phương là cấp thực hiện chủ yếu nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm và thực hiện hầu hết các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Công an tỉnh có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an, tham mưu tỉnh uỷ, UBND tỉnh  về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm; thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn. Trực tiếp đấu tranh, phòng chống hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội

Từ thực tế đó, ông Cầu đánh giá khối lượng công việc công an địa phương, tập trung chủ yếu là công an cấp tỉnh chiếm tới 80% tổng khối lượng công việc của lực lương CAND, và phần lớn biên chế CAND bố trí ở công an các tỉnh. Vì vậy, Giám đốc công an tỉnh sẽ có quyền hạn lớn hơn và trách nhiệm nặng nề hơn. Mặt khác, trong hệ thống chức vụ sĩ quan CAND, Giám đốc Công an tỉnh được xác định chức vụ cơ bản là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch, bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công an. Do đó, tiêu chuẩn chức danh cấp bậc hàm của Giám đốc Công an tỉnh phải bảo đảm tương quan, tương đối với chức danh Cục trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ.

Hơn nữa, ông Cầu phân tích, yêu cầu đặt ra khi bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an thì cán bộ có thời gian đảm nhận chức vụ  Giám đốc công an tỉnh để rèn luyện tư cách, vì vậy nếu chức vụ Giám đốc công an tỉnh  không có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng sẽ khó khăn không thể luân chuyển được cán bộ cấp Cục cấp bậc hàm Thiếu tướng về làm Giám đốc công an tỉnh.

Song ông Cầu cũng cho rằng không nên đặt vấn đề quy định cho tất cả 63 Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có quân hàm là Thiếu tướng, vì quy định như vậy sẽ bảo đảm không có tính khả thi phù hợp, dẫn đến số lượng hàm cấp tướng quá lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.